“GS Nguyễn Duy Xuân, nhà khoa học lớn về Nông nghiệp và Đồng bằng Nam Bộ, thầy của GS Võ Tòng Xuân, vì yêu nước, vì nguyện vọng phát triển đất nước, nhưng lại không biết dối trá để khom lưng quỳ gối mà bị chết ở trong tù, năm 1986, lúc mới 63 tuổi, bị giam liên tục trên 10 năm, từ tháng 5/1975 với chiêu bài học tập cải tạo”.
____
Nguyễn Đình Cống
12-5-2018
Chương trình được tổ chức theo sáng kiến của GS Trần Thanh Vân, người Pháp gốc Việt, bắt đầu từ năm 1993. Năm 2018 là gặp gỡ lần thứ 14, tổ chức tại Quy Nhơn, trong 2 ngày 9 và 10 tháng 5. Chủ đề là “Khoa học vì sự phát triển”.
Có khoảng 1500 trí thức trong và ngoài nước tham dự, trong đó có nhiều nhà khoa học đỉnh cao quốc tế, có 5 người đạt giải Nobel. Về phía lãnh đạo của Việt Nam, trên màn hình TV buổi 19 giờ ngày 10/5, tôi thấy có Chủ tịch Trần Đại Quang, phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Theo GS Trần Thanh Vân thì đây là sự kiện khoa học lớn nhất trong năm 2018 tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Từ năm 1993, chương trình đã mang lại một số kết quả đáng kể, như là các nhà khoa học Việt được tiếp xúc với trình độ khoa học thế giới, được nghe những báo cáo rất hay, nhiều sinh viên và nhà khoa học nhận được học bổng ra nước ngoài nghiên cứu và học tập, đã kết nối các nhà khoa học VN với bạn bè 5 châu, truyền cảm hứng khoa học cho cán bộ VN, hỗ trợ VN trong lĩnh vực Khoa học và Giáo dục, đào tạo kỹ sư chất lượng cao và thế hệ tương lai của VN. Năm 2013 đã xây dựng được Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành, tại Bình Định. Qua các buổi hội thảo, thuyết trình chắc rằng đã làm cho nhiều nhà khoa học VN hiểu sâu hơn về Cơ học lượng tử và Thuyết tương đối, về Định lý Bất toàn, về vật chất và năng lượng tối, về lỗ đen trong vũ trụ, về cuộc CM 4.0 v.v…
Kết quả, dù sao cũng có, nhưng hiệu quả e rằng quá thấp. Chi phí gồm công sức, tiền của, thời gian bỏ ra khá nhiều (thí dụ 100), nhưng phần thu được chỉ khoảng 5 đến 10. Mà đáng ra phần thu được phải trên 100 thì mới có lãi. Người ta tổng kết thấy rằng 1 đồng đầu tư cho khoa học có thể thu về trên 2 đồng lãi. Thực ra phần chi phí có thể tính tươg đối chính xác, nhưng phần thu được rất khó đánh giá vì phần lớn là vô hình và thể hiện ra trong tương lai. Tôi đưa ra con số 5 đến 10 chỉ là theo chủ quan, dựa vào những biểu hiện trong thực tế. Không biết những người tổ chức và chịu trách nhiệm có con số nào khác hay không.
Tại sao hiệu suất quá thấp? Tại vì: “Môi trường chưa thích hợp với hạt giống”. Để cho một sinh vật phát triển cần có giống tốt kết hợp với môi trường thich hợp. Nếu hạt giống tốt, cần đất tơi xốp và mưa thuận gió hòa mà được gieo trên đất cằn khô, thời tiết khắc nghiệt thì nẩy mầm được đã khó, hy vọng nó cho hoa thơm quả ngọt là không tưởng. Ở đây không phải là giống của cây hoặc con mà là Hạt giống Khoa học.
Qua các lần gặp gỡ, hạt giống tốt khoa học, do bạn bè quốc tế mang đến là nhiều, nhưng môi trường của VN chưa phù hợp để tiếp nhận nên chỉ có một số rất ít nẩy mầm và phát triển èo uột, còn phần lớn bị thui chột. Viết rằng “Khoa học vì sự phát triển”, nhưng cụ thể phát triển cái gì. Nếu là để phát triển xã hội nói chung, thì quan trọng nhất là Giáo dục và Đạo đức. Thế mà đã qua 25 năm làm chương trình gặp gỡ, giáo dục và đạo đức ở VN ngày càng xuống cấp. Xét cho cùng, để phát triển đất nước thì Khoa học Xã hội quan trọng và quyết định hơn Khoa học Tự nhiên, mà quan trọng nhất có lẽ là Khoa học Quản lý xã hội chứ không phải Khoa học Toán, Lý, Hóa, Thiên văn… Đành rằng các môn vừa kể cũng rất cần.
Các nhà khoa học quốc tế mang đến những hạt giống đã được thử thách và phát triển tốt ở môi trường của nước họ. Đó là môi trường tự do tư tưởng, tự do sáng tạo, là nền giáo dục khai phóng, đào tạo ra những con người tự do, là nền kinh tế phát triển đúng hướng, đủ sức hỗ trợ cho những sáng tạo v.v… Liệu đã có mấy người nghiên cứu môi trường Việt Nam, nơi chưa có được một phần nhỏ các điều kiện cần và đủ cho sáng tạo như ở nước họ. Liệu một hạt giống phát triển rất tốt ở nước họ, mang đến gieo vào đất Việt có nẩy mầm được không.
Ông GS Gerard ‘t Hooft khuyến cáo, “chúng ta phải có một hệ thống giáo dục đúng cho người dân. Ngay cả những người đoạt giải Nobel thì ngay từ tiểu học phải được hưởng 1 nền giáo dục đúng cách”. Thế nhưng nền GD của VN trong mấy chục năm qua thế nào? Hết kêu gọi cải cách đến đổi mới, nhưng vì bị ý thức hệ khống chế mà vẫn ngụp lặn trong bế tắc.
GS Finn Kydland cho rằng, “nền kinh tế mỗi quốc gia phụ thuộc vào thể chế của nước đó”. Ông còn nói: “Khi một quốc gia không có các thể chế, yêu cầu để có thể cam kết các chính sách tốt cho khoa học công nghệ thì khó để tác động trong ngắn hạn cho sự phát triển, thậm chí có thể gây tác động xấu cho xã hội”.
Vậy “Thể chế Toàn trị của Đảng” với định hướng XHCN, với sự đàn áp bất đồng chính kiến và dân oan, với tuyên truyền dối trá, với sự lệ thuộc vào Trung Cộng, với thói tham nhũng và mua quan bán chức bao trùm, thì liệu khoa học có được tự do sáng tạo và có điều kiện phát triển ngang tầm với những nước có nền dân chủ?
Những điều mà các nhà khoa học như GS Gerard, GS Kydland và nhiều người nổi tiếng khác nói ra, không phải chúng ta không biết, nhưng biết mà không làm được. Nếu chỉ nói thì không khéo chúng ta có nhiều người nói còn hay hơn, viết nghị quyết còn giỏi hơn.
Nói rằng các Hội thảo nhằm truyền cảm hứng, nhưng không khéo đó chỉ là cảm hứng để chém gió, vì thế trong khi các khoa học gia bàn chuyện vật chất tối, năng lượng tối thì công nghệ chưa làm được các ốc vít tinh xảo, trong lúc các khoa học gia nghe thuyết trình và thảo luận về hạt cơ bản có đời sống dưới một phần ngàn giây và lý thuyết xoắn thì nhiều nông dân cặm cụi sáng chế ra các máy móc phục vụ nông nghiệp, các quan chức lo vơ vét của cải, bọn lợi ích nhóm lo nghĩ mưu mô, liên kết với kẻ có quyền cướp đoạt tài sản của dân lành và hủy hoại môi trường. Trong khi nói đào tạo thế hệ tương lai cho VN thì không có cách gì ngăn nạn chảy máu chất xám, nạn hủy hoại tinh hoa, mà nó xẩy ra ngày càng trầm trọng bằng nhiều nguồn khác nhau, mà rồi nhiều người vừa ngu, vừa tham vẫn nắm được độc quyền thao túng xã hội bằng những mưu ma chước quỷ.
Đã có một số kiến nghị rằng, để phát triển đất nước đúng hướng thì điều kiện cần trước nhất là cải cách thể chế, xây dựng chính thể dân chủ với tam quyền phân lập. Có được nền tảng ấy thì những Chương trình gặp gỡ VN mới có hiệu quả, còn không thì công sức của những người như GS Trần Thanh Vân là rất lớn mà hiệu quả rất bé.
Nhưng rồi tôi vừa kính phục vừa mừng cho GS Vân vì chơi với CSVN mà GS tránh được nạn thiệt thân như ông Trịnh Vĩnh Bình ở Hà Lan. Ông Bình cũng từ lòng yêu nước, nghe theo lời kêu gọi đóng góp để phát triển đất nước mà bị mắc vào lừa bịp, đến mức phải ở tù, mất sản nghiệp. Ông Bình cũng chưa đến mức như GS Nguyễn Duy Xuân, nhà khoa học lớn về Nông nghiệp và Đồng bằng Nam Bộ, thầy của GS Võ Tòng Xuân, vì yêu nước, vì nguyện vọng phát triển đất nước, nhưng lại không biết dối trá để khom lưng quỳ gối mà bị chết ở trong tù, năm 1986, lúc mới 63 tuổi, bị giam liên tục trên 10 năm, từ tháng 5/1975 với chiêu bài học tập cải tạo. Một nhà khoa học lớn, không phạm một tội gì, không được xét xử, chỉ vì lòng yêu nước mà không di tản, bị dụ dỗ đi học tập cải tạo một thời gian ngắn rồi bị cầm tù cho đến chết. Trong lúc GS Vân lo đi mời các nhà khoa học thế giới đến VN dự hội thảo vài buổi thì nhà tù, thể chế VN hủy hoại nhiều nhà khoa học trong nước một cách oan khuất.
Gặp gỡ Việt Nam, ngoài những chương trình như của GS Trần Thanh Vân, nếu có ai, khi nào tổ chức được chương trình để mời những người như Trịnh Vĩnh Bình, vong hồn Nguyễn Duy Xuân, cùng những tinh hoa dân tộc đang bị hủy hoại hoặc bị lãng quên để thảo luận về sự phát triển đất nước, thì chắc sẽ được hưởng ứng rộng rãi.
Thưa g.s.Nguyễn Đình Cống,
Chắc giáo sư thừa hiểu rằng đảng CS.khắp nơi trên thế giới sở dĩ tồn tại được
là nhớ 2 cột trụ sau đây đóng vai trò then chốt.Đó là :
-tuyên truyền lừa bịp không những dân trong nước mà còn nước ngoài qua một
số nhà khoa bảng VN.(tay sai đảng CS.) du học hay sống ở nước ngoài.
-khủng bố bằng lực lượng công an và quân đội (phải trung với đảng).