19-5-2018
“Nhập chất thải Formosa làm phụ gia sản xuất xi măng?” là một phóng sự điều tra hay của báo Tiền Phong. Nó phơi bày một lát cắt của khối bí ẩn mang tên “lợi ích nhóm” ở Việt Nam. Nhưng nếu chỉ là “lợi ích nhóm” thì tôi e vẫn chưa đủ…
Tro bay, xỉ than nhà máy thép và nhiệt điện để trở sản phẩm hợp quy phải được kiểm nghiệm từ chất lượng nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, dây chuyền công nghệ.v.v… Ví dụ nguyên liệu đầu vào của sản phẩm tro bay, chủ yếu là than đá thì có nhiều loại than đá nên không phải tro xỉ đốt lò hôm nay bằng than của Việt Nam, mai của Trung Quốc thì chất lượng sẽ không giống nhau. Quy trình vận hành lò đốt có một chút sai sót thôi thì phế phẩm là tro bay sẽ ra khác nhau về chất lượng (ví dụ nồng độ cacbon).
Một ví dụ khác là tro bay, xỉ than ở bãi chứa tại Vĩnh Tân (Bình Thuận) nhiễm mặn vì được tưới bằng nước biển. Lượng muối ấy ngấm xuống đất, vào nước ngầm làm cây cối chết, nước không uống được.
Hiện nay, bản hợp quy cho tro bay, xỉ than tại Việt Nam có thời hạn 3 năm là rất không ổn vì cần kiểm nghiệm từng lô sản phẩm mới được xuất bán ra ngoài. Đây là trách nhiệm của ngành Tài nguyên và Môi trường. Và trùng hợp thay, việc nhập tro bay Formosa được thừa nhận “phải chia phần cho nhiều người, trong đó có “một số người ở Bộ Tài nguyên Môi trường”?”.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho 6 bộ ngành gồm Công Thương, Tài nguyên Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học công nghệ để xử lý tro xỉ. Trong đó đáng chú ý là sự khuyến khích đem tro xỉ đi san lấp (trước đây Bộ Giao thông vận tải đã không đồng ý).
Một ví dụ khác, cụm tuyến nhiệt điện Duyên Hải (EVN), Long Phú (PVN) không gần các nhà máy sản xuất xi măng, trong khi đó đây lại là khu vực có nền đất yếu nên Viện KHCN xây dựng (IBST) dự kiến xây dựng đề tài sử dụng tro xỉ cho san lấp, sử dụng hết số lượng tro xỉ của hai nhà máy này thải ra hàng năm để san lấp trong vòng bán kính 200km. Hiện IBST đang chuẩn bị cho san lấp 2 triệu tấn tro xỉ một khu đô thị trên quy mô 1 triệu m2. Dự án này sẽ là cơ sở để IBST thí điểm làm tiêu chuẩn quản lý nhà nước về vấn đề sử dụng tro xỉ cho san lấp. Tiếp sau dự án này, IBST sẽ mở rộng triển khai cho các khu vực lân cận và khu vực tỉnh Long An, TP.HCM. Việc sử dụng tro xỉ cho san lấp mặt bằng sẽ có thể tiêu thụ được số lượng lớn tro xỉ.
Trong một hội thảo mới đây tại Đồng bằng sông Cửu Long, liên bộ Xây Dựng và Công Thương cũng đưa ra ý kiến đem tro xỉ đi san lấp.
Còn nếu đem đi san lấp đường giao thông, nhất là đường giao thông ở vựa lúa lớn nhất nước? Sẽ không khó tưởng tượng nếu các lãnh đạo các tỉnh miền Tây đến Vĩnh tân tham quan (hoặc xem clip đính kèm trong comment). Vựa lúa mà phát sinh ô nhiễm thì không biết an ninh lương thực sẽ đi về đâu?
Rất nhiều nước, kể cả quốc gia có nhiều nhiệt điện như Trung Quốc, họ đã dừng hẳn các nhiệt điện vì môi trường bị tàn phá. Việt Nam lại nhập về với số lượng lớn (hiện nay 26 nhiệt điện và sẽ là 57 vào 2030). Nhập về những không kiểm soát tốt về hợp quy rồi nghĩ ra chiêu san lấp để đưa ô nhiễm đi khắp nơi như đã nói ở trên. Cá đã chết ở 4 tỉnh miền Trung vì nhà máy thép! Dân đã vây nhà máy thép ở Đà Nẵng để phản đối ô nhiễm. Nguồn nước đã “chết” ở nhiệt điện Vĩnh Tân, Duyên Hải.v.v.. Không lẽ giờ muốn tiêu diệt luôn cây lúa?
Có một điều gì đó rất kinh khủng ở phía sau câu chuyện tro xỉ thép và tro xỉ nhiệt điện tại Việt Nam?- câu hỏi này không thể không đặt ra!