10-5-2018
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7, nhiều ý kiến cổ vũ bổ nhiệm Bí thư Tỉnh uỷ không là người địa phương. Lí lẽ của các UVTW, phần lớn cho rằng, họ sẽ không bị ràng buộc bởi họ hàng, huyết thống hoặc đồng hương, quen thân…
Kể ra thì đó cũng là một giải pháp để hạn chế nạn chạy chức, chạy quyền… Nhưng, suy cho cùng giải pháp này cũng chỉ là tình thế ngắn hạn. Bởi, khi người đứng đầu tham lam, cựa quyền, thì anh ta có đầy đủ các cửa để bán, có đầy đủ thủ đoạn để thao túng, cần chi phải có người thân, họ hàng. Không bổ nhiệm anh em mình ở nơi mình công tác thì trao đổi với đồng chí đứng đầu địa phương khác. Anh giúp tôi, tôi giúp anh.
Bán chức, bán dự án, bán quy hoạch, bán tuổi…
Tại sao người đứng đầu làm được việc đó?
Vì họ có quyền lực quá lớn. Vì không có sự giám sát thực sự của nhân dân và báo chí.
Hễ có đơn của công dân thì lập tức công dân bị mua chuộc, trù dập, doạ dẫm. Nếu có báo chí phản ánh thì nhà báo bị coi là phản động, phá hoại…
Chính tôi từng bị người có chức quyền cho là phản động.
Khi người đứng đầu coi ai đó là phản động thì lập tức phần lớn cấp dưới đều coi như vậy, nhất là lớp cán bộ chuyên nịnh hót, bưng bô.
Bí thư tỉnh uỷ không là người địa phương. Thự ra đã có nhiều người đóng vai này theo chủ trương luân chuyển cán bộ. Nhưng, mấy ai sống chết với địa phương. Phần lớn trong số họ cố gắng giữ hoà khí, kiếm tí thành tích để thăng tiến tiếp.
Đi cơ sở coi như là tắm bùn, cố lấm lưng để trung ương đánh giá có “lăn lộn” mong sớm được quay về.
Tôi thấy, điều mà những bí thư đi cơ sở sợ nhất là “mất đoàn kết”. Do vậy, họ tròn trĩnh để “giữ vững đoàn kết”. Như vậy thì làm sao mà dám đột phá, dám sống chết với địa phương.
Từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động cuộc chiến chống tham nhũng và đã xử lí rất nhiều cán bộ cấp cao, ở các tỉnh, đã có bí thư nào dám xử lí cán bộ tham nhũng chưa?
Câu trả lời là chưa.
Muốn xử lí thì trước hết người đứng đầu phải sạch, phải có bản lĩnh, phải vì lợi ích chung và phải hết sức khôn khéo. Nhưng, biết có mấy người có đủ các yếu tố đó.
Có bí thư tỉnh nào dám cổ vũ báo chí phanh phui tham nhũng, tiêu cực để xử lí? Hay cố vỗ về, thậm chí doạ dẫm để bịt miệng báo chí?
Trở lại với ý kiến bí thư tỉnh uỷ không là người địa phương. Tôi vẫn thấy các ý kiến mới chỉ bàn ở phần ngọn mà chưa có một giải pháp căn cơ.
“Nhốt quyền lực”, cá nhân tôi vẫn chưa thấy chiếc “lồng” nào hiệu quả.