GS Nguyễn Đăng Hưng
14-5-2018
Một vị giáo sư xuất sắc, một nhà khoa học tài ba, một trí thức chân chính vừa từ trần tại Hà Nội! Giáo sư Phan Đình Diệu đã ra đi hôm qua 13/5, lúc 10 giờ, sau một thời gia bạo bệnh!
Giáo sư Phân Đình Diệu (PĐD) hẳn để lại niềm thương tiếc sâu sắc cho các đồng nghiệp, các học trò cũ, những con người tử tế trong giai đoạn vàng thau lẫn lộn, thế sự không bình thường của đất nước.
Khi còn tại chức tại Bỉ, trước nhưng năm 90 của thế kỷ 20, theo dõi tình hình trong nước, tôi chú ý đến ông vì những phát biểu khách quan, vô tư của ông về tình hình chính trị, kinh tế, khoa học, xă hội Việt Nam lúc bấy giờ. Trong bối cảnh đơn điệu của những bế tắc triền miên, đây là thái độ dũng cảm hiếm hoi đầy khí phách của một trí thức xă hội chủ nghĩa.
Sau năm 1990, vượt lên những cảm giác thất vọng sau ba lần về nước (1976, 1977, 1979), sau khi chứng kiến chính sách đồi mới ra đời, tôi lấy lại sinh khí lăn xã đi kiếm tài trợ quốc tế, hăm hở khăn gói lên đường về Việt Nam, thực hiện các dự án cộng tác đào tạo cao học. Về Hà Nội, tôi có ghé lại nhà GS Phan Đình Diệu, không xa Viện Cơ học, tọa lạc tại đường Đội Cấn, nơi tôi đến thuyết trình về Cơ học Rạn Nứt.
Tôi còn nhớ hôm ấy có một cậu con trai khoảng 10 tuổi, hình như có tên là Dương Hiệu, kể vanh vách cho tôi nghe tên tuổi của các cầu thủ đá bóng Châu Âu, những Platini, Beckenbauer, Cruyff…
Vài năm sau, tôi gặp lại GS Phan Đình Diệu tại Đại học Laval, Québec, Canada, ngày họp các chuyên gia trong tổ chức l’AUPELF-UREF (l’Association des Universités Partiellement ou Entièrement de Langue Française – Université des Réseaux d’Expression Française), bàn về việc thành lập Viện Tin học Pháp ngữ Hà Nội. Ngày ấy GS PĐD là thành viên đoàn Việt Nam với tư cách Phó Trưởng ban thường trực, Ban chỉ đạo Chương trình Quốc gia về Công nghệ Thông tin. Còn tôi là đại diện các đại học của Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp.
Sau 1995, giai đoạn tôi đang là chủ nhiệm các chương trình đào tạo cao học Bỉ tại Việt Nam, tuy không cùng ngành tôi có mời GS PĐD đang thỉnh giảng tại Paris ghé sang Liège thuyết trình, trên đường về Việt Nam ngang qua Mátxcơva. Trong khoản thởi gian dài hợp tác khoa học giáo dục với Viêt Nam đã có gần 20 giảng viên, giáo sư được tôi mời sang Bỉ giao lưu khoa học. Phải nói buổi thuyềt trình về “Tin học và trí thông minh nhân tạo” của GS PĐD đã để lại ấn tượng rõ nét nhất trong tâm hưởng các nhà khoa học Bỉ!
Thông thường sau khi về nước tham gia quản lý và chính trị các nhà khoa học xã hội chủ nghĩa Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô và các nước Đông Âu, hay xao nhãng khoa học trong thời gian dài. Điều khó tránh khỏi là họ và nhanh chóng trở thành tụt hậu. Khác với họ, GS PĐD vẫn tiếp tục nghiên cứu trong những điều kiện khó khăn. Kết quả là khi qua các nước phát triển giao lưu khoa học, ông không có dấu hiệu đến từ một nước chậm tiến như tôi thường thấy.
Nhưng nét thông tuệ đáng nể nhất của GS PĐD là những nhận xét, những quan điểm của ông về tình hình xă hội chính trị Việt Nam và quốc tế. Ông không hề ngần ngại tỏ rõ chính kiến của mình khi có dịp phát biểu thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Hãy đọc lại một đoạn văn ngắn trên blog Hiệu Minh mà nhà báo Kim Dung/Kỳ Duyên vừa đăng lại: “Nhớ lần đi thang máy lên đỉnh Vitusha của thủ đô Sofia đầy tuyết trắng, thay vì mơ mộng với trời mây, bỗng anh than, với cung cách quản lý của các nước XNCH, thế nào khối này cũng sụp đổ cho mà xem. Lúc đó, Tổng Cua nghe rất choáng, và thấy Giáo sư hơi…phản động.
Anh kể, đã sang Hungaria, CHDC Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc, Liên Xô, Mỹ và Tây Âu, nhận xét thế là có lý riêng của mình. Ba năm sau, bức tường Berlin sụp đổ (1989), kéo theo toàn bộ Đông Âu và Liên Xô tan rã”.
Phản biện đề án 112 (tin học hóa quốc gia) năm 2001 GS PĐD dự báo, dự án sẽ thất bại. Hãy đọc lại thư khẩn mà GS PĐD đã gửi cho Thủ tướng Phan Văn Khải: “Đề án quan tâm nhiều đến mua sắm máy móc và trang thiết bị, thậm chí còn chỉ định trước là mua máy của những công ty nào, xác định mức tối thiểu của tổng kinh phí (không ít hơn 1.000 tỉ), mà lẽ ra chi tiết về những điều này chỉ nên dự toán khi có đề án khả thi, tức là sau khi nghiên cứu chi tiết nội dung công việc, đề xuất các phương án thực thi v.v…”
Sau 5 năm, ban quản lý ra tòa và hàng nghìn tỷ mất mát.
Trong những năm sau 1975, được hỏi về ảnh hưởng chính trị đối với đất nước của một vị quan to nhất lúc bấy giờ, GS PĐD đã không ngần ngại phát biểu: “Vị lãnh đạo ấy rất vĩ đại, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ tới thắng lợi, nhưng vĩ đại hơn, nếu ông từ chức ngay bây giờ”.
GS PĐD đã dự đoán không đúng. Vị quan đứng đầu nước ấy làm sao từ chức được và ảnh hưởng về những quyết sách của vị lãnh đạo này trong những năm bao cấp 1975-1986 như thế nào thì nay ai cũng biết.
GS PĐD là nhà khoa học, ông không phải là nhà chính trị!
Nhưng những chính kiến công khai và minh bạch của ông về tình hình chính trị xã hội thật là sắc sảo, những phản biện thẳng thắn của ông về chính sách của chính phủ hiện hành thật là thấu đáo thông tuệ.
Cho tôi xin thắp một nến hương và kính cẩn nghiêng mình trước linh cữu một bậc trí thức chân chính và mẫn thiệp của đất Đại Việt thời hiện đại…
Liège ngày 13/5/2018
Trưởng thành trong môi trường miền Bắc, sống và nghĩ được như Ông là điều đáng trân trọng.
Mong Ông an lành trong cõi vĩnh hằng .
Một ngôi sao lớn của Việt Nam vừa vụt tắt.
Một nhân sỹ lớn đủ tâm đủ tầm như Ông ở nước Nam này có thể đếm được trên đầu ngón tay, nhưng lại bị chìm nghỉm giữa ba vạn chín nghìn những giáo xư tiến xĩ áo mũ xênh xang…
Kính cẩn cúi đầu vĩnh biệt Ông với nỗi xót xa đắng cay vô hạn !