Tại sao chúng ta nên lên tiếng

FB Tô Nhi A

7-6-2018

Ảnh: internet

Tôi nhận tin nhắn từ sinh viên (như hình bên dưới), điều này làm tôi hiểu rằng: mình cần lên tiếng cho tư cách cá nhân của mình – 1 công dân.

Vấn đề phức tạp và đồ sộ nên post này sẽ dài, quý vị sẽ tốn chút đỉnh thời gian nếu đọc nó đến chữ cuối cùng – kết luận về ý kiến của tôi ở đó! Và vấn đề thì rối ren, sức tôi thì hạn hẹp nên tôi sẽ chỉ nói về các tiêu điểm như sau:

1. Tại sao chúng ta nên lên tiếng (dù ủng hộ hay phản đối) – Vì dự luật chỉ đang là “dự” và bất cứ công dân Việt Nam nào cũng có quyền tự do ngôn luận, dân biết dân bàn. Nếu ý kiến lúc này không phải là lợi dụng quyền công dân để làm phức tạp và chuyển hóa tình hình an ninh xã hội thì đó là sự hợp pháp; Còn sau 15/6, nếu dự luật đã thông qua, lúc đó chúng ta lên tiếng (mà phản đối) thì là cơ sở để cấu thành TỘI.

2. Nội dung dự thảo. Tôi dành tổng thời gian gần 3 ngày để đọc trọn vẹn dự luật, bao gồm 6 chương, 85 điều, 6 phụ lục. Nhìn chung, toàn bộ dự luật đảm bảo cho sự vận hành tốt nhất tất cả các lĩnh vực của đặc khu. Nhưng có khá nhiều nguy cơ để làm yếu đi chủ quyền của Việt Nam trước các nhà đầu tư nước ngoài tại những điều khoản sau (tôi chỉ nêu 6 điều mình có lo lắng):

Điều 4 – Chính sách về phát triển đặc khu. Quan điểm là thu hút đầu tư nên bộ máy hành chính tinh gọn của đặc khu phải ưu tiên quyền lợi của nhà đầu tư. Mà lẽ ở đời, ai mở hầu bao cũng muốn cái mình thu về phải đáng đồng tiền bát gạo. Theo đó, các yêu sách có thể sẽ được đưa ra 1 cách từ tốn theo kiểu “luộc con ếch bằng nước lạnh”. Khi chúng ta nhận ra việc ưu ái của mình quá ngưỡng thì có thể đã có rất nhiều thứ tồn tại mang tính hệ thống mà không dễ gì dứt ra hoặc hủy bỏ, bởi dây mơ rễ má lùng nhùng!

Điều 6 – Áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc tập quán quốc tế đối với các hợp đồng dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động có yếu tố nước ngoài. Điều này làm mình liên tưởng đến sự vụ “đây là sân chơi của tau, luật là của tau”. Đừng quên những nhà đầu tư hoàn toàn đủ thông minh để sử dụng điều khoản này để có lợi cho họ. Và vì chính sách là thu hút đầu tư, chúng ta không chắc mình có thể cương quyết không thỏa hiệp. Điều này giống như chúng ta cho 1 người thuê trọ, cho phép họ giữ nguyên những gì thuộc về “tiêu chuẩn của họ” – và vì họ trả tiền thuê cao, hoặc họ đã thuê quá lâu và không cho họ thuê thì mình cũng không thể cho ai thuê được, vậy thì mỗi lần 1 chút, mỗi ngày 1 ít, xem ra chúng ta thua trắng, mà nếu thắng, chắc cũng tơi tả rách bươm!

Điều 7 – Giải quyết tranh chấp. Rất đầy đủ các thành phần. Tuy nhiên, hãy nhìn vào những “nhà đầu tư tiềm năng” – họ là ai? Chắc chắn họ phải giàu, họ phải giỏi, họ phải có vai vế trên chính trường Quốc tế và họ phải có mưu tính cho sự thành công. Như vậy, với việc cho phép các bên tranh chấp thỏa thuận xác định trọng tài; cho phép giải quyết tại tòa án nước ngoài (thuộc nhà đầu tư?) sao có thể tránh khỏi việc chúng ta thành “con kiến” và “đi kiện củ khoai”?

Điều 18 – Hình thức đầu tư. Có quá nhiều cơ hội cho nhà đầu tư bày binh bố trận thế lực của mình để thao túng đặc khu. Họ có nhiều tiền, nhiều lực, nhiều đồng minh – điều này có thể tạo nên 1 ông trùm cuối giấu mặt và khi chúng ta thấy mặt thì họ đã cho chúng ta 1 cú không còn mặt để mà mất!

Điều 30 – Quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư chiến lược. Có nhiều quyền nhưng quá ít nghĩa vụ và sự ràng buộc. Chúng ta chỉ mới có thể kiểm soát họ trên nguồn vốn, dự án, tiến độ giải ngân; trong khi nhìn vào quyền được hưởng, chỉ cần họ minh chứng được bước đầu các nguồn lực để trở thành level chiến lược thì quá trình sau đó chúng ta bị phụ thuộc quá nhiều. Sao mà giống 1 cuộc hôn nhân mai mối! Lên kiệu hoa thì tao nhân quân tử, nhưng đã buộc vào nhau rồi thì không lấy gì làm chắc mình có bị bạo hành hay không! Điều này có liên quan đến thời hạn thuê đất, thuê mặt nước, – nếu là nhà đầu tư chiến lược và có dự án đồ sộ có thể được phê duyệt đến 99 năm. Mà trời ơi, 30 năm thôi thì đã “thương hải hóa tang điền” rồi!

Điều 47 – Chính sách đối với người làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập ở đặc khu. Điều này qui định rõ ràng nguồn thu nhập cho công chức tại đặc khu đến từ những quỹ tiền nào: song song với ngân sách nhà nước , tiền lương tăng thêm được điều chỉnh theo mức độ phát triển kinh tế của đặc khu – như vậy, nhà đầu tư có liên quan trực tiếp đến số dư cuối tháng của các nhân viên nhà nước, một cách hợp pháp chứ không cần có tham nhũng. Như vậy, lấy gì làm chắc để gánh nặng cơm áo gạo tiền; tiêu chuẩn con học trường tốt, gia đình sống đời thượng lưu không hành hạ bộ máy công vụ; để từ đó, có thể nới lỏng hoặc làm ngơ các yêu sách của những nhà đầu tư? Lũng đoạn, thao túng và ảnh hưởng chính trị là ở đúng điểm này.

3. Tại sao lại là Bắc Vân Phong, Vân Đồn và Phú Quốc? Nếu so chiếu với phụ lục về các nhóm ngành đầu tư, có thể trả lời ngay là vì nó hợp cảnh (du lịch, casino), hợp tình (vị trí đẹp để thu hút người lao động ở nhóm công nghệ cao). Nhưng, nó không hợp lý – vì an ninh quốc gia. Mình có đính kèm hình 3 vị trí được đề nghị lập đặc khu. Đâu có khó để thấy nó toàn bộ là yết hầu quân sự! Giả sử rằng, với sự lớn mạnh về kinh tế (mà chắn chắn phải mạnh, vì làm kinh tế thì phải giàu mới làm chớ!) của các nhà đầu tư nước ngoài là cường quốc về vũ khí; nếu có xung đột liên quan đến an ninh chủ quyền, có phải chúng ta đang để cho họ 1 vị trí tác chiến lý tưởng không? Nhà Trần đã từng phải tốn binh lính ở trận Vân Đồn với Nguyên Mông – Vân Phong là vịnh nước sâu có thể nhận hạm đội – Phú Quốc sát kề với tam giác vàng trên biển nhiều tranh chấp tại biển tây. Đất nước đã là hình con giun, sao còn chắn đầu chặn đuôi để nó phải quằn mình giãy giụa?!

4. Tại sao dư luận cứ rôm rả “Tàu đang thuê đất”? Quả thật là “Không có 1 chữ Trung Quốc nào trong dự thảo luật đặc khu”. Nhưng, lịch sử và thực tế đang cho chúng ta thấy điều gì?

– Bản thân Trung Quốc luôn tiến hành không ngừng nghỉ các cuộc di dân, chính phủ họ không có chính sách khuyến khích thì người dân vẫn di dân. Vì sao: đất thì chật, người thì đông, môi trường thì ô nhiễm. Hãy nhìn lên bản đồ dân cư thế giới đi sẽ thấy màu sắc Trung Quốc nhuộm bao nhiêu phần. Vậy thì, hàng xóm cho thuê mắc gì không qua – đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt!

– Chúng ta lập đặc khu phát triển kinh tế, làm ăn giỏi có thể được coi là 1 “dân tộc tính” của Trung Quốc. 1 con buôn có thể bỏ qua nhiều ưu đãi để làm giàu sao?!

– Giới làm ăn Trung Quốc, minh bạch thì lập Nghiệp đoàn – phi pháp thì hình thành Bang hội. Trong sáng hay ngoài tối họ đều xây dựng lực lượng để liên minh. Và trong phụ lục các nhóm ngành ưu tiên đầu tư, ngành nào cũng thuộc ưu thế phát triển của nền kinh tế Trung Quốc – đương nhiên, cả công nghệ cao. Vậy thì, sao tránh khỏi nỗi lo bành trướng và thao túng?! Trong khi đó, chưa lập đặc khu mà chúng ta đã có Fomosa (thuê 70 năm), Boxit Tây Nguyên và hệ thống các công ty Trung Quốc dày như mắc lưới tại các khu công nghiệp!

– Trung Quốc quá giỏi để gói ghém mưu đồ thôn tính trong các hình hài thân thiện, hiền lành – du long chuyển phượng, dương đông kích tây, di thể giá họa,… mỗi ông Tôn Tử của họ cũng đã có đến 36 kế cho binh pháp; chúng ta cho họ đầu tư vào đặc khu là xây sân khấu để họ có đất diễn và thành người chiến thắng. Và kiểu gì thì lịch sử diễn ra ở triều Trần cũng đã cho chúng ta hiểu thế nào là “mượn đường hành quân”; chiến tranh biên giới phía Bắc cũng đã cho chúng ta biết họ đã xài kế “vô trung sinh hữu” như thế nào – mà mỗi lần hiểu với biết thì đất nước này hư hao đến phờ phạc. Ai chắc được với việc đầu tư vào đặc khu, họ sẽ không xài luôn chiêu “ phản khách vi chủ”. Vậy thì, thêm bao lâu nữa để đọc lại tuyên ngôn độc lập?!

5. Tại sao thời hạn cho nhà đầu tư thuê đến 70 năm và có dự án sẽ đạt được thỏa thuận 99 năm? Hạng mục đầu tư hầu như không có nhóm ngành nào cần giai đoạn thi công ở mức độ lâu dài để phải mở ra đến giới hạn đó; như vậy gia tăng thêm năm cho thuê có phải chúng ta đang tự mua dây về buộc lấy mình không? Và ai sẽ chịu trách nhiệm giải quyết hậu quả đã được gây ra trước đó cả thế hệ! Truy cứu ai? Xử phạt ai?

6. Sự cần thiết cho việc lập đặc khu? Nếu đặc khu được lập theo đúng những chức năng, qui định có trong dự luật; thì bên chủ quản (Nhà nước CHXHCN Việt Nam) hầu như không tạo ra cho mình những lợi ích mang tính đột phá nhưng khách khứa đến nhà thì rất dễ hóa Rồng! Không có bất cứ sự cần thiết nào bức bách đến mức phải tạo nên 1 cơ chế cho đặc khu; sự vận hành của các trung tâm hành chính, kinh tế, khu công nghiệp hiện nay cũng giải quyết được các vấn đề thu hút đầu tư – nếu như chất lượng nguồn nhân lực gia tăng, sử dụng các nguồn vốn minh bạch, tinh thần làm việc mẫn cán.

Sau mọi chuyện, tôi nói gì?

Với tư cách công dân và 1 Đảng viên: Tôi không đồng ý thông qua dự luật thành lập đặc khu sẽ được Quốc hội quyết định vào ngày 15.6.2018!

Ảnh: FB Tô Nhi A
Bình Luận từ Facebook