Về dấu hiệu xóa dấu vết hiện trường vụ án Bác sỹ Hoàng Công Lương, có hay không và mục đích để làm gì?

FB LS Trần Hồng Phúc

2-6-2018

Bác sỹ Hoàng Công Lương (giữa). Ảnh: FB LS Trần Hồng Phúc

Trong phần đối đáp của mình tại phiên tòa xét xử ngày 30/5/2018 với đại diện VKS thực hành quyền công tố tại phiên tòa, tôi rất mong được tranh luận về việc thay đổi hiện trường có nằm trong phạm vi vụ án. Rất tiếc, đấy vẫn là vấn đề còn để ngỏ cho đến nay. Tất nhiên, chúng ta cần hiểu rằng khi hiện trường không còn nguyên vẹn thì trách nhiệm không thuộc về cơ quan điều tra hay cơ quan truy tố thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động điều tra vụ án. Phải nói cho công bằng là vậy!

Tôi có nêu ra vấn đề, không phải những người chủ trương có dấu hiệu xóa dấu vết hiện trường không nghĩ đến tồn dư hóa chất trong nguồn nước RO vì sáng ngày 29/5/2017, với công suất hoạt động của 18 máy chạy thận và được 30 phút thì dừng chạy (sự cố xảy ra do bệnh nhân có biểu hiện bất thường và bác sĩ Hoàng Công Lương ra y lệnh ngừng chạy thận), nên lượng nước tiêu thụ đã là 450l/2000l (bể thành phẩm). Do vậy, sau khi xảy ra sự cố, khi cho sục rửa lại đường ống tuần hoàn đi nữa thì chắc chắn hệ thống RO sẽ tự hoạt động để bơm nước vào bồn chứa nước thành phẩm 2000l. Điều này khẳng định dẫn đến làm loãng lượng hóa chất HF & HCL đã có trong bồn. Vì hệ thống tự động, khi nước giảm 1/4-1/3 bồn thành phẩm thì đương nhiện tự khởi động bơm cao áp của hệ thống RO. Trong hồ sơ vụ án cũng như được tôi thực hiện thẩm vấn công khai tại phiên tòa vấn đề này, cho thấy bị cáo Bùi Mạnh Quốc đáng thương đã thực hiện tiệt trùng lại đường ống sau sự cố theo chỉ đạo. Thực tế, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã tạm xuất cho Quốc vay 01 can zaven 05 lít để làm việc này. Nếu ai đó đề nghị sục rửa, tiệt trùng lại đường ống phân phối lấy máy để chạy do thiếu máy cấp cứu bệnh nhân thì điều này chứng tỏ họ đã nghĩ tới tồn dư hóa chất. Dựa vào cơ sở nào để chỉ đạo tiệt trùng lại hệ thống đường ống tuần hoàn chỉ có người đưa ra quyết định mới hiểu. Câu hỏi này cần được có sự trả lời một cách khoa học, thấu đáo, tôn trọng sự thật!

Với riêng tôi còn có một thắc mắc là các bệnh nhân đã dừng lọc máu thì tiệt trùng đường ống lại để làm gì, thay vì tập trung cấp cứu cho người bệnh tránh tử vong cao nhất? Nếu tiệt trùng mà cho tiếp tục phục vụ chạy thận cho bệnh nhân thì có lẽ cái chết còn đến nhanh hơn và mạnh hơn trong sự cố vì hóa chất không đọng ở đường ống tuần hoàn mà vốn dĩ đã nằm trong bồn thành phẩm do bị cáo Quốc tháo khỏi 04 màng RO, trực tiếp dùng hỗn hợp axit HF, HCL và Citric đưa vào 04 vỏ màng, bật bơm cao áp dẫn đến hóa chất được đi trực tiếp vào bể thành phẩm, không có màng bảo vệ, trong ngày sửa chữa, bảo dưỡng, tiệt trụng hệ thống RO2 thời điểm 28/5/2017.

Tôi vẫn đang cố gắng trao đổi với các bác sĩ, chuyên gia nước ngoài hiểu biết lĩnh vực này để tìm ra lý do nhưng cũng có nhiều khó khăn, vướng mắc, tiếng Anh thì hiểu, chứ tiếng Nhật thì không (có nhiêu bác sĩ Nhật Bản am tường việc này), chẳng biết có bác sĩ hay chuyên gia thiết bị y tế nào trong nước có cao kiến gì để giúp cho tất cả chúng ta tường tận sự thật vụ án này? Chẳng dám cầm máy gọi cho bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh vì sợ em lại bị ai đó làm phiền hay trù dập!

Tuy nhiên, trước những điều chưa sáng tỏ trong vụ án, nhất định tôi sẽ vẫn phải đi tìm sự thật dù muộn đến bao nhiêu nhưng rất cần cho đời làm nghề luật.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Muốn thực tâm giải quyết việc này phải có một nghiên cứu Hazard and Operability do một nhỏm chuyên gia độc lập kiểm soát toàn bộ thiết kế va hoạt động an toàn của hệ thống nước. Môn này có trong trường ĐH KT ở VN. Nghiên cứu mục đích là để diều chỉnh hoàn thiện nhất là không phải để quy trách truy tố ai.

Comments are closed.