Trò hề chống tham nhũng bằng “hồi tỵ”

FB Huỳnh Ngọc Chênh

9-5-2018

Đang rộ lên chuyện sử dụng luật Hồi Tỵ để ngăn ngừa tệ nạn gia đình trị và tham nhũng trong bộ máy cầm quyền. Đó là việc sai bét và không thể nào thực hiện, trong khi việc rất đơn giản để chống nạn tham nhũng là công khai tài sản các quan chức mà làm gương là ông Nguyễn phú Trọng và tiếp theo là 200 ủy viên trung ương đảng như thư đề nghị của các nhân sỹ và đảng viên gởi đến hội nghị trung ương 7 vừa qua là rất khả thi.

Khi tài sản được công khai, người dân sẽ giám sát, kiểm tra và chỉ ra được những tài sản còn che giấu nếu có của các quan chức. Ai còn che giấu tài sản thì đó là tham quan, cho điều tra xác minh và đưa vào “lò” được ngay, nếu đảng thực tâm chống tham nhũng.

Hoặc qua những tài sản lớn mà quan chức có được, như biệt phủ hàng trăm tỷ, siêu xe hàng chục tỷ, yêu cầu chứng minh nguồn gốc, nếu tài sản cho rằng phát sinh nhờ kinh doanh thì yêu cầu chứng minh nguồn gốc lợi nhuận doanh nghiệp và tiền nộp thuế tương ứng với tài sản phát sinh… qua đó thì điều tra ra khối tay tham quan.

Chuyện dễ như thế mà cứ cố tránh né, lại nêu lên việc bất khả thi và sai trái với pháp luật là áp dụng lại luật hồi tỵ có từ cách đây mấy trăm năm chỉ đúng với chế độ phong kiến.

Thời phong kiến, tất cả mọi chức quan từ bé đến lớn đều do vua bổ nhiệm hoặc ủy quyền bổ nhiệm nên vua muốn đưa ra quy định gì cũng được, như không dùng người tại địa phương mình và địa phương vợ làm quan, không cho phép quan tậu nhà đất, cưới vợ hoặc làm thông gia tại địa phương cai quản .v.v…

Còn bây giờ cái chế độ đảng trị nhưng làm ra vẻ dân chủ thì không thế nào đưa ra những quy định trái nghoe với pháp luật và vi phạm quyền công dân như vậy được.

Các chức bí thư đảng là của đảng thì đảng muốn phân đi nhậm chức ở đâu cũng được, nhưng đảng có được phép cấm các cán bộ đó mua nhà đất, di chuyển gia đình giòng họ, lấy vợ chồng, làm sui gia tại địa phương chính họ cai quản không? Không được, vì sai luật hôn nhân gia đình, xâm phạm đời tư công dân, xâm phạm quyền sở hữu nhà ở và nhiều điều luật hiện hành khác.

Bên cạnh quan bí thư thì còn có cả một bộ máy cai quản gọi là do dân cử gốm chủ tịch, các phó chủ tịch, các giám đốc sở, trưởng phó các phòng ban…làm sao đảng có quyền điều người từ địa phương khác đến được.

Chẳng hạn như thành phố Đà Nẵng quê tui, các chức chủ tịch, phó chủ tịch, giám đốc các ban ngành là người phải trúng cử vào hội đồng nhân dân thành phố, rồi từ đó mới được bầu lên. Vậy thì theo “hồi tỵ” một bộ phận không nhỏ những người ra ứng cử vào hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng phải là người ở các tình thành khác và không có quê gốc tại Đà Nẵng. Chỉ chừng đó thôi đã thấy sai bét khi áp dụng luật hồi tỵ. Hoặc muốn áp dụng nó thì phải thay đổi hiến pháp, thay đổi luật bầu cử…hề hề.

Mà “hồi tỵ” chỉ áp dụng cho mỗi chức bí thư đảng, còn không áp dụng vào các chức danh chính quyền thì chẳng có ý nghĩa gì cả.

Do vậy nói đến hồi tỵ chỉ là trò hề mua vui.

Hãy phòng và chống tham nhũng, bắt đầu từ việc công khai tài sản các quan chức ông Trọng ạ, và ông là người đầu tiên nên làm gương.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Một vài cán bộ từ xa đưa đến sẽ bị lực lượng tại chỗ cô lập. Theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, họ sẽ bị loại ngay. Nếu trên bổ nhiệm không qua bầu cử thì những người tại chỗ không phục tùng, sớm muộn gì cũng phải cuốn gói ra đi. Rừng nào cọp nấy đã trở thành thói quen của quan chức địa phương rồi.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây