10-5-2018
Sáng nay, tôi nhận được e.mail của bạn Nguyễn Mạnh Hùng, Thư ký của GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng – Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, kiêm Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương. Mạnh Hùng trước đây cũng ở Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (VASS), được đồng nghiệp đánh giá là người có năng lực, thẳng thắn, trung thực.
Mạnh Hùng muốn nhờ tôi chuyển một thông điệp dưới dạng thư ngỏ gửi GS. Trần Hữu Dũng, lên trang của mình. Trong File gửi kèm e.mail, Mạnh Hùng đã giải thích đôi điều về lý do có một số chi tiết trùng lặp gữa các bài báo ký tên GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng với một vài bài viết đã được công bố trước đó.
Để rộng đường dư luận và tránh oan sai, có thể ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của một nhà khoa học, tôi quyết định sẽ đăng trên trang nhà. Dưới đây là toàn văn bài viết của bạn Nguyễn Mạnh Hùng.
Kính gửi GS. Trần Hữu Dũng!
Mấy ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền một bảng so sánh được dẫn nguồn từ trang Vietstudies của GS Trần Hữu Dũng, đặt ra câu hỏi hoài nghi về khả năng “đạo văn” của GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Trong Blog Xuân Diện Hán Nôm và trên trang Facebook của mình, một số người cũng đặt ra câu hỏi tương tự. Nhận thấy đây là vấn đề nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, chúng tôi viết thư này xin làm rõ mấy điểm sau:
1. Theo quy định từ trước đến nay, những bài diễn văn của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong các lễ kỷ niệm đều do các nhóm chuyên gia từ những viện chuyên ngành chuẩn bị, dựa trên ý tưởng của Thủ trưởng. Nhân kỷ niệm 148 năm ngày sinh V.I. Lênin, PGS.TS. Nguyễn An Ninh được phân công chấp bút những ý tưởng của GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng về việc vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác trong bối cảnh lịch sử cụ thể của nước Nga những năm đầu cách mạng. Là người có nhiều năm nghiên cứu về V.I. Lênin và CNXH, PGS.TS. Nguyễn An Ninh đã từng có bài viết “Chính sách kinh tế mới của Lê nin – một cơ sở lý luận quan trọng của đổi mới ở Việt Nam”, được đăng trên Tạp chí cộng sản số ngày 21/4/2015. Chính vì vậy, trong quá trình hiện thực hóa những ý tưởng của đồng chí Giám đốc Học viện, đã không tránh khỏi một số đoạn trùng lặp hoặc diễn đạt tương đồng. Về nguyên tắc, đây là phát ngôn chính thức của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh mà đồng chí Giám đốc là người đại diện nên dưới bài báo mới ký tên GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng.
2. Bài báo “Giá trị tư tưởng, lý luận và sức sống của chủ nghĩa Mác trong thời đại ngày nay” (Báo Xã hội, 5-5-18) trên thực tế cũng được biên tập lại từ phát biểu đề dẫn được GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng trình bày trong lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh Karl Marx và bài này cũng được đăng trên báo Nhân dân, sau đó báo Xã hội đã dẫn lại. Trong quá trình chuẩn bị bài phát biểu này, nhóm chuyên gia đã tham khảo nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Đây là bài phát biểu đề dẫn, sau do yêu cầu của nhiệm vụ chính trị lúc bấy giờ, Tổ Thư ký đã gửi gấp sang báo Nhân Dân nhưng chưa rà soát lại kỹ lưỡng về sự trùng lặp cũng như chú thích nguồn.
3. Như vậy, cả hai bài báo trên đây đều bắt nguồn từ những bài phát biểu đề dẫn được nhóm Trợ lý chuyên môn và Tổ Thư ký chuẩn bị cho các lễ kỷ niệm thường niên của Học viện chứ không phải là các bài nghiên cứu để đăng trong các tạp chí chuyên ngành. Dù sao, những sơ suất của nhóm Trợ lý chuyên mônvà Tổ Thư kýlà rất đáng tiếc. Điều đó đã ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, một nhà khoa học có nhiều đóng góp cả về lý luận và thực tiễn. Chúng tôi đã nghiêm túc rút kinh nghiệm và xin lỗi GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng về vấn đề này.
4. Với lá thư này, thông qua trang Blog Xuân Diện Hán Nôm và các trang mạng xã hội khác, chúng tôi muốn gửi tới GS. Trần Hữu Dũng cùng các bạn đọc lời xin lỗi chân thành và mong được thông cảm. Đây cũng là bài học để trong thời gian tới, chúng tôi có thể làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.
Thay mặt Tổ Thư ký và nhóm Trợ lý chuyên môn:
Nguyễn Mạnh Hùng.
xào qua xáo lại