Luật sư Ngô Ngọc Trai
14-5-2018
Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đang họp bàn về vấn đề cải cách tiền lương cho cán bộ công chức.
Tôi cho rằng điều quan trọng là các cơ quan đã nhận ra không thể chấp nhận thang bảng lương mang tính chất cào bằng như lâu nay mà phải chấp nhận có mức cao mức thấp, tùy thuộc vào lĩnh vực công việc.
Là một luật sư làm việc trong lĩnh vực tư pháp tôi thấy mức lương của Thẩm phán ngành Tòa án hiện nay quá thấp trong khi công việc họ chịu nhiều áp lực tác động.
Thực tế hiện nay một cán bộ tòa án đã có 10 năm làm việc mà tổng mức lương và phụ cấp mỗi tháng chỉ khoảng 7, 8 triệu đồng tương ứng khoảng 350 đô la.
Một thư ký tòa án đã 10 năm làm việc lương chỉ khoảng 7 triệu đồng, một Thẩm phán được khoảng 8 triệu đồng. Đó thực sự là mức lương quá thấp của cán bộ ngành Tòa án.
So sánh với mức lương của một chuyên viên pháp chế ngân hàng hay pháp chế doanh nghiệp có thời gian làm việc 10 năm thì mức lương của họ cũng gấp đôi cán bộ tòa án.
Trong khi nghề nghiệp của các Thẩm phán cho phép họ đang nắm giữ một thứ quyền lớn mà người bình thường không ý thức được. Họ có quyền tuyên cho một bên thắng kiện được hàng chục hàng trăm tỷ đồng hoặc có quyền định đoạt tính mạng sống chết và số năm tù của một đời người.
Đó là thứ quyền lớn nhất trong một xã hội, vì có còn gì quan trọng đối với con người bằng sự sống hay cái chết và sự tù tội? Những người liên quan sẵn sàng làm tất cả mọi thứ để tác động vào phán quyết của thẩm phán, họ có thể bán hết nhà cửa để giữ mạng sống, giảm số năm tù.
Hiện nay kinh tế thị trường đang phát triển, các giao dịch làm ăn đưa đến các vụ kiện cáo tranh chấp tài sản giá trị lớn, trong khi lương thẩm phán thấp, khiến cho công lý trở thành một thứ có thể đem rao bán tạo thu nhập ngoài lương. Nhiều vụ kiện bị dây dưa kéo dài nhằm nhũng nhiễu đương sự.
Có tăng được không?
Tìm hiểu thì được biết, theo số liệu có được tính đến ngày tháng 6 năm 2013 ngành Toà án nhân dân có 13.624 người. Trong đó có 4.957 Thẩm phán (bao gồm 109 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, 1.013 Thẩm phán cấp tỉnh, 3.835 Thẩm phán cấp huyện) và 6.702 Thẩm tra viên và Thư ký Toà án, 1.965 chức danh khác.
Ngành Tòa án quân sự có 333 người, trong đó có 141 Thẩm phán (bao gồm 19 Thẩm phán Tòa án quân sự Trung ương, 54 Thẩm phán Tòa án quân sự cấp quân khu, 68 Thẩm phán Tòa án quân sự cấp khu vực).
Chúng tôi giả sử tăng mức lương cho ngành Tòa án như dưới đây và tính ra con số tham khảo như sau:
1. Mức lương của Thẩm phán cấp huyện hợp lý phải là 30 triệu/tháng, thì với số lượng 3835 Thẩm phán huyện và 68 Thẩm phán tòa án quân sự khu vực, thì số tiền trả lương cho họ một tháng là 117,090 tỷ đồng.
2. Mức lương của Thẩm phán cấp tỉnh hợp lý phải là 40 triệu đồng/tháng, với tổng số 1013 Thẩm phán tỉnh và 54 Thẩm phán tòa án quân khu, thì số tiền trả lương cho họ một tháng là 42,680 tỷ đồng.
3. Mức lương cho Thẩm phán tối cao hợp lý phải là 60 triệu/ tháng, thì với tổng số 109 Thẩm phán tòa án tối cao và 19 Thẩm phán Tòa án quân sự Trung ương, thì số tiền trả lương cho họ một tháng là 7,680 tỷ đồng.
4. Với 702 Thẩm tra viên và Thư ký Toà án, 1.965 chức danh khác và 192 người của Tòa án quân sự, tổng số là 8859 người, mức lương hợp lý là 15 triệu/tháng, tính ra số tiền trả lương cho họ một tháng là 132,885 tỷ đồng.
Vậy tổng số tiền trả lương một tháng trả cho ngành Tòa án là 300,335 tỷ đồng. Tính ra cả năm tổng quỹ lương cho ngành Tòa án là 3604,020 tỷ đồng.
Các con số và tính toán trên chỉ có tính chất áng chừng tham khảo, nhưng con số cuối cùng chỉ khoảng hơn 3,6 nghìn tỷ đồng/ năm thì không phải là quá lớn.
Hiện nay nhiều khối công sản quốc gia đang bị các ban ngành quản lý làm thua lỗ thất thoát với con số nhiều nghìn tỷ đồng, ví như riêng vụ Mobifone mua AVG bị thất thoát lên đến 7000 tỷ đủ để trả 2 năm lương cho ngành Tòa án (khi đã tăng lương như nêu trên).
Các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ nhiều tỷ đô la như riêng Tập đoàn than khoáng sản đang nợ 100.000 tỷ đồng đủ để trả lương 27 năm lương cho ngành Tòa án. Các hội đoàn thể mỗi năm tiêu tốn 68 nghìn tỷ đồng đủ để trả 18 năm lương cho ngành Tòa.
Mới đây báo điện tử Vietnamnet cho biết, trong khoảng thời gian 6 năm vừa qua Doanh nghiệp nhà nước sai phạm 345 nghìn tỷ đồng, số tiền sai phạm này đủ để chi trả quỹ lương cho ngành Tòa án trong 95 năm. Hay một thông tin khác về 12 dự án đắp chiếu mang số nợ 58 ngàn tỷ, lỗ 18 ngàn tỷ, tính ra là 76 ngàn tỷ đủ để chi trả quỹ lương cho ngành Tòa án 21 năm.
Nêu ra như thế để thấy nếu tăng lương cho ngành Tòa án thì quỹ lương tăng thêm cũng không thấm tháp gì so với số công sản quốc gia bị thất thoát thua lỗ do quản lý yếu kém.
Bài toán quản trị quốc gia
Tôi cho rằng có một cách khác cho quản trị quốc gia và xây dựng đất nước, hợp lý và công bằng hơn.
Trong khi các tầng lớp công chức bậc thấp hưởng mức lương ít ỏi hẩm hiu thì tầng lớp cán bộ cấp cao thụ hưởng vô cùng tận nguồn tài lực quốc gia thông qua các dự án, các doanh nghiệp của Đảng của Nhà nước đủ kiểu.
Đã đến lúc phải làm lại việc quản lý công sản quốc gia, cắt chi tiêu cho hội đoàn thể, để dành tiền tăng lương cho bộ máy nhà nước chỉ bao gồm lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Thu hẹp lại phạm vi bộ máy nhà nước, thay đổi cách tổ chức thay vì để bộ máy Đảng song song với bộ máy nhà nước, khiến cho cỗ máy toàn trị đè nặng lên cơ thể xã hội, làm rỗng ruột ngân sách tài lực quốc gia.
Nay đứng trước bài toàn về cải cách chế độ tiền lương cho cán bộ công chức, tôi cho rằng cần kíp nhất là nâng cao mức lương cho cán bộ Tòa án.
Làm điều này ngoài việc giải quyết vấn đề bất cập của chính sách tiền lương, nó còn có tác dụng như một sự đầu tư, khi giải phóng các nguồn lực cho nền kinh tế đang bị tồn đọng gim giữ trong nền tư pháp vốn còn nhiều yếu kém.