Nguyễn Thông
10-5-2018
Có lẽ tra trên Gu gồ thời điểm này, Thủ Thiêm là từ nóng sốt nhất. Nóng cháy mạng.
Thằng con tôi bình luận toàn dân đang quan tâm đến những gì đã và đang xảy ra ở Thủ Thiêm. Giống như người ta từng hồi hộp, lo âu, buồn đau theo dõi những thứ diễn ra ở tỉnh Thái Bình năm 1997, Tiên Lãng Hải Phòng năm 2012, Dương Nội Hà Đông năm 2013, Văn Giang Hưng Yên năm 2014, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức ở Hà Nội năm 2017… Những trang sử viết bằng đất thấm máu và nước mắt người dân cứ nối ngày một dày, không biết bao giờ mới chấm dứt. Tất cả đều xảy ra dưới chính thể treo câu slogan “của dân, vì dân, cho dân, do dân” được cả bộ máy cai trị tụng niệm hằng ngày. Đổ bao nhiêu xương máu cốt xóa được một đồng Nọc Nạn nhưng sau đó lại sinh ra muôn nghìn đồng Nọc Nạn khác.
Tôi tận mắt thấy Thủ Thiêm cách nay vừa đúng 41 năm, hình như hơi bị sớm so với nhiều người bắc. Chả là cuối tháng 4.1977 tôi khăn gói ba lô (toàn bộ hành trang chỉ có một chiếc ba lô lép kẹp, đựng 2 bộ quần áo, cái màn đơn và chăn đơn, vài quyển sách quý) xuống tàu biển khách Thống Nhất trực chỉ Sài Gòn. Lên bến Nhà Rồng được ông anh trung úy biên phòng Nguyễn Quốc Vương bạn của anh trai tôi đón, cho tắm rửa ăn uống tử tế, sáng hôm sau đưa đi một vòng chiêm ngưỡng Sài Gòn hoa lệ trước khi về nơi nhận việc. Tôi khoác ba lô ngồi sau ba ga, hai anh em rong ruổi xe đạp trên đường Hàm Nghi, vòng tới chợ Bến Thành, ngược lên đường Nguyễn Huệ, ra bến Bạch Đằng. Chỉ cái cột cao cao, anh Vương bảo đó là cột cờ Thủ Ngữ, nhích xuống dưới tí nữa là bến đò Thủ Thiêm. Ngó sang bên kia sông, anh nói đó là Thủ Thiêm, đò nối sang bên ấy. Ôi cái con đò Thủ Thiêm mà tôi từng được nghe từ hồi nảo hồi nào.
Tôi ngắm Thủ Thiêm trong lúc mặt trời đã lên hơn con sào, cả một vùng mênh mông chỉ um tùm cây cối xanh ngắt, vài ba căn nhà thấp lè tè, đường ven sông thưa thớt người đi. Giống như một vùng đất bị bỏ hoang, đất chết, thiếu sinh khí. Thật lạ, bên này, bờ tây sông Sài Gòn nhà cao cửa rộng, lô nhô chọc trời, phố phường xe cộ người ngợm chen chúc đi lại nườm nượp như mắc cửi, còn bên kia, chỉ cách một con sông rộng gần 200 mét lại là xứ đìu hiu xơ xác nghèo nàn thảm hại. Anh Vương bảo bên ấy là đất của Việt cộng, làm sao mà phát triển như bên này được. Phải công nhận Việt cộng giỏi, bám ngay sát nách thủ đô mà chính quyền Sài Gòn không làm gì được. Giờ bần thần nhớ lại lời bác cựu sĩ quan biên phòng, sực nghĩ hóa ra dân bên ấy phần lớn đều có công với cách mạng cả, họ đã chở che mấy anh giải phóng, biệt động, đặc công; nay con cháu thế hệ kế tiếp mấy anh lại xuống tay chiếm đất đuổi họ ra khỏi nơi đã “che bộ đội, vây quân thù”.
***
18-5-2018
Kể sau cái đận cùng ông anh sĩ quan biên phòng đồn Nhà Rồng đứng bên bờ tây sông Sài Gòn nhìn sang mạn đông vào tháng 4.1977 ấy, vùng đất Thủ Thiêm trong tôi rất mờ nhạt, có lúc bặt hẳn đi. Cũng khá nhiều lần từ Chợ Lớn đạp xe mò lên chơi tận bến Bạch Đằng, ngắm coi những bảng quảng cáo đèn lập lòe xanh đỏ ven kia sông, thấy phía sau đám nhấp nháy ấy vẫn là màn đêm tối thẫm mênh mông. Sau tháng 4.1975 bản đồ hành chính không có quận 2, vùng Thủ Thiêm quận 2 bây giờ suốt bao năm một phần thuộc quận Thủ Đức, một phần thuộc huyện Nhà Bè. TP.HCM thời đó các quận số chỉ có 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, chưa có 2, 7, 9, 12 như hiện nay. Nhiều lúc tôi thắc mắc tại sao các bác nhà ta lại đánh số nhảy cóc thế nhưng rồi cuộc mưu sinh bận rộn, chưa có lúc rảnh rỗi lật tìm tài liệu để giải đáp sự tò mò.
Bẵng đi gần chục năm, chính xác là mãi tới năm 1985 tôi mới có dịp lần sang đất Thủ Thiêm. Chả là có ông em rể họ, Đinh Văn Thọ, thủy thủ phó tàu Thái Bình thuộc công ty vận tải viễn dương Vosco. Tàu y vừa đi Nhật về, nhưng không cập bến cảng kho 5 đường Trịnh Minh Thế – Nguyễn Tất Thành như mọi bận mà neo tận ngoài sông, phía bờ Thủ Thiêm. Hình như chuyến ấy anh em khuân đồ “sì cơn hen” Nhật về hơi nhiều, hơi lố nên bị ách lại chưa cho vào bờ, để mấy chú hải quan thuế vụ lên kiểm tra kiếm chút ít đã.
Thọ bắt đò vào bờ, khệ nệ khuân lên cho tôi một bọc quà tướng đủ món ăn chơi của bọn tư bản, những sô cô la, thuốc Dunhill, 3 số, bia Asahi, dầu nóng hiệu đại bàng, lố ly thủy tinh Nhật… Dù Thọ bảo chả đáng bao nhiêu, em chỉ cần bán con 81 kim vàng giọt lệ kia thì anh em mình ăn nhòe, nhưng thú thật những sơn hào hải vị ấy vợ chồng tôi chỉ dám ngắm cho thỏa thuê rồi sau đó đem ra ngã sáu Chợ Lớn tham gia thị trường tự do. Cái mồm mình mà ăn sô cô la, hút thuốc 3 số, thuốc Dunhill nó phí đi, trong khi hai gói 3 số ấy có thể đủ tiền mua gạo cho cả tuần. Suốt tháng vừa rồi, cả nhà chỉ có 5 ký gạo hẩm lẫn tinh hạt cỏ, số tiêu chuẩn khẩu phần lương thực còn lại bị thay bằng hạt bo bo, củ sắn, nên thèm cơm lắm. Bà xã tôi thì thầm, mỗi lần chú Thọ đi cứu nước cứu nhà về, nhà mình cũng được thơm lây, lại có mùi cơm, anh ạ.
Tôi mua vé đò Thủ Thiêm qua bên kia sông, giờ lâu lắm rồi chả nhớ kỹ, nhưng hình như cả xe đạp lẫn người chỉ có mấy trăm đồng. Cũng lần đầu tiên được đứng bên bờ đông nhìn về bờ tây. Có cảm giác đang ở một vùng ngoại thành xa tít nghèo nàn lạc hậu ngắm trông về thành phố hoa lệ. Tưởng như không phải đang ở sát nách quận 1 mà là tận Thủ Đức, Nhà Bè, thậm chí Đồng Nai, Sông Bé, ngóng về trung tâm Sài Gòn chỉ cách mỗi quãng đò ngang.
Ngó đám dừa nước, ô rô, cây dại chen chúc ngút tầm mắt, tự dưng nghĩ hồi mấy anh giải phóng chả biết đặt súng đại bác, súng cối chỗ nào trong chốn mênh mông ấy chĩa nòng về dinh Độc Lập thụt vài quả dịp chính quyền Sài Gòn tổ chức mừng ngày quốc khánh. Hồi ấy đọc báo nghĩ quân ta giỏi và liều thật, nhưng sau tỉnh nghĩ thêm chút nữa thì thấy kinh. Chỉ cần một quả 57 ly nổ giữa đám lễ trọng thì cả quan chức lẫn dân lại chẳng chết như ngả rạ. Tất nhiên báo ta sẽ chỉ đăng tin thắng trận rằng bao nhiêu Mỹ ngụy chết thôi.
Đạp xe men sông hơn 2 cây số, tôi tới bờ chỗ tàu Thái Bình neo đậu. Tôi gửi xe ở quán nước nhỏ mái lá lụp sụp tồi tàn, Thọ ngồi đó đón sẵn, ngoắc chiếc thuyền nhỏ đưa hai anh em ra tàu. Y đãi tôi trận bia Asahi tưng bừng, thông báo hàng đã giải quyết xong, chiếc cúp 81 kim vàng giọt lệ cũng đã lên bờ Thủ Thiêm trót lọt rồi. Anh em thuế vụ, hải quan tất nhiên cũng có phần. Họ chả tội gì căng thước thợ, mình thiệt thì họ đâu có xơ múi gì.
***
22-5-2018
Một vùng đất nghèo khó và khá yên bình như Thủ Thiêm (Sài Gòn) sẽ cứ lặng lặng cựa mình chuyển đổi dần nếu nó không mắc phải cái nghiệp. Nghiệp không tránh khỏi bởi nằm sát nách nội ô Sài Gòn, nơi đô thành hiện đại, hoành tráng, sôi động bậc nhất nước. Nhưng nếu chỉ có thế thì cũng chưa đủ thành nghiệp chướng, chưa bị nghiệp hành, bằng chứng là suốt trăm năm trải qua thời Pháp, thời Mỹ – Việt Nam cộng hòa (một thời gian dài vẫn bị chính quyền mới gọi là ngụy), nó vẫn cứ khá bình yên, lầm lụi với những phận đời thương khó, với nhà thấp nhỏ lè tè ẩn sau sắc xanh mênh mông của ngút ngàn dừa nước, ô rô, bần đước.
Tới khi cả nước này hăm hở kéo nhau vào sự đổi mới, mở cửa, chuyển mình từ đất đai và tài nguyên, thì nghiệp của Thủ Thiêm không còn mù mờ, ẩn hiện, sương khói ảo ảnh gì nữa, mà hiển hiện thành những thứ rất cụ thể. Vùng đất nghèo bỗng nhiên như gặp trận động đất, bị xâu xé tan tác chia lìa. Những đổ vỡ, tang thương, đau đớn, uất ức, căm giận, dồn nén, mất mát, khiếu kiện, chùa bị đập, nhà thơ bị đe phá, cây cối bị chặt, mồ mả động dời… được che giấu phía sau vẻ ngoài thay đổi bằng nhà cao chót vót mọc lên chỗ này chỗ nọ, đường sá mở mang, cầu cống nối thông kênh rạch. Người ngoài nhìn vào sẽ dễ có cảm tưởng một vùng đất thay da đổi thịt, hạnh phúc, sung sướng, thỏa mãn sự thèm thuồng mơ ước. Không phải người trong cuộc sẽ khó biết cái giá phải trả đau đớn và uất ức thế nào.
Hồi còn tòng sự ở báo Thanh Niên, tôi thân tình với một anh ở phòng kỹ thuật, Lương Quốc Hưng. Nhà Hưng bên Thủ Thiêm, nằm ngay trong vùng mà dân Sài Gòn quen gọi là bán đảo. Nhớ hồi cuối thập niên 90 gì đó, gia đình y có việc hiếu, chúng tôi kéo nhau sang thắp nén hương cho người đã khuất. Đi vào buổi tối, qua cầu Sài Gòn rồi rẽ phải, cứ vòng vèo lặn lội trong rừng cây lá mãi mới tới nơi. Ếch nhái ì ọp tưởng không bao giờ không dứt. Cả nhà cả vườn cả ruộng nhà y rộng mênh mông, phải vài nghìn mét vuông. Đủ thức cây trái, gà vịt thả đầy. Chẳng bõ cái công chạy xe gần chục cây số mới tới cơ quan, chịu tiếng dân vùng sâu vùng xa. Chúng tôi đùa gọi Hưng là địa chủ, y cười bẽn lẽn, thật thà bảo chừng ấy đất cũng chẳng bằng một cái nền nhà ống trên đường Cống Quỳnh (nơi cơ quan đóng).
Mà có lẽ thế thật, đường sá khó đi, ruộng đất sình lầy, vùng sâu vùng xa như vậy, ai thèm ngó. Mươi năm sau, nghe mấy đứa cơ quan cũ kể lại, nhà Hưng tuy không nằm ngay chính vùng bị quy hoạch đô thị nhưng chính quyền cứ cưỡng bách giải tỏa, đền bù với giá rẻ mạt. Tự dưng nhập vào đội ngũ dân oan khiếu kiện ngày càng đông. Ngay cả những hộ Thủ Thiêm nằm hẳn trong khu quy hoạch, đã bị giải tỏa, đã nhận tiền đền bù, được tiêu chuẩn nhà tái định cư nhưng chờ mòn mỏi cả chục năm vẫn không thấy nhà tái định cư đâu, cũng đội đơn khiếu kiện. Theo quy hoạch ban đầu thì dân vùng quy hoạch sẽ có 160 hecta tái định cư ngay trong khu đô thị, tuy nhiên số đất ấy đám quan chức tham lam cũng đã bán gần hết cùng nhau chia lợi. Nhớ cách nay gần chục năm, bà con và báo chí làm căng quá, sợ cái sảy nảy cái ung, chính ông Lê Thanh Hải khi đó là Bí thư Thành ủy ra vẻ xuống nước, chỉ đạo phải xây gấp những khu chung cư để dân mau có chỗ ở, cũng là cách bịt miệng họ. Tuy nhiên, nói và làm của quan chức là hai khái niệm chỏi nhau, tới giờ nhà vẫn chửa thấy đâu, chỉ thấy tòi ra hàng loạt sai phạm của bọn cạp đất.
Những năm thập niên 1990 – 2000 là khoảng thời gian tình trạng khiếu kiện đất đai bùng phát dữ dội. Nhà nước càng duyệt dự án này nọ, quan chức càng tự tung tự tác, đất đai càng nóng bỏng, thì khiếu kiện càng nhiều và quyết liệt. Dạo đó, dân chúng khắp nước kéo nhau về vườn hoa Mai Xuân Thưởng (Hà Nội) đội đơn chờ chực, bởi nơi đó có trụ sở cơ quan tiếp dân trung ương. Về sau, chính quyền thấy dòng người khiếu kiện chảy về trung tâm thủ đô đông quá, mới mưu mẹo chuyển trụ sở tiếp dân về quận Cầu Giấy để phân tán, che mắt dư luận, rồi tiếp nữa lại chuyển về Hà Đông. Nghe nói trong binh đoàn khiếu kiện ấy rất đông dân Thủ Thiêm. Mất đất thì phải đi đòi thôi. Tôi không biết nhà ông bạn Hưng có ai tham gia gối đất năm sương vườn hoa Mai Xuân Thưởng không, nhưng mấy nghìn mét vuông bị cưỡng chế như thế, có là bụt cũng phải nhảy khỏi tòa sen mà đi đòi quyền lợi chính đáng của mình.
Phải nói thẳng rằng, chính quyền này ăn đất rất tàn bạo. Hầu như những vi phạm nghiêm trọng, mất lòng dân nhất của họ liên quan đến đất đai. Họ lấy lý do phát triển kinh tế, đầu tư, quy hoạch, xây dựng… để chiếm cướp dần đất của dân. Quyền sở hữu tư nhân đất đai tự bao đời bị xóa bỏ bằng luật đất đai mới do nhà cai trị tự đặt ra và buộc dân phải chấp nhận, thực hiện. Chính sách “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” đã cướp trắng trợn những ruộng vườn nhà cửa gắn với người dân qua nhiều thế hệ, là thủ phạm gây ra những vụ Tiên Lãng Hải Phòng, Kiến Xương Thái Bình, Văn Giang Hưng Yên, Mỹ Đức Hà Nội, Thủ Thiêm Sài Gòn… Nhà nước đem quyền lực đi trấn áp, gọi là giải phóng mặt bằng, chỉ riêng cách gọi “giải phóng” đó đã chứng tỏ chính sách của họ không được lòng dân, không thuyết phục được dân. Họ thậm chí còn sổ toẹt đó là cưỡng chế. Chỉ cốt lấy được đất, đem đất của dân cho bọn nhà giàu, trả bằng giá rẻ mạt, thử hỏi ai mà chịu nổi.
Người dân, trong đó có bà con Thủ Thiêm, đang sống yên lành bỗng bị xua đuổi, cuộc sống biến thành trôi nổi, bấp bênh. Nếu đất ấy nhà ấy, vườn ruộng bao đời, mồ mả ông bà tổ tiên được chính quyền trưng thu dùng vào việc đại sự quốc gia, lo cho vận mệnh dân tộc, phục vụ an ninh quốc phòng, thậm chí để mở con đường, làm cây cầu phục vụ cộng đồng, dám chắc không người dân nào chống lại, chứ đừng nói thắc mắc khiếu kiện. Nhưng lấy đất của dân, đem đất dâng cho nhà giàu (được gọi là nhà đầu tư) thì phải sòng phẳng, rõ ràng, tôn trọng quyền chủ sở hữu của dân. Hồi còn đương vị chủ tịch nước, năm 2015 ông Trương Tấn Sang có lần giả nhời cử tri rằng nếu nhà nước thu hồi đất, giải tỏa đền bù, tái định cư thì quan điểm xuyên suốt của nhà nước là người bị giải tỏa phải có cuộc sống tốt hơn, chí ít thì cũng bằng chứ không thể kém. Về lý thuyết nghe hay lắm, nhất lại từ mồm ông chủ tịch nước, nhưng trên thực tế mắt thấy tai nghe, chính mình chứng kiến, tôi chỉ thấy phần lớn dân chúng khổ sở bởi chính sách đất đai, thu hồi đất của nhà nước. Nếu được như ông Sang tuyên bố, làm gì còn tình trạng khiếu kiện, làm gì còn những Thủ Thiêm, Đồng Tâm, Dương Nội, Văn Giang…
Đận tôi còn làm nghề dạy học, hồi cuối thập niên 80 có đứa học trò nhà mấy đời từng ở khu la cai Nguyễn Tri Phương, quận 5. Hộ mặt tiền buôn bán, nguồn sinh sống chủ yếu từ cái cửa hàng đó, nuôi cả gia đình. Rồi tự dưng nhà nước lấy lý do chỉnh trang đô thị, phá dãy nhà 2 tầng cũ kỹ mấy chục căn đó đi, giao cho một công ty xây dựng khu nhà mới cao tầng. Gia đình đứa học trò bị giải tỏa, được đền bù một số tiền, được hứa bán cho một căn trên tầng cao để tái định cư. Leo tuốt lên với giời, rồi lấy gì làm sinh kế, rồi sống ra sao. Tương lai quá mờ mịt. Cuối cùng, một hôm tôi nhận ra nó nghỉ học mà không nói gì với mình. Chả biết đi đâu. Tới tận nơi, cả nhà biệt tăm. Mười mấy năm sau, trong lần gặp lại, nó kể bố mẹ em nghĩ mãi, hiểu rằng có ở lại cũng chả sống nổi, tương lai quá mờ mịt đen tối nên quyết định vượt biên. Dù biết có thể gửi xác trên biển nhưng ít ra cũng còn hy vọng sống.
Đất đai và chính sách đất đai tàn bạo ở xứ này suốt mấy chục năm qua đã làm nẩy sinh những tấn bi kịch như vậy.
Cũng như dân Thủ Thiêm bây giờ, phố Đông hoa lệ chửa thấy đâu, chỉ tinh những mất mát, thiệt thòi, nghèo đói bấp bênh bao quanh, kéo dài gần hai chục năm nay, chưa biết bao giờ mới chấm dứt.
Học Giả Nguyễn Duy
con ơi mẹ dặn câu này
cướp đêm là giặc cướp ngày là quan – (ca dao xưa)
Cướp xưa băng nhóm làng nhàng
cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi
có con dấu đóng đỏ tươi
có còng có súng dùi cui nhà tù
cướp xưa lén lút tù mù
cướp nay gióng trống phất cờ phóng loa
con trời bay lả bay la
cướp trên bàn giấy cướp ra cánh đồng
dân oan tuôn lệ ròng ròng
mất nhà mất đất nát lòng miền quê
tiếng than vang động bốn bề
cướp từ thôn xóm tiến về thành đô
ai qua thành phố Bác Hồ
mà coi cướp đất bên bờ Thủ Thiêm
bây giờ mẹ phải dặn thêm
quan tham là cướp cả đêm lẫn ngày.
Nguồn Mạng.
“Anh Vương bảo bên ấy là đất của Việt cộng,”
Tôi có biết một người, là vợ của một viên Trung tá thuộc Hải Quân VNCH, có nhà ở bên Thủ Thiêm, người chồng vẫn thường xuyên về nhà ở bên Thủ THiêm vào lúc ấy (trước 1975)
“Thủ thiêm là đất của việt cộng” mà vậy sao?
Trước kia bến phà Thủ Thiêm vẫn có người qua người lại đông đúc bình thường
Trước kia, trước 1975, cũng đã có một kế hoạch biến đổi Thủ Thiêm thành đô thị, mở rộng & di chuyển trung tâm hành chánh từ Sài gòn qua Thủ THiêm,
không phải là cướp đất của dân chia lô cho “đại gia” lấy tiền “lại quả” bạc tỷ như tội ác mà nhà cầm quyền việt cộng hồ chí minh đã, đang làm từ sau khi đạo quân viễn chinh cộng sản VNDCCH tràn vào Sài gòn, tiếp tay giặc tàu phủ lá cờ búa liềm tội ác lên người Nam, mở rộng kéo dài địa bàn bắc thuộc đỏ từ Hà nội đỏ “cờ tổ quốc nằm dưới đít cờ búa liềm” xuống dưới vỹ tuyến 17
địa bàn bắc thuộc đỏ được Tàu cộng mở ra ở phía bắc vỹ tuyến 17 từ sau bản hiệp định giơ ne vơ 1954 ô nhục, khi việt cộng Minh phản bội Hoàng ĐẾ Quang Trung, diễn lại tấn tuồng Lê Chiêu Thống & Tôn Sĩ Nghị tại Thăng Long 1788, rước cố vấn Trung quốc vỹ đại vào Hà nội cắm cờ búa liềm, đặt “cờ tổ quốc” xuống dưới đít cờ búa
*****
Bọn việt cộng, khủng bố, ám sát nhà báo VNCH, ám sát sinh viên VNCH, quăng lựu đạn vào đám đông dân chúng, bọn việt cộng như bầy chuột rình rình cắn phá,
chẳng lẽ ở đâu có chuột thì ở đấy là “đất của chuột” à?
Ở Hà nội đỏ “cờ tổ quốc nằm dưới đít cờ búa liềm” cũng có chuột, có trộm cắp, giựt dọc, đĩ điếm, như thế, cứ theo ngôn ngữ ấy, thì hà nội đỏ “cờ tổ quốc nằm dưới đít cờ búa liềm” là đất của chuột, Hà nội đỏ “cờ tổ quốc nằm dưới đít cờ búa liềm” là đất của trộm cắp, hà nội đỏ “cờ tổ quốc nằm dưới đít cờ búa liềm” là đất của đĩ điếm, Hà nội đỏ “cờ tổ quốc nằm dưới đít cờ búa liềm” là đất của cướp giựt à?