Đất nước bảo kê

Lò Văn Củi

31-5-2018

Chú Tám Thinh thốt ra lời mà nghèn nghẹn:

– Trời quơi là Trời! hông thể tưởng tượng được, quỷ thần… cũng hổng tưởng tượng ra nổi chứ nói chi là người, bảo kê… bảo kê, nó đã về tới cánh đồng.

Anh Năm Ba gác đồng cảm, anh nói nhè nhẹ:

– Quá thể lắm rồi, đúng là chẳng thể tưởng tượng. Gì mà còn ban ngày ban mặt, chừng lúc 4 giờ rưỡi chiều chứ mấy, hôm 28/05, một lũ đầu trâu mặt ngựa gồm 8 thằng xâm mình vằn vện, vỗ ngực xưng danh “tao là đại ca TP Thanh Hóa”, mang theo dao, tuýp sắt xuống đòi bảo kê… gặt lúa ở thôn Đồng Tâm, Quảng Trường, Quảng Xương, Thanh Hóa. Ông Vũ Ngọc Tân hông chịu thì chúng rượt uýnh. May mà có bà con nông dân cùng đồng lòng giải cứu và bắt được một thằng.

Ông Thầy giáo nói tiếp:

– Chúng tới nhiều lần rồi đó, hăm dọa nhiều lần rồi đó.

Bà con cô bác đã sửng sốt, nghe ông Thầy còn sửng sốt hơn. Anh Sáu Nhặt gãi gãi đầu:

– Quan chức đâu hết rồi ta? Để tụi này lộng hành, qua mặt hết trơn.

Anh Bảy Thọt dòm anh Sáu coi giống như người hành tinh:

– Mới từ dĩa bay đáp xuống sao anh Sáu? Ngày xưa người ta nói ‘dân Thanh Hóa ăn rau má phá đường tàu’, nay dân cũng còn cảnh ăn rau má nhưng hết phá đường ray, còn quan Thanh Hóa thì giàu sang, giàu sụ rồi, quan nhớ nhung rau má nha, nhưng đi kiếm lá “rau má” mơn mởn, bự bự xinh tươi ở trong “bóng tối” để “nâng đỡ”, nâng niu chìu chuộng, “nâng đỡ không trong sáng” á, thời gian tham lam để làm giàu và lo vụ dâm tà này thì còn thời gian đâu nữa làm việc khác. Tụi giang hồ lưu manh bước ra ánh sáng là chuyện thường tình thôi. Hổng chừng tụi này cũng được quan “nâng đỡ trong tối” để cướp phá của bà con cô bác rồi ăn chia, chung chi đó chớ.

Bà con cô bác đồng tình với anh Bảy. Ông Hai Xích lô lắc đầu quầy quẩy:

– Thuở đời nay mới thấy cảnh này. Tui sống già khú đế, qua bao nhiêu đời, chứng kiến bao nhiêu cảnh mà chưa hề thấy. Nói thiệt, ngày xưa ở miền Nam này, ruộng lúa gặt xong chưa gom chở về kịp, cứ thả khơi khơi ngày này qua ngày nọ, có ai mó tới một cọng nào đâu, ngay cả những người đi mót lúa họ cũng hông rớ tới dù một hột, lúa gom sót người ta còn gom dùm, cho cũng rất là tự trọng, chẳng lấy đâu. Từ ngày đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, ôi thôi, sanh ra quá nhiều chuyện nghĩ hông ra, trộm cắp, gian xảo ngay từ cánh đồng. Còn thấy dân đồng lòng chống lại, chứ mà mặc kệ, ai ra sao thì ra, thì coi như xong.

Dân làng quây đánh, các đối ượng đòi Bảo kê máy gặt

Bà con đã vây bắt đối tượng xăm trổ, cầm theo dao kiếm đến xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương để đòi bảo kê máy gặt.Sự việc xảy ra vào chiều ngày 28/05. tại xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). Anh Tấn thôn Đồng Tấn đang vận hành máy gặt lúa cho bà con trên cánh đồng (vùng giáp ranh với xã Quảng ngọc), thì có khoảng 6 đối tượng mang theo vũ khí như dao, kiếm,…. lao xuống đồng đánh anh Tấn và các anh em khác….Bất bình trước sự việc trên, bà con 2 xã đã vây bắt các đối tượng, ngay sau đó chúng nhanh chân tẩu thoát. Riêng, 1 đối tượng (trong clip) đã bị bà con tạm giữ….Được biết, đây là lần thứ 2 chúng xuất hiện đe dọa đòi anh Tấn phải đưa cho chúng 5 triệu để được yên ổn.Hiện, đối tượng này đã được giao cho CA xã Quảng Trường điều tra.Thông tin từ face: Chim én nhỏPs/ Hiện, ở các vùng quê vào mùa gặt có tình trạng các đối tượng xã hội hay đến những cánh đồng gặp chủ máy gặt để ép phải chung chi một khoản tiền lớn (gọi là tiền bảo kê). Nếu không nộp, chúng sẵn sàng dọa nạt thậm chí dùng vũ lực để đạt được mục đích.Mong mọi người chia sẻ và đề phòng những trường hợp tương tự như trường hợp trên.

Publiée par Người Thanh Hóa sur lundi 28 mai 2018

Ông Thầy gật gù:

– Ông Hai nói chí lý lắm. Mà bảo kê về tới cánh đồng thì coi như cả nước này là của bảo kê hết rồi. Khắp nơi khắp chốn bảo kê. Bảo kê trộm cướp, giựt dọc, bảo kê cướp đất cướp đai của dân đen, bảo kê trộm cướp tài nguyên khoáng sản, bảo kê làm dự án, bảo kê đấu thầu, bảo kê độc quyền, bảo kê thuế phí, bảo kê ở chốn đi lại là bảo kê cho cảnh sát giao thông trấn lột tiền dân, bảo kê các trạm BOT…, bảo kê buôn lậu, bảo kê làm hàng dỏm, hàng giả, bảo kê chạy chức, chạy quyền, bảo kê cho bọn kiếm học hàm, học vị, bảo kê tham nhũng, bảo kê rửa tiền, bảo kê xử án, tới cái vỉa hè cũng có bảo kê, thì đừng hỏi hàng quán của bà con cô bác buôn bán, làm ăn. Nói chung lại là vụ gì cũng có bảo kê.

Anh Sáu hết thắc mắc:

– Vậy là y như mafia rồi hen. Nhưng hổng giống trùm mafia Ý, trùm xã hội đen, mà giống Nga giống Tàu, mafia đỏ cả nước.

Nghe mafia là đã ớn, nghe cả nước làm bà con cô bác lạnh cả sống lưng. Ông Thầy nói tiếp:

– Người ta ra rả, đất nước của dân, vì dân, dân biết, dân bàn, dân kiểm tra… có nghĩa là tự dân lo hết đi hén. Còn quan chức, cán bộ làm mafia. À, còn một loại phải nói là trùm nữa, ai biết hông?

Chú Tám Thinh bật ra liền, trước cả anh Bảy:

– Tui biết rồi ông Thầy. Loại này mới là loại gây tang thương tới độ vô đối đây. Đó là loại bảo kê cho ngoại bang, cho Tàu khựa chiếm đất, chiếm biển đảo, chiếm ngư trường, cướp của ngư dân, phá rối đường làm ăn của dân chúng, phá hoại kinh tế, phá hoại môi trường…

Ông Thầy giáo gật đầu:

– Quá đúng, cái loại này nó lại hèn nhát với kẻ xâm lăng, cúi đầu chịu nhục, nhưng tham lam và tàn ác với dân chúng.

Bây giờ thì hết lạnh sống lưng, đã đông cứng người rồi còn gì. Anh Bảy phá “lớp băng”:

– Cần phải như dân Đồng Tâm, cần khuyến khích sự đồng tâm hiệp lực nhiều nhiều, chứ hông thể để cho bọn cẩu nô tài, tác oai tác quái hết năm này qua tháng nọ.

Ông Thầy đồng ý, cũng như bà con cô bác cũng bắt đầu phá “lớp băng”.

Bình Luận từ Facebook