Sự ra đi của một trí thức

FB Luân Lê

9-5-2018

GS Trương Nguyện Thành Ảnh: TTT

Trong những ngày vừa qua, phải nói rằng, dư luận đã có nhiều ý kiến và quan điểm rất trực tiếp về sự ra đi bất đắc dĩ, nhưng hoàn toàn có thể thay đổi được thực tế oái oăm đó, của một vị giáo sư người Mỹ đã học tập, nghiên cứu và giảng dạy hơn ba mươi năm tại một đất nước văn minh nhất thế giới và hiện đang công tác tại ngôi trường đại học nổi tiếng hàng đầu thế giới, Utah.

Vị giáo sư với bề dày thành tích từ học tập cho đến việc nghiên cứu khoa học, giảng dạy các thế hệ sinh viên trên đất Mỹ, cùng một vị thế được tôn trọng ở mức cao nhất trong thang bậc nghề nghiệp về mặt học hàm đối với hệ thống giáo dục Hoa Kỳ. Nhưng khi trở lại quê hương, bằng lòng nhiệt thành cùng sự kỳ vọng về một sự đổi mới thật tâm trước nền giáo dục nước nhà đang ngày càng rơi vào sự khủng hoảng và bế tắc, chỉ sau một năm gây ồn ào, ông đã phải khăn gói ra đi trước sự tiếc nuối và ngỡ ngàng của hầu hết công chúng quan tâm đến lĩnh vực “trồng người” này.

Vụ việc có lẽ đã không quá gây chú ý và trở nên là một cú sốc đối với giáo dục, nếu đó không chỉ là vì hai vấn đề hết sức mâu thuẫn và nghịch lý sau: thứ nhất, ông trở về là theo lời mời và kêu gọi của những người làm quản lý, lãnh đạo trong nước với mong muốn tiếp thu các tri thức học thuật lẫn kinh nghiệm đào tạo từ hệ thống đứng đầu thế giới hiện nay, ông đã theo về bằng sự ngây thơ của một con người trong sáng; thứ hai, đó là những khẩu hiệu lớn lao kèm theo các gói dự án tốn kém hàng ngàn tỷ về cải cách toàn diện nền giáo dục năm nào cũng chỉ đem lại thất bại cùng với các tổn thất đầy đau đớn, với hiện tượng èo uột của lực lượng giảng viên, giáo viên và tình trạng chảy máu chất xám không có dấu hiệu giảm bớt, giáo dục cần có sự đóng góp và cống hiến tận tâm, tận lực của nhân tài từ trong nước tới nước ngoài. Đó là lý do mà vị giáo sư đó trở về quê hương, đất nước mình để hòng góp sức một phần nhỏ mọn cho nền giáo dục ở bậc đại học cũng như sau đại học để có thể thay đổi theo hướng tích cực hơn lên cũng như sẽ tiếp cận được với tri thức nhân loại mà khiến họ đã vượt đi rất xa so với chúng ta.

Nhưng cuối cùng là cái cúi đầu ra đi trước sự ê chề của chính cơ chế mà ông đã tin rằng nó cởi mở để đón chào những con người muốn tận hiến cho công cuộc xây dựng “nguyên khí quốc gia” mà chúng ta đang ngày càng thiếu hụt trầm trọng.

Ở một quốc gia đứng đầu toàn cầu về giáo dục cũng như các chỉ số về sự thịnh vượng lẫn văn minh, ông là một chuyên gia được đánh giá cao và trọng dụng, nhưng ngay tại mảnh đất máu thịt của mình, với những lời mời gọi có vẻ tha thiết về một sự hồi hương lẫn tâm thức cống hiến từ trí thức thời đại đối với xã hội ngày càng tha hoá và lụn bại, ông lại bị ruồng bỏ một cách đầy cay đắng, thậm chí đến mức tủi hổ vì đó là một thất bại như một sự sỉ nhục đối với một người trí thức.

Chúng ta có thể học hỏi ở đâu và những điều gì khi nhìn ra xung quanh mà thực rất gần gũi với chúng ta về công tác giáo dục, ở ngay châu Á này? Đó chính là Nhật Bản.

Đất nước mặt trời mọc, cách đây khoảng chừng một thế kỷ rưỡi, đã biết cách đoạn tuyệt lối học tầm chương trích cú và nặng về thi cử, nhồi nhét kiến thức để làm quan theo kiểu phong kiến xưa kia, chính quyền của họ đã cải cách thực tâm bằng các chính sách rất cụ thể và quyết liệt: họ thuê các chuyên gia giáo dục ở các quốc gia tiên tiến trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan về giảng dạy và thiết kế chương trình học của họ trên toàn cõi Nhật Bản; họ dịch sách giáo khoa của những nước này về làm chuẩn cho hệ thống đào tạo trên cả nước ở toàn bộ các bậc học; họ gửi người đi nghiên cứu và học hỏi ở các quốc gia này để có những nhà khoa học có trình độ. Với những chính sách đầu tư cụ thể và cởi mở, nền giáo dục quốc dân Nhật Bản đã lột xác và trở mình thay đổi đến kinh ngạc. Đến nay, thành quả của hệ thống giáo dục Nhật Bản đã đem lại ngoài sức tưởng tượng, đó là hàng loạt những phát minh vượt bậc so với không chỉ trong châu lục mà còn vươn tầm thế giới, ít nhất về số lượng các ấn phẩm nghiên cứu, sáng chế luôn ở hàng đầu so với các quốc gia phát triển khác trên toàn cầu.

Tiếp bước theo đó, Hàn Quốc, một nước thuần Á đông và cũng với mong muốn thoát khỏi tâm thế một nước nhược tiểu và bị khinh bỉ vì nghèo hèn, họ đã lấy toàn bộ chương trình giáo dục của Nhật về làm của mình (từ khung đào tạo ở các bậc học đến các loại sách được dùng để giảng dạy lẫn cách đầu tư cho lực lượng chuyên gia) đã khiến xứ sở này cũng trở thành một quốc gia phát triển rực rỡ ngang tầm với đất nước mặt trời mọc, đất nước đã đi trước họ mà là kinh nghiệm quý báu cho họ học hỏi ngay tiếp theo sau.

Chúng ta nhìn thấy sự thay đổi toàn diện đó hoàn toàn là dựa vào tính nghiêm túc trong việc cầu thị để thay đổi bản thân mình ở các quốc gia này. Còn chúng ta dường như chỉ thấy hô hào các khẩu hiệu thật lớn và rồi “đánh trống bỏ dùi” hay “trăm voi không được bát nước xuýt”. Cứ hết dự án này tới các cuộc hội thảo khác, hết quốc gia nọ tới châu thổ kia, nhưng cuối cùng là chúng ta không tiếp thu hay học hỏi được bất cứ giá trị tốt đẹp nào của bất kỳ một chương trình cải cách giáo dục nào từ các quốc gia mà chúng ta ngày đêm kêu gào học hỏi.

Có lẽ đó dường như là một quán tính về sự trì trệ, tính gian trá (lưu manh) trong giáo dục, tính kiểm soát vô lối trong chính trị (mang tính hành chính), đã đẩy giáo dục đến bờ vực của sự suy đồi, thoái hoá, hơn hết là chúng ta không thực tâm chữa trị các căn bệnh đang dần di căn vào xương tuỷ của nền giáo dục này mà chỉ muốn đánh bóng và tạo nên sự hào nhoáng bề ngoài từ lớp vỏ mỏng manh bọc trên một cơ thể bệnh hoạn đang dần đi đến cái hố sâu của những sự khốn cùng.

Cái cúi đầu ra đi của một trí thức, dù là đơn lẻ trong một sự vụ, nhưng nó là nhát cắt cứa sâu vào động mạch chính của tư duy quản lý đối với toàn bộ nền giáo dục đang cạn kiệt nguồn sống và tài nguyên của chính mình.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây