Bộ Chính trị và hai dự án luật

FB Huy Đức

3-6-2018

“Bộ Chính trị (BCT) đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không thể không ra luật”.

Đành rằng, BCT là một thực thể quyền lực trong chế độ đảng cầm quyền và QH đã có không ít lần phải thông qua những quyết định không phải của mình. Nhưng lần này, khi Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân nói như vậy, không rõ là để gây sức ép lên đại biểu hay để công khai “địa chỉ chịu trách nhiệm”.

Một người tiền nhiệm khả kính của bà Ngân, Chủ tịch QH khoá VIII Lê Quang Đạo, từng nói, “Đảng lãnh đạo nhân dân cầm quyền chứ không trực tiếp cầm quyền”. Điều đó rõ hơn lên sau Hiến pháp 1992 và tất nhiên nó tuỳ thuộc rất nhiều vào trách nhiệm trước dân của từng đại biểu; trí tuệ, bản lãnh của người Chủ tịch.

Việc thiết lập 3 đặc khu và cho người nước ngoài thuê đất tới 99, tôi không rõ, BCT kết luận “phải làm” hay chỉ đồng ý về mặt nguyên tắc, “được làm”. Nhưng, cho dù BCT kết luận thế nào thì QH vẫn phải bàn và nơi đưa ra quyết định vẫn phải là QH.

Trong những quyết sách đậm tính chuyên ngành như vấn đề An Ninh Mạng và nhạy cảm với dân, với lịch sử như đất đai và đặc khu, không có cách nào để hiểu thấu đáo như khi đưa ra thảo luận công khai trên diễn đàn QH và trong dân chúng.

Trong Dự thảo luật An Ninh Mạng thì ngay từ đầu, QH đã sai khi giao cho Bộ Công an soạn thảo và UB Quốc phòng và An ninh thẩm tra. Phòng chống các mối đe doạ trên không gian mạng là vấn đề công nghệ chứ không phải là những cuộc kiểm tra hành chính hay những cái còng số 8.

QH cũng đã bỏ qua những nguyên tắc quan trọng của công tác lập pháp. Trước một mối đe doạ có thật, phải coi trong hệ thống pháp luật hiện hành đã có quy phạm hành chánh hay hình sự nào điều chỉnh chưa. Nếu cần một chính sách mới thì còn phải cân nhắc, tác dụng của nó có cao hơn chi phí thực thi mà ngân sách, nền kinh tế và xã hội phải chịu hay không. Nếu tuân thủ các nguyên tắc đó, không bao giờ QH phải thảo luận một dự luật như An Ninh Mang.

Khi phát biểu về bất cứ vấn đề gì tôi đều tôn trọng các định chế hiện hành và vẫn cho rằng (assume that), Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của dân như được viết trong Hiến pháp.

Nếu BCT mới đúng là nơi quyết định cao nhất chứ không phải QH như bà Ngân nói. Mà, Uỷ ban Thường vụ QH không tập hợp trung thực ý kiến đa chiều của đại biểu, của cử tri, trình bày lại với BCT. Thì, UB Thường vụ Quốc hội đã đặt Bộ chính trị trước nguy cơ ra những quyết định… phi chính trị.

Tôi thừa nhận là có cả màu sắc “dân tuý” trong các trào lưu phản ứng với Dự luật Đặc khu nhưng các lập luận đưa ra chủ yếu là xác đáng. Nhưng ngay cả với các yếu tố dân tuý cũng không thể làm ngơ. Không có thể chế chính trị nào, cho dù độc tài tập thể hay độc tài cá nhân, lại có thể coi thường các bài học lịch sử và cảm xúc thâm căn của dân chúng.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Nghe chủ tịt cuốc hôi VN phát biểu mà muốn vạch cái lai quần lên để nói chuyện . BCT đả quyết rồi không phạm luật .vậy những kẻ trong BCT là ai mà bảo là không phạm luật .”hiến pháp là văn kiện quan trọng thứ 2 sau cương lĩnh đãng “ông trọng d8a3 từng tuyên bố rõ ràng như vậy .nghỉa là cơ quan quyền lực cao nhất của nước VN không bằng chục tên không dân nào bầu vào BCT lại ra lệnh cho cuốc hội VN phải làm không cần biết đúng sai như con vẹt ,vậy thì dẹp cái quốc hội bù nhìn cho dân đỡ đóng thuế nuôi 500 pho tượng phổng .chỉ riêng điều lệ đảng cao hơn văn kiện của quốc hội đả là lạm quyền .tiếm quyền .vỉ điều lệ đảng chỉ dành cho đảng viên không phải của 86 triệu dân VN .còn lại không phải là đảng viên phải tuân thũ.

Comments are closed.