Quốc hội sai căn bản về quy trình pháp lý, vì vấn đề 3 đặc khu không thể làm thành luật

FB Trần Đình Thu

4-6-2018

Bìa sách của NXB Quân đội nhân dân. Ảnh: internet

Vấn đề 3 đặc khu hiện nay thực ra không phải là đối tượng của pháp luật mà là đối tượng của chính sách. Vì nói đến luật là nói đến những quy tắc xử sự chung cho mọi người, mọi cơ quan tổ chức, chỉ phân biệt lĩnh vực, đối tượng chứ không thể phân biệt vùng miền. Chỉ có chính sách mới có thể phân biệt vùng miền.

Thí dụ chúng ta có chính sách ưu tiên cho một số vùng cụ thể bị thiên tai nhiều trong những năm vừa qua. Hoặc chúng ta có chính sách miễn giảm thuế cho một địa phương nào đó vì mất mùa quá nặng nề… Với 3 vùng mà chính phủ muốn làm đặc khu, thì cũng như vậy. Dù là quan trọng nhưng nó lại mang tính chất vùng miền, nó không phải là vấn đề chung cho mọi vùng miền nên nó vẫn là đối tượng của chính sách mà thôi.

Đối với những vấn đề thuộc về chính sách như vậy, nếu nhỏ thì chính phủ ra quyết định, lớn thì Ủy ban thường vụ quốc hội ra nghị quyết. Chứ không bao giờ có chuyện ra một luật cho các vấn đề liên quan đến một địa phương hay vài địa phương cụ thể. Trong trưòng hợp này, chỉ có thể ban hành Luật đặc khu chứ không thể ban hành Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được.

Vậy thì với 3 vùng, quy trình phải được làm như thế nào?

Nếu là luật, quốc hội có thể đặt hàng cho Ban soạn thảo rồi sau đó đưa ra thảo luận ở các phiên họp toàn thể, nhưng là một chính sách thì không thể theo quy trình đó. Một chính sách lớn như 3 vùng đặc khu cần phải được thảo luận và biểu quyết về chủ trương ở quốc hội trước đã. Sau khi biểu quyết thông qua chủ trương, mới đến thủ tục giao cho Ủy ban thường vụ quốc hội xây dựng nghị quyết và trình ra quốc hội một lần nữa. Như chúng ta từng làm với dự án đường sắt cao tốc năm xưa vậy.

Vì lý do như vậy, nên việc thảo luận Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc hiện nay là sai quy trình pháp lý. Do đó quốc hội cần cho dừng ngay việc thảo luận và làm lại đúng quy trình như tôi phân tích ở trên.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Với bản công hàm mang tên thủ trưởng của vị Giáo sư Tương Lai đáng kính của chúng ta, đã có 1 thời gian trí thức nhà ta viện đủ lý do để mị dân rằng bản công hàm đó không có giá trị về mặt pháp lý . Thôi thì đủ thứ lý do chết cười; chủ nhật chính phủ-quốc hội không làm việc, không phải ngày lành tháng tốt … Bài này cũng vậy, lý luận rất hay, có thể lấy làm tiền đề để mai mốt có chuyện gì xảy ra -theo tớ thì mọi thứ đều đúng quy trình, không có gì mới- thì trí thức nước nhà có thể biện hộ hoặc chối bay chối biến cho Đảng . Đảng nào thì tớ không chắc lúc đó sẽ là Cộng Sản Việt Nam.

Comments are closed.