30-5-2018
Hôm nay nghe tư lệnh giáo dục khăng khăng dùng cụm từ “giá dịch vụ đào tạo” thay vì “học phí” mà cảm thấy buồn tê tái. Tôi buồn không chỉ bởi ngữ nghĩa bị đánh tráo, mà quan trọng hơn, là vì quan điểm quản lý. Anh Nhạ nói: “Việc chuyển đổi từ cơ chế thu học phí sang giá dịch vụ đào tạo theo hướng TÍNH ĐÚNG, TÍNH ĐỦ các chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo”.
Chao ôi, nói huỵch toẹt ra vậy không phải là thương mại hóa giáo dục hay sao? Chuyện tăng học phí, hay nói theo ngôn ngữ của anh, tăng giá dịch vụ đào tạo, là không thể tránh khỏi. Giáo dục là một trong những lĩnh vực thiết yếu nhất mà Nhà nước cần đảm bảo cho người dân, bên cạnh y tế, an ninh, quốc phòng,… khi đã thu thuế của họ thì nay… như vậy đó.
Người tiền nhiệm của anh Nhạ lại có ý kiến khác. Anh Nhân nói: “Hiện nay chúng ta vẫn thu học phí trung học cơ sở thì thu được bao nhiêu tiền một năm? Nếu miễn thì ngân sách Nhà nước chịu được không? Tôi cho rằng, đến bây giờ Nhà nước có thể chịu được khoản này”. Anh Nhân phân tích trong giai đoạn 2012-2013, thu học phí cả năm đối với cấp học này khoảng vài ngàn tỉ đồng, tức chỉ bằng 10-15km xây đường cao tốc.
Rõ ràng là hai quan điểm khác nhau lắm.
Trong một cuộc hội thảo về phát triển kinh tế VN cách đây nửa năm, Phó TTg VĐH đặt một câu hỏi cho WB và IMF, điều cốt lõi nhất VN phải làm bây giờ là gì để thúc đẩy phát triển. Câu trả lời rất đơn giản và tập trung: “giáo dục”. Họ nói, chỉ có giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng con người, cả kỹ năng và tâm hồn mới giúp quốc gia phát triển lành mạnh.
Người Việt Nam chi mỗi năm 3 tỷ đô cho con cái học ở nước ngoài. Những người không có điều kiện như vậy cũng không hề tiếc tiền cho con học. Nhưng còn biết bao nhiêu người nghèo khác thì sao? Chả lẽ con cái họ bị gạt ra rìa chỉ vì “tính đúng, tính đủ”.
Thử hỏi, chất lượng giáo dục như thế nào mà con người chúng ta đâm ra như thế này? Và khi TÍNH ĐÚNG, TÍNH ĐỦ giá, thì người dân có thực sự nhận được dịch vụ giáo dục để họ trở thành những con người tử tế, có kỹ năng hay không? Hơn hết, khi đã “tính đúng, tính đủ” thì có còn “ưu việt”?
Tiên Sinh, Thái Bá Tân.
Trên cổng một trường nọ
Ở Nam Phi, người ta
Khắc câu nói nổi tiếng
Của Nelson Mandela.
“Muốn hủy diệt một nước,
Không cần bom hạt nhân.
Tên lửa và đại bác,
Tàu chiến cũng không cần.
Chỉ cần ngành giáo dục
Của nước ấy suy đồi.
Chuẩn thấp, chất lượng thấp
Gian lận điểm và rồi
Các bác sĩ nước ấy
Sẽ giết chết bệnh nhân,
Và các nhà chính trị
Hoang phí tiền của dân.
Mua bằng, gian lận điểm,
Kỹ sư, nhà mới xây
Nứt lún hoặc sụp đổ,
Hoặc thẩm thấu suốt ngày.
Cũng vì lý do ấy,
Trong tay các quan tòa
Công lý bị bóp méo,
Gây hậu quả xót xa.
Khi giáo dục xuống cấp,
Trí thức thành lưu manh.
Tôn giáo sẽ xung đột.
Đất nước sẽ chiến tranh.
Vì vậy, để sụp đổ
Ngành giáo dục nước nhà,
Tức là tự cho phép
Sụp đổ một quốc gia.
Nguồn Mạng.