– Thủ tướng VN bất ngờ quyết định: “Rút số năm cho thuê đất, và không còn giữ mức 99 năm như dự thảo ban đầu”.
– Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh: “Những người đồng ý thì đều là những kẻ bán nước”.
Phạm Trần
7- 6- 2018
Trước những phản ứng gay gắt của dư luận, Thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc đã bất ngờ xuống giọng tuyên bố “sẽ rút thời gian cho thuê đất đặc khu kinh tế, không giữ nguyên mức cố định 99 năm”.
Tiếp xúc với báo chí tại hành lang Quốc hội sáng ngày 07/06 (2018), ông Phúc nói: “Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội việc điều chỉnh dự thảo luật về việc rút số năm cho thuê đất, và không còn giữ mức 99 năm như dự thảo ban đầu trong dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (Luật đặc khu)”. (Theo Zing, ngày 07/06/2018)
Tuy nhiên ông Phúc không cho biết sẽ rút số năm xuống còn bao nhiêu, và liệu đề nghị thay đổi có được Quốc hội và dư luận đồng tình ủng hộ hay không.
Tuy nhiên ông Phúc cũng lưu ý: “Tôi cũng xin nói rằng đây là đất thuê. Đất thuê đó thực hiện theo quy trình nào, hàng năm UBND trình HĐND giá thuê đất, chứ không phải giao vĩnh viễn nhượng tô, nhượng địa như Hong Kong, Ma Cao. Đó là 2 việc hoàn toàn khác nhau. Rất tiếc nhiều người hiểu sai vấn đề này”.
Ông Phúc nói thế, nhưng Dự luật không có chỗ nào viết rằng “hàng năm UBND trình HĐND giá thuê đất” để thay đổi giá thuê đất. Và nếu nhà đầu tư không đồng ý trả giá mới thì lấy đất lại.
Do đó, không có chuyện “nhiều người hiểu sai vấn đề này” với suy luận nhà nước đã có ý “nhượng tô, nhượng địa như Hong Kong, Ma Cao”. Chỉ có nhà nước không minh bạch khi viết ra những điều ấm ớ, nửa kín nửa hở trong Dự luật mà thôi.
Hơn nữa, trong hàng ngàn phản ứng bất bình với thời gian cho thuê đất 99 năm, không ai gán cho Chính phủ và Quốc hội đã âm mưu nhượng đất tổ tiên cho ngoại bang. Dư luận chỉ lo ngại nếu để cho người nước ngoài giữ đất quá lâu như thế, có ai dám bảo đảm đất này vẫn còn của Việt Nam hay sẽ thành thuộc địa của nước khác qua các mưu mô thâm độc không lường trước được của kẻ thuê đất.
Hãy đọc nguyên văn Điều 32 của Dự luật viết về “Quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất tại đặc khu”: “Căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm; trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định”.
Viết thế nhưng Dự luật lại không nói rõ “trường hợp đặc biệt” là thế nào.
Cũng trong lời tuyên bố không còn giữ thời hạn cho thuê đất 99 năm, ông Thủ tướng Phúc còn vẽ ra ý tưởng đề phòng thông minh của nhà nước.
Ông nói: “Tại đặc khu cũng có cơ cấu nhà đầu tư phù hợp, của từng quốc gia theo một tỷ lệ cần thiết, chứ không phải chỉ một nước. Điều đó đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh quốc gia đi liền với nhau trong xây dựng đặc khu. Người dân không nên lo lắng một nước, một quốc gia nào đó độc quyền đầu tư vào…Chúng ta phải tạo một thể chế môi trường cạnh tranh tốt với quốc tế, thuận lợi nhưng phải đảm bảo quyền lợi quốc gia, dân tộc”.
Ông Phúc nói thế thì biết vậy chứ trong toàn bộ Dự luật Đặc khu, chả thấy có chỗ nào nói rõ như thế! Ai không tin cứ tìm mà đọc.
Đáng chú ý là biến cố Chính phủ bỏ đề xướng cho thuê đất 99 năm chỉ xẩy ra 8 ngày trước khi Quốc hội họp kỳ 5 của Khóa XIV bỏ phiếu Dự luật 3 Đặc khu trong phiên họp bế mạc ngày 15/06/2018.
Như vậy, sau lần hoãn từ kỳ họp 4, Quốc hội đảng cử dân bầu của đảng CSVN đã chọn ngày họp cuối để bỏ phiếu “Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang)”, hay còn gọi ngắn gọn là Luật Đặc khu, theo yêu cầu của Bộ Chính trị.
Mặc dù Hiến pháp quy định Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất nước nhưng thực tế là Bộ Chính trị muốn ngồi lên đầu Quốc hội lúc nào cũng được.
Bằng chứng là tại phiên thảo luận ngày 16/04/2018 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, khi thảo luận Luật Đặc khu, Bà Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đã công khai hạ thấp danh dự của cơ quan đại diện dân để nói toạc ra rằng: “Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không không thể không ra luật”.
Bà Ngân, một Ủy viên Bộ Chính trị biết nói như thế là sai, vi phạm Hiến pháp nhưng vẫn phải nói vì Quốc hội chỉ là nơi diễn tuồng dân chủ phân quyền cho đảng duy nhất cầm quyền. Tư duy làm việc quen thuộc khi Bộ Chính trị đã ừ thì Quốc hội cũng phải gật cho tròn bổn phận bù nhìn, trong trường hợp này, đã rõ như ban ngày.
BA VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC
Về dự Luật Đặc khu, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo có nội dung “quy định về quy hoạch, cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế – xã hội, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan khác của Nhà nước tại các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt”.
Nhưng trong “đặc biệt” này còn có những thứ “đặc biệt” nào trái tai gai mắt mà nhiều Đại biểu Quốc hội và vô số kể nhân sỹ, trí thức, nhà khoa học và người Việt Nam trong và ngoài nước đã đồng loạt lên tiếng phê phán, đả kích và thậm chí còn cảnh giác cả về hiểm họa mất nước về tay người Tầu Bắc Kinh, nếu lãnh đạo chỉ biết ham lợi trước mắt?
Sở dĩ những người quan tâm lo âu vì 3 Đặc khu đều là các vị trí chiến lược quốc phòng quan trọng hàng đầu nhìn ra Biển Đông của Việt Nam.
– Vân Đồn (Tỉnh Quảng Ninh), cửa ngõ ra Vịnh Bắc Bộ, là chặng dừng chân đầu tiên của tầu bè Trung Hoa đi xuống Việt Nam, nhưng cũng là tuyến phòng ngự ở vùng biển Đông Bắc của Việt Nam từ thời các Vua chúa Việt. Hơn nữa Vân Đồn chỉ cách đảo Hải Nam, căn cứ Tầu ngầm của Trung Hoa, chừng 200 hải lý (mỗi hải lý dài 1,852 mét).
– Bắc Vân Phong (Tỉnh Khánh Hòa), nhìn thẳng ra Trường Sa, trực diện với các vị trí đóng quân của Trung Hoa trên các bãi đá, nay đã biến thành đảo mà Bắc Kinh chiếm của Việt Nam từ 1988 gồm Subi, Gaven, Chữ Thập, Gạc Ma và Châu Viên. Ngoài ra Bắc Vân Phong cũng chỉ cách vịnh chiến lược nổi tiếng Cam Ranh trên 60 cây số. Khánh Hòa cũng là nơi phát xuất các tầu Hải quân Việt Nam tiếp vận lương thực và luân chuyển quân lính ra vào 21 vị trí đóng quân của Việt Nam ở Trường Sa.
– Phú Quốc (Tỉnh Kiên Giang), nằm trong vịnh Thái Lan là vị trí phòng thủ chiến lược cực nam của Việt Nam. Từ Phú Quốc, tầu bè và máy bay có thể đi khắp Á Châu- Thái Bình Dương, sang Ấn Độ Dương để đi qua Trung Đông.
Khoảng cách giữa Phú Quốc và bờ biển Kampuchea chỉ chừng 26 cây số nên sự kiện Trung Hoa đã thuê dài hạn được hai cảng Sihanoukville và Bokor của “đàn em” Cao Miên để phô trương sức mạnh quân sự và kinh tế trong khu vực cũng là điều đáng quan tâm.
Vì các yếu tố quốc phòng quan trọng của 3 Đặc khu mà nhiều người Việt Nam đã cảnh báo Quốc hội và đảng CSVN phải đề phòng nguy cơ dùng kinh tế làm bàn đạp thôn tính Việt Nam của Trung Hoa, nếu vì lý do này hay lý do khác, các Công ty của người Tầu, kể cả từ Đài Loan hay Hồng Kông hoặc Ma Cao lại bỏ giá cao để trúng thầu độc quyền hay đầu tư ào ạt vào 3 Đặc khu để thực hiện ý đồ đen tối.
TỪ 99 NĂM ĐẾN LO GIỮ NƯỚC
Hơn nữa, vì thời hạn cho thuê đất dài đến 99 năm của Dự luật và những ưu đãi quá đáng dành cho người đầu tư nước ngoài mà nhiều giới đã khó chịu phản đối và lo lắng cho các thế hệ người Việt tương lai phải gánh hậu quả, nếu tính sai.
Trước những bức xúc này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã cố gắng giảm thiểu cường độ “phản ứng do lo ngại có yếu tố Trung Quốc” của nhiều người từ Việt Nam ra nước ngoài.
Ông Dũng nói với báo chí tại hành lang Quốc hội ngày 06/06/2018: “Trong dự thảo Luật không có một chữ nào về Trung Quốc… Chỉ có những người cố tình hiểu theo hướng đó và đẩy vấn đề lên, chia rẽ quan hệ ta với Trung Quốc. Còn Luật quy định bình đẳng trong một môi trường chung, với tất cả thành phần kinh tế và với tất cả các nước. Môi trường hội nhập quốc tế ta đang mở nên bình đẳng hết, không hạn chế người này người khác.
Mọi người đang hình dung tiêu cực. Mọi người đang đẩy thành vấn đề sợ Trung Quốc, nhưng ta bình đẳng không phân biệt, không một ai có thể vào đây làm việc gì khi đất nước ta đang có chủ quyền, ta phải bình tĩnh, xem xét và lắng nghe”.
Phản ứng nhanh và mạnh về chuyện cho thuê đất đến 99 năm, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Hoa, nguyên Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh viết: “Cá nhân tôi hoàn toàn không đồng ý với việc thành lập 3 đặc khu và cho thuê đất 99 năm với 3 nhận định như sau:
– Vị trí của 3 đặc khu vô cùng quan trọng, với 3 vị trí rải đều trên phần lãnh thổ VN cả mặt Đông Bắc, mặt Đông và mặt Tây Nam như vậy thì quốc gia nào thuê 99 năm đều có thể khống chế được toàn bộ vùng đất, vùng trời, vùng biển của VN. Đặc biệt là Vân Đồn.
– Trước khi đưa ra kế hoạch này thì người hoạch định nó đã có tính toán kĩ càng về giá trị kinh tế, quốc phòng ,… chưa? Có công khai cho toàn dân biết và đã lấy ý kiến của dân chưa? Nếu chưa thì đó là việc làm khuất tất.
– 99 năm nữa thì những người quyết định cho thuê đất 99 năm đã chết từ lâu rồi, vậy ai là người chịu trách nhiệm nếu 3 đặc khu đó làm ăn không hiệu quả hoặc cả 3 đặc khu đó vĩnh viễn rơi vào tay nước khác.
– Không biết ai đưa ra ý tưởng như vậy, kể cả những người đồng ý thì đều là những kẻ bán nước”.
Tiến sỹ, nhà Khoa học, Nhà văn bất đồng chính kiến với đảng CSVN, Hà Sĩ Phu (Nguyễn Xuân Tụ) truyên bố: “Nếu Quốc hội thông qua chủ trương ‘cho người nước ngoài thuê đất làm đặc khu dài hạn’ (chắc chắn sẽ được Tàu Cộng lợi dụng) thì tôi xin phép kết luận một cách khẩn thiết như sau:
Hiện nay không biết đặt mối lo Bắc thuộc lên hàng đầu thì hoàn toàn không xứng đáng là một người Việt Nam! Nếu đa số đại biểu Quốc hội mà đồng tình với chủ trương tai hại như vậy thì cũng có nghĩa tuyệt đại đa số trong Quốc hội VIỆT NAM CS bây giờ lại ‘không phải, không đáng là người VIỆT NAM’!? Vậy thực chất nó là một Quốc hội của người nước nào vậy?! Ôi, nghĩ thế mà đau lòng! (Hữu ý hay vô tình đã biến “của dân- do dân và vì dân” thành “của Tàu- do Tàu và vì Tàu”?).
Trong khi đó tại diễn đàn Quốc hội, Đại biểu Dương Trung Quốc (tỉnh Đồng Nai) băn khoăn tại sao không quan tâm đến phát triển công nghệ tại các đặc khu mà lại chú ý nhiều đến chuyện bất động sản. Ông nói: “Những nhà đầu tư vào công nghệ, nhất là công nghệ cao, người ta đâu cần đến 70- 99 năm?… Điều kiện kéo dài thời gian thuê đất thì các nhà đầu tư chân chính không cần. Họ cần môi trường đầu tư tốt, chính sách thuế, hạ tầng, các quan hệ xã hội, giao dịch sòng phẳng, minh bạch hơn là việc được ở lâu“.
Theo báo chí Việt Nam thì ông Dương Trung Quốc còn “cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn về mặt an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội nếu thời hạn cho thuê đất quá dài… phải hết sức thận trọng bởi nếu không đặc khu có thể sẽ trở thành nơi di dân”.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) đồng ý rằng: “99 năm là một thế kỷ, mấy thế hệ sinh ra và lớn lên, do đó, có thể để cho con cháu sau này quyết định số phận của những dự án ở đặc khu, không nhất thiết quyết thay cho họ”.
Vì cuộc tranh luận khá gay go nên Đại biểu Dương Trung Quốc đề nghị nên biểu quyết riêng về thời hạn 99 năm để sem ai đồng ý, ai không tán thành cho rõ trắng đen với lịch sử.
TIẾNG NÓI CHUYÊN GIA
Cũng lên tiếng về thời gian 99 năm, chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan nói:”Cho thuê đất tối đa 99 chỉ có lợi cho đại gia bất động sản”.
Lên tiếng tại cuộc Hội thảo ngày 01/06/2018 về “Chính sách ưu đãi thuế tại các đặc khu: kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị”. Bà Phạm Chi Lan cho rằng: “Với thời buổi công nghệ thay đổi nhanh chóng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4. 0, vòng đời của một sản phẩm rất nhanh. “Không nhà đầu tư nào đảm bảo sẽ làm ngành đó, nghề đó và lĩnh vực đó trong thời hạn 90 năm, kể cả 70. Đây là 3 – 4 vòng đời sản phẩm, gần hai thế hệ người Việt” (theo Tạp chí điện tử Người Đồng Hành, NĐH).
Tạp chí NĐH viết tiếp: “Theo bà Lan, trong bối cảnh công nghệ liên tục thay đổi, vòng đời và tuổi thọ của các ngành còn chưa rõ, việc Việt Nam mở ra ưu đãi lớn và thời gian thuê đất dài là thừa thãi. Bà Lan đặt vấn đề với thời hạn thuê đất đến 99 năm, khi doanh nghiệp phá sản hoặc chuyển mục đích sử dụng, cơ quan quản lý sẽ xử lý như thế nào?”
Bà nói thẳng: “Thời hạn cho thuê đất ở các đặc khu tối đa 99 năm là một chính sách rất tệ, không nên áp dụng”.
Bà cho rằng: “Cơ quan soạn thảo lấy ưu đãi thuế để làm tiền đề thu hút nhà đầu tư và lấy thời hạn cho thuê đất tối đa 99 năm làm cơ sở để các doanh nghiệp lớn có thể “yên tâm” làm ăn là một quan điểm lỗi thời trong thời đại cách mạng công nghiệp này”.
Phóng viên Nam Anh của Tạp chí NĐH viết tiếp: “Đồng tình, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết 85% các nhà đầu tư ở Việt Nam khi được hỏi khẳng định các chính sách ưu đãi thuế là không cần thiết. Các nhà đầu tư quan tâm hơn đến cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và ổn định xã hội. Theo ông Hồ, nhà đầu tư không cần ưu đãi dễ dãi, họ quan tâm đến công bằng, thuận lợi hơn”.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính cũng cho rằng các chính sách ưu đãi được đề xuất trong dự thảo Luật đều là những ưu đãi dựa trên lợi nhuận mà nhiều quốc gia không còn sử dụng nữa.
Theo ông, dự thảo Luật Đặc khu cần được xem xét lại cẩn trọng, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã bỏ các ưu đãi như thuế thu nhập doanh nghiêp, thuế tiêu thụ đặc biêt. Thay vào đó, các nước chuyển sang ưu đãi bằng sự thông thoáng trong tiếp cận vốn, tiếp cận thị trường”.
ƯU ĐÃI NHIỀU QUÁ
Ngoài chuyện cho thuê đất quá lâu, dư luận Quốc hội và trong dân còn quan tâm đến những chuyện ưu đãi qúa đáng mà Dự luật dành người nước ngoài, gồm những điểm đáng chú ý như sau:
– Tranh chấp giữa các nhà đầu tư liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại đặc khu, trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài còn có thể được giải quyết tại Tòa án nước ngoài, trừ tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Về nhà ở:
Điều 33 viết về quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại đặc khu:
1. Đối tượng, điều kiện tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại đặc khu được thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở.
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo pháp luật về nhà ở có quyền:
a) Sở hữu nhà ở thông qua đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại đặc khu theo Luật này và pháp luật có liên quan;
b) Sở hữu nhà ở thương mại, bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại đặc khu, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy hoạch đặc khu, thông qua các hình thức mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế từ chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
3. Quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở và quy định của Luật này.
Điều 34. Quyền sở hữu căn hộ khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, văn phòng làm việc kết hợp lưu trú.
1.- Tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc đối tượng và đủ điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo pháp luật về nhà ở thì được sở hữu căn hộ khách sạn (condotel), biệt thự nghỉ dưỡng (resort villa), văn phòng làm việc kết hợp lưu trú (officetel) và các loại hình tương tự khác thông qua các hình thức mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế từ chủ đầu tư dự án hoặc tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sở hữu bất động sản trong dự án đầu tư xây dựng bất động sản tại đặc khu, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy hoạch đặc khu.
2.- Quyền, nghĩa vụ về đất đai của nhà đầu tư và của người sở hữu căn hộ khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, văn phòng làm việc kết hợp lưu trú và các loại hình tương tự khác được xác định tương ứng với hình thức giao đất, cho thuê đất của dự án đầu tư xây dựng bất động sản theo quy định của pháp luật về đất đai.
3.- Chính phủ quy định quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu bất động sản quy định tại Điều này.
MIỄN- GIẢM THUẾ
Về thuế thu nhập cá nhân, Dự luật cũng có lắm ưu đãi như sau:
Điều 40. Ưu đãi thuế thu nhập cá nhân
1.- Miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời gian 05 năm nhưng không quá năm 2030 và giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp trong các năm tiếp theo đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ kinh doanh phát sinh từ đặc khu của cá nhân làm việc tại đặc khu.
2.- Miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời gian 10 năm nhưng không quá năm 2030 và giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp trong các năm tiếp theo đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ kinh doanh phát sinh từ đặc khu của nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao làm việc tại đặc khu.
Dự luật cũng dành nhiều ưu đãi cho “thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng” và “thuế tiêu thụ”.
Ngoài ra, Dự luật còn miễn nhiều thứ cho người nước ngoài như viết trong Điều 45 về “Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước”, như sau:
1.- Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước tối đa cho cả thời hạn thuê đối với các dự án đầu tư tại đặc khu mà theo quy định của pháp luật về đất đai hiện hành đang được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời hạn thuê và các dự án sau đây:
a) Dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển tại đặc khu;
b) Dự án đầu tư tại đặc khu Phú Quốc thuộc lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế đáp ứng điều kiện quy định tại Phụ lục 3 của Luật này.
2.- Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước tối đa không quá 30 năm đối với dự án đầu tư tại đặc khu thuộc Danh mục dự án cần thu hút đầu tư theo hình thức xã hội hóa thuộc lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường, trừ dự án đầu tư quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu ban hành Danh mục dự án cần thu hút đầu tư theo hình thức xã hội hóa thuộc lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường phù hợp với quy hoạch đặc khu.
3.- Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước tối đa 30 năm nhưng không quá một nửa thời hạn sử dụng đất đối với dự án đầu tư sau đây tại các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong:
a) Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển quy định tại Phụ lục 1, Phụ lục 2 của Luật này;
b) Dự án đầu tư quy định tại điểm b và điểm d khoản 5 Điều 3 của Luật này.
4.- Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước tối đa 19 năm nhưng không quá một nửa thời hạn sử dụng đất đối với dự án đầu tư sau đây tại đặc khu Phú Quốc:
a) Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển quy định tại Phụ lục 3 của Luật này, trừ dự án đầu tư khu du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng cao cấp từ 4 sao trở lên, khách sạn từ 5 sao trở lên và dự án đầu tư quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
b) Dự án đầu tư quy định tại điểm b và điểm d khoản 5 Điều 3 của Luật này.
5.- Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước tối đa 15 năm nhưng không quá một nửa thời hạn sử dụng đất đối vớidự ánđầu tư khác ngoài dự án đầu tư quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.
6.- Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian xây dựng cơ bản theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng tối đa không quá 36 tháng kể từ ngày có quyết định cho thuê đất, thuê mặt nước.
7.- Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu quy định tiêu chí xác định thời hạn miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước quy định tại Điều này theo từng khu vực, lĩnh vực phù hợp với quy hoạch đặc khu; quyết định thời hạn miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với từng trường hợp cụ thể.
KHÔNG CẦN ĐĂNG KÝ?
Ngoài những thứ miễn hay ưu đãi, Dự luật còn cho phép:
– Người lao động nước ngoài là chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành có thời gian làm việc dưới 60 ngày và thời gian cộng dồn không quá 180 ngày/năm tại đặc khu không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Người lao động nước ngoài là lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và thời gian cộng dồn không quá 90 ngày/năm tại đặc khu không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu việc sử dụng lao động nước ngoài quy định tại khoản này; không phải thực hiện xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài, không phải làm thủ tục xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động
Riêng trong lĩnh vực “nhập cảnh, đi lại và cư trú”, Điều 51 viết: “
1.- Người nước ngoài nhập cảnh với mục đích vào đặc khu được miễn thị thực với thời gian tạm trú tại đặc khu không quá 60 ngày nếu hộ chiếu còn thời hạn sử dụng ít nhất 90 ngày; trường hợp có nhu cầu đến các địa phương khác ngoài đặc khu thì phải được cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đặc khu hoặc đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh cấp thị thực theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
2.- Người nước ngoài nhập cảnh đặc khuđược tạm trú không quá 60 ngày tại đặc khu trong các trường hợp sau đây:
a) Thuộc diện miễn thị thực theo điều ước quốc tế mà thời hạn tạm trú dưới 60 ngày;
b) Sử dụng thị thực, thẻ tạm trú, giấy miễn thị thực, thẻ doanh nhân APEC còn thời hạn dưới 60 ngày.
3.- Người nước ngoài nhập cảnh với mục đích vào đặc khu thuộc diện phải có thị thực nhưng không thuộc Danh sách các nước có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử có thể được cấp thị thực điện tử theo quy định của Chính phủ.
VÀO TỰ DO – CHƠI BÀI THẢ GIÀN
Riêng tại Đặc khu Vân Đồn, dự luật còn cho phép người Trung Hoa vào Vân Đồn tự do như quy định tại Điều 54: “Công dân của nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh sử dụng giấy thông hành hợp lệ nhập cảnh vào đặc khu Vân Đồn với mục đích du lịch được miễn thị thực với thời hạn xác định; trường hợp có nhu cầu đến các địa điểm khác của tỉnh Quảng Ninh để du lịch thì làm thủ tục thông qua doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam.
Chính phủ quy định chi tiết khoản này.
Tại Đặc khu Phú Quốc, Điều 56 duy định cơ chế, chính sách đặc biệt khác như sau:
1.- Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có dự án đầu tư từ 110 tỷ đồng trở lên tại đặc khu Phú Quốc được cấp thẻ tạm trú đến 10 năm, nếu có chỗ ở hợp pháp thì được cấp thẻ thường trú theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
2.- Người nước ngoài hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại đặc khu Phú Quốc được cấp thị thực có giá trị nhiều lần với thời hạn 12 tháng; trường hợp có giấy phép lao động thì thời hạn thị thực phù hợp thời hạn của giấy phép lao động.
Người nước ngoài đang khám bệnh, chữa bệnh tại đặc khu Phú Quốc, nếu có nhu cầu ở lại đặc khu quá 60 ngày thì được gia hạn tạm trú trên cơ sở đề nghị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
3.- Công dân của nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Kiên Giang sử dụng giấy thông hành hợp lệ nhập cảnh vàođặc khu Phú Quốc với mục đích du lịch được miễn thị thực với thời hạn xác định.
4.- Trong thời hạn 05 năm kể từ khi thành lập đặc khu, căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu Phú Quốc quyết định việc hỗ trợ đối với:
a) Người thường trú tại đặc khu Phú Quốc học nghề trong lĩnh vực du lịch, người học nghề tại các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực du lịchtại đặc khu Phú Quốc và cam kết làm việc tại đặc khu Phú Quốc;
b) Các chương trình quảng bá du lịch vào đặc khu Phú Quốc.
5.- Nhà đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ quản lý tài sản tại đặc khu Phú Quốc được phép đề xuất các cơ chế, chính sách về bảo mật thông tin, quản lý tài sản và cơ chế, chính sách khác theo thông lệ quốc tế để Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu Phú Quốc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho phép áp dụng.
Việc áp dụng các cơ chế, chính sách quy định tại khoản này phải phù hợp với nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 6 của Luật này.
6.- Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 và khoản 5 Điều này.
Cũng đáng chú ý là tại cả 3 Đặc khu, chỗ nào nhà nước CSVN cũng cho phép kinh doanh sòng đánh bạc (casino), xây dựng và kinh doanh khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí.
Luật cũng khuyến khích lập các khu nghỉ dưỡng cao cấp từ 04 sao trở lên và khách sạn từ 5 sao trở lên.
Càng ngạc nhiên hơn, khi có nhiều Đại biểu Quốc hội lo ngại về thời hạn cho thuê đất 99 năm hay than phiền Dự luật dành quá nhiều ưu đãi cho người nước ngoài tại 3 Đặc khu thì không thấy ai thắc mắc tại sao phải cho phép lập sòng bài (Saino), lập khu giải trí và xây nhà nghĩ dưỡng, khách sạn 4 hay 5 sao?
Phản ứng về điểm này, chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: “Thứ mà Việt Nam cần là công nghệ cao chứ không phải là các casino, do đó trong quy hoạch các đặc khu kinh tế cần phải hướng đến điều này”.
Bà nói: “Tôi cho rằng dù ưu đãi tương tự như nhau, nhưng casino không phù hợp để đi cùng với khu công nghệ cao, vì mấy lẽ. Trước hết, đối tượng phục vụ của hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau.
Casino phục vụ vui chơi, giải trí, thậm chí kiếm tiền bằng đỏ đen. Khách hàng của casino đa dạng, phần lớn là nhàn rỗi, thích vui vẻ, náo nhiệt, ưa thử vận mạng bằng may rủi, ít nhất là trong thời gian họ vào chơi ở đó.
Công nghệ cao là việc của những người làm trong kinh tế trí thức, có trình độ, kỹ năng cao, đam mê nghiên cứu, thử nghiệm những cái mới trong các lĩnh vực khác nhau. Khách hàng của công nghệ cao quan tâm đến phát triển, trí tuệ, chất lượng công việc và cuộc sống, những giá trị tốt đẹp và cao hơn cho con người. Phần lớn thời gian người ta làm việc trong yên tĩnh, tập trung suy nghĩ, nghiên cứu, tranh luận chuyên môn; tất nhiên cũng có những lúc nghỉ ngơi vui chơi nhưng không như khách casino.
Hai loại khách hàng như vậy rất khó có thể sống và làm việc cùng chỗ với nhau 24/24 được”.
Hai là, không gian và môi trường hoạt động của hai lĩnh vực này rất khác nhau.
Casino có nhu cầu đặt ở nơi có rất nhiều các dịch vụ vui chơi giải trí khác đi cùng với nó, tạo không gian cho các dịch vụ này cùng nhau làm ăn và moi tiền của những khách hàng muốn được thỏa mãn nhiều thứ thú vui. Cũng có những nguy cơ về tệ nạn, tội phạm, rủi ro cho người làm và người chơi, nên các nước thường đặt casino trong khu vực riêng, có hàng rào bảo vệ tách với “người thường” không tham gia vào đó”.
Như vậy thì Tác giả dự luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có kế hoạch gì không hay cứ mơ sẽ có nhiều Đại gia hay Từ bản đỏ đem tiến đổ vào 3 sòng bài là kinh tế sẽ phất lên như diều?
Thế còn hậu quả xã hội, văn hóa và thuần phong mỹ tục gây ra từ các Casino và nơi giải trí “đèn xanh đèn đỏ” ở 3 Đặc khu thì ai chịu trách nhiệm?
Ngoài ra, nhà nước CSVN cũng cần phải tìm cách mà chui vào phía sau cánh cửa của các khu phố, làng Tầu, hay bên trong hàng rào của các Dự án kinh tế do Trung Hoa đầu tư như Bauxite Tây Nguyên và Formosa Hà Tĩnh xem họ đang ăn ở và sống ra sao mà khiến nhiều gia đình Việt Nam tan nát như vợ bỏ chồng đi lấy công nhân Tầu hay con phải bỏ trường đi lao động chui bên Lào không thì cả nhà chết đói.
Và chẳng nhẽ những bài học nhập cư bất hợp pháp, công nhân không hợp lệ, ồ ạt và công khai cướp việc của người Việt Nam vì có Chủ đầu tư cùng quê cha Trung Quốc bảo kê đã xẩy ra ở Việt Nam từ lâu mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có biện pháp nào đâu?
Song song với những tệ nạn xã hội do người Tầu ở lậu, hay công nhân Tầu gây xung đột với người Việt Nam ở Hà Tĩnh và trên Tây Nguyên, nhiều Doanh nghiệp do Trung Hoa làm chủ đầu tư còn gây ra ỗ nhiễm cho Việt Nam trên khắp miền đất nước, nghiêm trọng nhất là thảm họa mội trường do Formosa Hà Tĩnh tác hại tại 4 Tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Huế- Thừa Thiên năm 2016.
Tuy Formosa là gốc Đài Loan nhưng nhiều thiết bị máy móc và công nhân lại do Trung Quốc làm chủ và cung cấp.
Chính phủ Việt Nam cũng nên nghĩ xem tại sao các Doanh nghiệp Trung Quốc lại có quyền cấm viên chức Việt Nam vào nơi họ làm việc ngay trên lãnh thổ Việt Nam?
Chuyện vi phạm trắng trợn chủ quyền quốc gia Việt Nam của các Doanh nghiệp Trung Hoa thì ai cũng biết mà Chính phủ lại cứ cúi đầu chịu nhục mới lạ. Chẳng những thế, cứ mỗi khi có biểu tình chống âm mưu xâm lược của Trung Hoa ở Biển Đông, hay lên án các vụ Công ty Tầu gây ô nhiễm môi trường thì người dân lại bị Công an đàn áp dã man thì lực lượng an ninh là của nước nào vậy?
Bây giờ lại đến chuyện Dự luật 3 Đặc khu dành nhiều ưu đãi cho người nước ngoài khi họ đầu tư vào Việt Nam thì liệu bài học Formosa Hà Tĩnh và Bauxite Tây Nguyên có thoát khỏi tay người Tầu phương Bắc không?
Sao lai the ! nuoc yeu moi so DAC KHU chu.
Nhap me no vao China vi dai cho no het nhuoc tieu.