19-5-2018
Tiếp theo phần 1, phần 2 và phần 3
III/ TÓM LẠI VỀ CÁC VIỆC LÀM CỦA ÔNG TRẦN HUỲNH DUY THỨC
Để chứng minh được ông Thức phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, Cơ quan An ninh điều tra phải chứng minh được ông Thức đã “thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Nhưng tất cả các hành vi việc làm của ông Thức như đã được Cáo trạng chỉ ra đều không phải là thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Về “Nhóm nghiên cứu Chấn” cái có khả năng nhất để quy kết ông Thức lập ra một tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (vì ngoài cái này ra thì ông Thức không thành lập tổ chức nào khác và cũng không tham gia tổ chức nào khác). Nhưng như đã phân tích chỉ ra, Nhóm nghiên cứu Chấn không phải là một tổ chức, nó chỉ là một dạng tiền thân của một tổ chức trong tương lai mà thôi. Và do vậy hành vi phạm tội nếu có, đó chỉ là dạng chuẩn bị.
Việc lập Đảng xã hội ông Thức chưa làm được, Đảng Dân chủ thì ông Thức không tham gia, cho nên không có cơ sở nào để quy kết ông Thức phạm tội vì đã thành lập hoặc tham gia tổ chức. Còn nếu kết quả điều tra xác định ông Thức đã tham gia tích cực vào các hoạt động của Đảng dân chủ Việt Nam từ đó có khả năng sẽ tham gia vào tổ chức này trong tương lai, thì hành vi của ông Thức cũng chỉ là sự chuẩn bị mà thôi.
Nhưng thời điểm xét xử vụ án năm 2010 Bộ luật hình sự khi đó không phân biệt giữa hành vi phạm tội và hành vi chuẩn bị phạm tội, do vậy các hành vi dù tính chất mức độ khác nhau vẫn chịu chung mức hình phạt thật nặng. Đến nay Bộ luật hình sự mới ban hành năm 2015 đã sửa đổi quy định, phân biệt hành vi chuẩn bị phạm tội với hành vi phạm tội, theo đó hình phạt cho hành vi chuẩn bị nhẹ hơn nhiều chỉ từ 01 đến 05 năm tù so với hành vi phạm tội.
Sự sửa đổi pháp luật này cho thấy các nhà làm luật cũng đã nhìn nhận ra những bất cập từ các vụ án được giải quyết trên thực tế, họ thấy cần nương nhẹ đối với những hành vi thuộc vào dạng chuẩn bị. Và do vậy trường hợp của ông Trần Huỳnh Duy Thức thuộc vào dạng hành vi chuẩn bị, rất cần được xem xét lại.
IV/ CĂN CỨ THEO LUẬT ĐẶC XÁ
Kể từ sau khi ông Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt và kết án, nhiều tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đã bày tỏ mối quan tâm lên tiếng đề nghị trả tự do cho ông Thức. Nhiều cơ quan ngoại giao quốc tế, các tổ chức nhân quyền, các nghị sĩ dân biểu các nước, cộng đồng người Việt trong và ngoài nước đều đã và đang quan tâm đến số phận tù tội của ông Thức.
Trong con mắt của nhiều người ông Thức không phải là tội phạm. Nhiều cá nhân tổ chức đã kiên trì lên tiếng cho ông Thức trong nhiều năm, trong khi họ là những cơ quan, tổ chức, cá nhân có uy tín và ảnh hưởng dư luận quốc tế lớn. Nếu các ý kiến của họ mãi bị gạt bỏ không được lắng nghe sẽ không đem lại lợi ích cho đất nước.
Luật đặc xá năm 2007 đang có hiệu lực đã dành riêng một Chương 3 quy định về ĐẶC XÁ TRONG TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT, nhằm tháo gỡ thế bí cho các ban ngành chức năng, giải quyết cho các tù nhân lương tâm khi được cộng đồng quốc tế quan tâm. Luật đặc xá quy định:
Điều 21. Người được đặc xá trong trường hợp đặc biệt
Trong trường hợp đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu về đối nội, đối ngoại của Nhà nước, Chủ tịch nước quyết định đặc xá cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đang chấp hành hình phạt tù, người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù mà không phụ thuộc vào các điều kiện quy định tại Điều 10 và Điều 11 của Luật này.
Điều 22. Trình tự, thủ tục lập hồ sơ đặc xá trong trường hợp đặc biệt
Theo yêu cầu của Chủ tịch nước hoặc theo đề nghị của Chính phủ về đặc xá được Chủ tịch nước chấp nhận, Chính phủ chủ trì phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức có liên quan lập hồ sơ của người được đề nghị đặc xá trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Điều 23. Thực hiện Quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt
Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước trong trường hợp đặc biệt.
Như vậy, việc đặc xá trả tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thức hoàn toàn có đầy đủ cơ sở pháp lý và căn cứ thực tiễn để thực hiện.
V/ ĐỀ NGHỊ CỦA LUẬT SƯ
Kính thưa Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ công an.
Căn cứ vào quy định mới tại Điều 109 Bộ luật hình sự năm 2015 đã sửa đổi Điều 79 Bộ luật hình sự năm 1999, bổ sung nội dung phân biệt xử lý hành vi chuẩn bị phạm tội với mức án chỉ từ 01 đến 05 năm tù nhẹ hơn rất nhiều so với hành vi phạm tội.
Căn cứ vào bản chất các việc làm của ông Trần Huỳnh Duy Thức chỉ là những hành vi chuẩn bị nhắm tới tác động vào nhận thức con người.
Căn cứ vào tình hình thực tế là cuộc sống trong lao tù của ông Thức đã và đang nhận được sự quan tâm của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Căn cứ vào quy định của Luật đặc xá quy định về trường hợp đặc xá đặc biệt.
Căn cứ vào thực tế ông Thức đã có thời gian thụ án tính tới tháng 5/2018 là tròn 9 năm trong tổng số 16 năm tuyên án. Trong khi các bị cáo khác trong cùng vụ án chỉ chịu mức án 3 năm, 5 năm, 7 năm tù sau đó còn được giảm án tha tù trước thời hạn, thì mức án của ông Trần Huỳnh Duy Thức là quá khắc nghiệt nặng nề.
Chúng tôi kính đề nghị Chủ tịch nước, Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ công an cùng xem xét thực hiện việc đặc xá trả tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thức.
Thay mặt gia đình ông Trần Huỳnh Duy Thức, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn!
Đề nghị nhà nước VN trả tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thưc.Không những thế mà còn nên mời ông Thức hợp tác. Với tầm nhìn của ông ấy có thể giúp VN tìm được huớng đi thích hợp trong giai đoạn quan trọng này của đất nước.