Về việc giải quyết khiếu kiện ở Thủ Thiêm

FB Trần Vũ Hải

10-5-2018

Xác định tính pháp lý và chính xác các bản đồ quy hoạch Khu Đô Thị Thủ Thiêm (KĐTTT) ảnh hưởng thế nào đến việc giải quyết các khiếu kiện còn tồn đọng liên quan Dự án này?

Dự án KĐTTT ảnh hưởng đến hàng chục nghìn dân ở quận 2, TP Hồ Chí Minh, đã có rất nhiều khiếu kiện căng thẳng và kéo dài khi triển khai dự án này, đặc biệt từ năm 2007. Đến nay vẫn còn ít nhất 100 hộ dân khiếu kiện, đại đa số họ đều khẳng định nhà đất của họ không nằm trong ranh quy hoạch KĐTTT theo Quy hoạch 1/5000 đã được Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt theo Quyết định 367 ngày 4/6/1996. UBND TP HCM đã căn cứ Quyết định 367 này để ra quyết định 1997 ngày 10/5/2002 thu hồi 621 ha (làm tròn) để xây dựng KĐTTT.

Chính quyền các cấp tại TPHCM đã căn cứ vào Quyết định 1997 là căn cứ chủ yếu (thực tế là duy nhất) để thu hồi nhà đất các hộ dân này. Do quyết định 367 ban hành khi Luật đất đai 1993 (sửa đổi 1998) đang có hiệu lực, nên TPHCM ra nhiều văn bản áp dụng theo Nghị định 22 năm 1998 của Chính Phủ để thực hiện việc thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các hộ dân này, trong khi việc triển khai thu hồi đất Dự án KĐTTT chủ yếu diễn ra sau 2007.

Để chứng minh nhà đất của họ không thể nằm trong ranh quy hoạch KĐTTT, các hộ dân đã đưa ra các bản đồ quy hoạch đã được chính UBND TPHCM phê duyệt và công bố cho nhân dân ngay trước và sau thời điểm ban hành Quyết định 367 năm 1996 của Thủ tướng là:

1/ Quyết định số 785 ngày 10/2/1995 của UBNDTPHCM (QĐ785) phê duyệt quy hoạch huyện Thủ Đức (được tách ra thành quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức năm 1997) tầm nhìn 1995-2010 đã quy hoạch khu đô thi Thủ Thiêm – An Khánh với diện tích 650 ha, có bản đồ quy hoạch kèm theo. Theo các hộ dân, đối chiếu bản đồ này, họ nằm ngoài quy hoạch khu đô thị này.

2/ Quyết định số 255 ngày 15/1/1998 của UBND TPHCM (QĐ255) , phê duyệt quy hoạch không bán nhà thuộc sỡ hữu nhà nước trên địa bàn quận 2 để thực hiện Nghị định 61/1994 về bán nhà thuộc sỡ hữu nhà nước. Theo nghị định 61 này, chưa thực hiện việc bán nhà thuộc sỡ hữu nhà nước nếu thuộc khu vực đã được quy hoạch hoặc đang làm đồ án quy hoạch. Bản đồ kèm QĐ255 đã chỉ ra các khu vực không được bán nhà nước (tức có quy hoạch hoặc đang làm đồ án quy hoạch), trong đó có khu vực quy hoạch khu trung tâm đô thị mới tương ứng KĐTTT. Các hộ đang khiếu kiện cho biết vị trí Khu Trung tâm đô thị mới (tức KĐT TT) chính là vị trí Khu đô thị Thủ Thiêm – An Khánh theo bản đồ quy hoạch kèm theo QĐ785 và hầu hết họ nằm ngoài các khu quy hoạch không được bán nhà, tức ngoài quy hoạch khu ĐTM TT.

UBND TPHCM nhiều lần trả lời không còn lưu lại bản đồ gốc quy hoạch 1/5000 theo QĐ367 trên, nhưng không thừa nhận sai trong việc thu hồi đất của các hộ dân tại Dự án này.

Gần đây một số hộ dân khiếu kiện sưu tầm thêm bản đồ quy hoạch liên quan đến Khu Đô Thị Thủ Thiêm như ông Lê Văn Lung đã đưa cho báo chí tấm bản đồ ghi cụ thể “Quy hoạch xây dựng Khu đô thị Thủ Thiêm – Tổng quy hoạch”, phía dưới ghi rõ các cơ quan chức năng đóng dấu xác nhận gồm: Sở Xây dựng và Công ty Dịch vụ phát triển đô thị với ký hiệu bản vẽ KT-06, ngày 12/6/1995, tỷ lệ 1/5000. Theo bản đồ này, các hộ dân đang khiếu kiện xác định nhà đất của họ không nằm trong KĐTTT.

Ngày 6/5/2018, ông Võ Viết Thanh, cựu Chủ tịch UBND TPHCM, là Phó Chủ tịch UBNDTPHCM thời điểm ban hành Quyết định 367 năm 1996 của Thủ tướng, đã công bố 13 bản đồ kèm theo hồ sơ trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch 1/5000 KĐTTT. Theo ông Lung, trong đó có bản vẽ tổng mặt bằng quy hoạch cũng đề ngày 12/6/1995 giống như bản đồ tổng quy hoạch mà ông Lung đã cung cấp cho báo chí.

Như vậy đủ cơ sở để nhận định, nhà đất của đại đa số các hộ dân đang khiếu kiện không nằm trong ranh quy hoạch KĐTTT theo QĐ367 năm 1996 của Thủ Tướng.

Theo pháp luật đất đai (gồm cả các luật đất đai 1993, 2003 lẫn 2013), việc thu hồi đất phải trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt trước đó. Như vậy, nếu trước đó nhà đất của các hộ dân đang khiếu kiện không nằm trong quy hoạch KĐTTT (theo QĐ367 năm 1996 của Thủ tướng), thì chính quyền các cấp TPHCM không được thu hồi nhà đất của họ nếu dựa trên Quy hoạch theo QĐ367 này. Tức việc thu hồi đất theo QĐ1997 năm 2002 dựa trên quy hoạch theo QĐ367 không có giá trị pháp lý đối với họ, đơn giản vì nhà đất của họ không trong phạm vi điều chỉnh quy hoạch của QĐ367.

Một số quan chức nói, hiện Dự án KĐTTT đang được triển khai theo quy hoạch theo Quyết định 6565/QĐ-UBND ngày 27/12/2005 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu trung tâm ĐTMTT tỷ lệ 1/5000. Trong đó, Quy mô gồm Khu trung tâm ĐTMTT 737 ha; Khu đô thị phát triển mới 657 ha; Khu đô thị chỉnh trang 80 ha. Bản thân quyết định ghi thay thế quyết định 367 năm 1996 của Thủ tướng. Nếu lập luận này là đúng, vậy phải xác định nhà đất của các hộ dân đang khiếu kiện nằm trong Quy hoạch KĐTTT bắt đầu từ năm 2005?

Nếu đúng như vậy, không thể sử dụng QĐ1997 năm 2002 để thu hồi đất các hộ dân đang khiếu kiện. TPHCM muốn thu hồi đất của các hộ dân này, phải ra các quy định thu hồi đất và phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân này theo các quy định của luật đất đai và các văn bản thi hành luật đất đai đang có hiệu lực tại thời điểm ra quyết định thu hồi đất.

Cụ thể với các hộ dân này, nếu chính quyền TPHCM muốn thu hồi đất của họ sau khi có quy hoạch theo QĐ 6565 năm 2005 của UBND TPHCM họ phải tuân thủ Luật đất đai 2003 (có hiệu lực từ 1/7/2004). Tức phải ban hành quyết định thu hồi đất đến từng hộ dân và phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo Luật đất đai 2003 và các văn bản hướng dẫn luật này, chứ không được sử dụng quyết định 1997 năm 2002 nêu trên và các văn bản, chính sách áp dụng nghị định 22 năm 1998 để thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (mà các hộ dân cho rằng quá rẻ mạt và thấp hơn hẳn giá thị trường). Thế nhưng chính quyền các cấp TPHCM đã khăng khăng cho rằng mình đúng, không làm theo những bước trên theo Luật đất đai 2003, đây mới là nguồn cơn cho việc kéo dài khiếu kiện của các hộ dân.

Tóm lại, nếu xác định đúng các hộ dân đang khiếu kiện không nằm trong ranh quy hoạch KĐTTT theo QĐ367 năm 2002 (mà đến nay đủ cơ sở để khẳng định), chính quyền TPHCM đã thực hiện việc thu hồi đất và những bước tiếp theo (như bồi thường, cưỡng chế..) sai so với luật Đất đai 2003. Chính quyền TPHCM cần thừa nhận sai mới có thể mới có các bước tiếp theo để giải quyết khiếu kiện của các hộ dân này một cách có tình có lý, chấm dứt hành loạt vụ khiếu kiện dai dẳng và phức tạp, để chú tâm xây dưng một Khu Đô Thị mới Thủ Thiêm hiện đại và “nhân văn, thông minh”.

Bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Zing
Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Học Giả Nguyễn Duy

    con ơi mẹ dặn câu này
    cướp đêm là giặc cướp ngày là quan – (ca dao xưa)

    Cướp xưa băng nhóm làng nhàng
    cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi
    có con dấu đóng đỏ tươi
    có còng có súng dùi cui nhà tù

    cướp xưa lén lút tù mù
    cướp nay gióng trống phất cờ phóng loa
    con trời bay lả bay la
    cướp trên bàn giấy cướp ra cánh đồng

    dân oan tuôn lệ ròng ròng
    mất nhà mất đất nát lòng miền quê
    tiếng than vang động bốn bề
    cướp từ thôn xóm tiến về thành đô

    ai qua thành phố Bác Hồ
    mà coi cướp đất bên bờ Thủ Thiêm
    bây giờ mẹ phải dặn thêm
    quan tham là cướp cả đêm lẫn ngày.

    Nguồn Mạng.

  2. Đảng ta là đảng cầm quyền luôn thực hiện theo di chúc của hồ chủ tịt ,cần kiệm liêm chính chí công vô bao .nên nói như thanh tra chính phủ ” ĐẢ SAI THÌ PHẢI SỬA ” vâng theo tôi cũng rất dể tất cả những quan chức nào làm sai thò tay ký vào các quyết định sửa đổi quyết định 367 của thủ tướng Vỏ văn Kiệt không đúng luật thì phải móc tiền túi ra đền cho dân không đũ thì bán nhà bán dinh thự đi mà đền còn không đủ thì thiếu bao nhiêu kêu án bắt giam bấy nhiêu năm để mà trừ những anh tài nguyên môi trường quy hoạch ,nhà đất ,kế hoách đầu tư ,sở xây dụng ủy ban các cấp chánh phó chủ tịch và chủ tịch ,bí thư thời kỳ 1997-đến 2018 phải tróc nã truy ra tận hang ổ bọn mafia tham nhũng nầy ,các cty trúng thầu làm đường phải thẩm tra lại ,ai cho các ông làm đường 1km lên đến hơn 1000 tỷ đồng ,các ông dát vàng con đường hay trãi nhựa beton asphalte , toàn thể đồng bào thủ thiêm phải quyết tâm với ý chí quyết chiến quyết thắng thì mới đánh đỗ lũ tham quan ác bá nầy, số trời đả định cho chúng nó ,cái giá phải trả là nhà tù chung thân ,hảy tung mọi bằng chứng hiện có ,hãy đưa tất cả lũ sói ma cà rồng nầy vào chảo lửa ,vì nước mắt người dân đả chứa đầy hàng trăm m2 đất ,

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây