22-5-2018
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể – Tác giả “trạm thu giá BOT” đang “giỡn mặt bầu cua” với dân, với Quốc hội và đổ tội nhiệm kỳ trước!
Bộ trưởng Thể gốc nông dân miền Tây – vùng đất cư dân vốn sống chất phác, “có sao nói vậy”; không lắt léo câu chữ, ma mị ngôn từ. Cụ thể ông Thể là dân huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp nên chắc hiểu từ “giỡn mặt bầu cua” của dân miền Tây; nó na ná như “múa rìu qua mắt thợ” của bà con miền Bắc – tức làm cái trò mà ai cũng biết tẩy đó là trò con nít khi đổi tên các trạm thu phí BOT thành thu giá.
Giữa sóng gió dư luận đang đồng loạt lên án cái trò “giỡn mặt bầu cua” này thì trong buổi họp Quốc hội sáng 22-5-2018, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đại biểu Quốc hội đoàn Sóc Trăng sau khi thừa nhận: “Thời gian qua có vấn đề trạm thu giá BOT là việc hết sức nóng, có thể nói chưa lúc nào nóng như vừa qua” đã đổ tội: “Đây là sản phẩm của giai đoạn trước”.
Ông Thể quên hay cố tình không nhớ chính ông là người ký hơn 20 dự án BOT giao thông, trong đó có BOT Cai Lậy tai tiếng – khi ông là thứ trưởng GTVT? Rồi ông khẳng định trước các đại biểu của dân: “Đến thời điểm này có thể nói tương đối ổn định. Chúng tôi sẽ nghiên cứu, vận dụng để làm sao những trạm thu giá BOT sắp tới sẽ thực hiện nghiêm“.
Thu phí hay thu giá, thu gì cũng là thu tiền; không chỉ là một kiểu làm dơ bẩn, lập lờ tiếng Việt vốn trong sáng và đẹp đẽ mà còn vi phạm pháp luật; cụ thể là Luật Phí và lệ phí 2015 – được Quốc hội thông qua ngày 25-11-2015, có hiệu lực từ ngày 1-1-2017, không hề có một từ nào quy định về thu giá mà chỉ có thu phí.
Ở điều 3 – Giải thích từ ngữ – của luật này, các từ ngữ được hiểu:
1. Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Luật này.
2. Lệ phí là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong Danh mục lệ phí ban hành kèm theo Luật này.
Trả lời câu hỏi của phóng viên: “Tại sao Bộ GTVT lại chuyển tên gọi từ “thu phí” thành “thu giá” BOT?”, ông đã thú thật: “Phí mang tính chất quản lý Nhà nước liên quan đến HĐND, Quốc hội quyết định. Hình thức đầu tư BOT (Kinh doanh – Xây dựng – Chuyển giao) được xem là một sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá. Do vậy, chúng ta cần điều chỉnh từ phí sang giá cho chính xác.
Việc chuyển đổi tên trạm “thu phí” thành trạm “thu giá” không có gì khác mà còn linh động hơn rất nhiều cho việc điều chỉnh mức thu. Bởi lẽ muốn điều chỉnh phí thì phải thông qua HĐND nên rất chậm”.
Ông buộc phải thú thật điều này cho thấy ông rất rành Luật Phí và lệ phí, trong đó quy định ai được quyết định việc thu phí (khoản 2 điều 4 Luật Phí và lệ phí quy định): “Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quy định các khoản phí, lệ phí trong Danh mục phí, lệ phí, được quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí”.
Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật! Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã am hiểu luật rất rõ mà vẫn cố tình lách luật để vi phạm Luật phí và lệ phí mà Quốc hội đã ký mới hơn 1 năm, liệu có thể khởi kiện được không?