Ai bảo bệnh tâm thần không truyền nhiễm?

FB Hoàng Hải Vân

14-5-2018

Giáo sư Cao Xuân Hạo kể, một người bạn làm ở cơ quan lưu trữ cho ông biết mỗi năm cơ quan này phải thanh lý mấy tấn hồ sơ mà nội dung là “những sáng kiến, phát minh vĩ đại từ khắp nơi trong nước gửi đến ùn ùn, trong đó các tác giả hiến cho nhà nước những biện pháp vô tiền khoáng hậu để biến nước ta thành nước tiên tiến trong thời gian kỷ lục”.

Ông dẫn chứng một trường hợp để minh họa, đó là công trình của một nhà phát minh đề nghị Trung ương Đảng mượn một cái tên lửa vượt đại châu của Liên Xô để bắn vào Bắc cực ở một tọa độ nhất định nhằm làm cho trục quay của trái đất lệch thêm mươi độ, sao cho Việt Nam thay vĩ tuyến để trở thành một nước ôn đớI, vì tác giả tin rằng chỉ có khí hậu ôn đới mới thích hợp với một tốc độ phát triển đủ nhanh để cho phép ta đuổi kịp và vượt các nước tiên tiến. Ông từ tốn nhận xét : “Con số mấy trăm nghìn hồ sơ phát minh ấy, trong khi cho thấy một tinh thần yêu nước chân thành và thiết tha của nhà phát minh, đồng thời cũng cho thấy tình hình sức khỏe tâm thần không ổn của họ, và cho phép suy ra con số đáng ngại của những người cần đến sự săn sóc của các bệnh viện tâm thần”.

Ông nói lại chuyện này với một bác sĩ tâm thần bạn ông. Ông bác sĩ nói, ngay cả trong sách vở được xuất bản để làm sách giáo khoa cũng có khối ý tưởng hoang đường không kém, nhưng vẫn được mọi người coi là hoàn toàn bình thường. Ông bác sĩ bảo rằng “cứ giở một cuốn sách giáo khoa hay sách “Dẫn luận” ra là thế nào cũng gặp ít nhất một chỗ cho thấy tác giả lẽ ra phải nằm bệnh viện từ lâu, nhưng những tác giả như thế quá đông và có chức vụ, học hàm quá cao cho nên rất khó đưa họ vào bệnh viện”.

Giáo sư Hạo cảnh báo, những biểu hiện tâm thần đó “có thể trở thành rất nguy hiểm, nhất là khi được đưa vào sách giáo khoa và được đưa ra truyền giảng cho học trò: số người nhiễm bệnh sẽ tăng theo cấp số nhân, và chẳng bao lâu sẽ trở thành một nạn dịch không còn cách gì dập tắt được nữa” (Dẫn từ sách “Tâm lý người Việt nhìn từ nhiều góc độ, NXB TP.HCM, 2000).

Điều mà Giáo sư Cao Xuân Hạo cảnh báo từ hai mươi năm trước hiện nay vẫn không thay đổi. Khi truyền thông công bố hàng loạt các luận án tiến sĩ cười ra nước mắt, còn chứng tỏ bệnh tâm thần này đã lây lan quá nhanh và quá rộng. Trong số gần 2 vạn rưỡi tiến sĩ và hơn 10 vạn thạc sĩ ở nước ta hiện nay, trừ các nhà khoa học, chuyên gia, nhà giáo, nhà quản trị có thực học, có lẽ phần lớn cần được đưa đi khám bệnh.

Nhưng điều nguy hiểm nhất là bệnh này đã di căn trong thế hệ trẻ, biến họ trở thành các bệnh nhân tâm thần “dự bị” nếu chính họ không biết cách tự đề kháng.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Định nghĩa “bệnh nhân tâm thần” (mental patients) là những người đi ngược lại “chuẩn xã hội bình thường đã được cộng đồng chấp nhận” (socially acceptable norms/conventions). Theo lời Gs Tương Lai kể thì Gs Cao Xuân Hạo là 1 người “đã” bị bệnh tâm thần vì dính vô Nhân Văn-Giai Phẩm 1 thời gian . Cũng theo lời Gs Tương Lai, Gs Cao Xuân Hạo đã định bệnh, chăm lo chữa trị thành công & phòng tránh, nên mặc dù truyền thống Nhân Văn-Giai Phẩm kéo dài tới hôm nay, bệnh tâm thần của Gs Cao Xuân Hạo đã không tái phát, Gs Cao Xuân Hạo đã trở thành 1 công dân xã hội chủ nghĩa bình thường & trở thành người có ích cho Đảng .

    Nhà báo Hoàng Hải Vân cũng thế, 1 công dân xã hội chủ nghĩa bình thường, hoàn toàn không mắc bệnh tâm thần . Hay đúng hơn, chưa bao giờ mắc bệnh tâm thần. Chắc nhờ tinh thần xây dựng “lâu đài chính trực”. Hahahaha, mỗi lần nhớ tới cái của khỉ đó lại mắc cừ . só dzi

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây