8-5-2018
Là vùng đất sóng đôi, như anh em sinh đôi với Sài Gòn – Quận 1 ở hai bờ sông Sài Gòn nhưng Sài Gòn – Thủ Thiêm lại nghèo rớt mấy trăm năm từ khi những người dân miền ngoài đến đây khai phá.
Đất bưng trũng, nước lợ, cư dân nghèo Thủ Thiêm cặm cụi sống lặng lẽ và gầy dựng cho mình một ít vốn liếng ký ức văn hóa – rất ít ỏi. Đó là những mảnh gốm, súng cổ, đại bác… của một trong hai tiền đồn bảo vệ thành Gia Định xưa: đồn Cá Trê; là Lăng Thành hoàng làng An Khánh trong khuôn viên đình An Khánh – cách phà Thủ Thiêm xưa hơn 100m; là Nhà thờ và Tu viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm có từ 1840…
Rất ít, đếm chưa hết 5 đầu ngón tay trên vùng đất khó nghèo từ hồi người Việt tìm đến đây 300 năm trước, toàn cây lá xanh rờn như trong Phú cổ Gia Định thành vịnh cách đây hơn 200 năm: “Coi ngoài rạch Bà Nghè (Thị Nghè), dòng trắng hây hây tờ quyến trải; Ngó lên Giồng Ông Tố, cây xanh nghịt nghịt lá chàm rai (giâu da)”.
Nghèo nhưng bà con Thủ Thiêm vẫn cứ sống nơi vùng đất hoang vu này, ven sông rải rác vài ba mái nhà lụp xụp; có chùa, miễu của người Miên, người Thổ…. Bên bờ sông là bến uống nước của voi và trâu.
Những nữ tu Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm cũng sống như bà con: dựng một chòi lá cạnh gốc me để ở, khai hoang vỡ đất…. Một tờ báo Pháp năm 1845 viết về các nữ tu này: “Các phụ nữ đạo đức này rất đáng quý, họ lo giáo dục các trẻ nữ, họ tận tâm bênh đỡ kẻ bệnh hoạn. Họ sinh sống bằng công việc tay chân của mình, chỉ dùng hai bữa ăn thanh đạm mỗi ngày”.
Đàn ông sống ở đây đã khó, huống chi phụ nữ, lại là những vị nữ tu, nhưng từ ngày đó đến nay, họ vẫn đồng áng, khai hoang mở đất, làm ruộng, nuôi trâu bò, dê… để giữ gìn tuyệt hảo, nguyên vẹn hai công trình văn hóa – lịch sử – tôn giáo hiếm hoi nơi đây.
Các di tích xưa ấy giờ ra sao? Cách đây 4 năm, năm 2014, khi công ty Đại Quang Minh mở các con đường “đổi đất lấy hạ tầng” ở Thủ Thiêm đã phát lộ hàng ngàn di vật xưa trên một diện tích rộng. Ngành văn hóa TP.HCM có đến khảo sát. Báo chí có đề nghị xem xét. Và đến nay tất cả nằm dưới các con đường BT (xây dựng – chuyển giao).
Cũng năm 2014, toàn bộ cụm kiến trúc đình và lăng Thành hoàng làng An Khánh đã bị giải tỏa, có nghĩa là kiến trúc và hình thức tín ngưỡng sinh hoạt cộng đồng đình An Khánh đã bị xóa sổ. Và nó được… phục dựng tại Khu công viên mộ cổ Gò Quéo, P.Bình Trưng Đông, Q.2 – ngoài khu Thủ Thiêm.
Duy nhất Nhà thờ và tu viện Dòng Mến Thánh giá còn ở lại trong lo sợ – khi nằm trong khu vực 9 lô đất mới vừa được rao bán đấu giá 27.000 tỉ đồng.
Trong khi đó, hàng loạt vụ việc ẩn khuất khi xây dựng đô thị mới Thủ Thiêm đang được “khai quật” lại. Từ 11.000 đơn khiếu tố khiếu nại nhà đất, Quy hoạch 2005 đẩy hàng vạn hộ dân Thủ Thiêm ra khỏi Thủ Thiêm… đến cả một khu đô thị khổng lồ 79ha (12% diện tích Thành phố mới Thủ Thiêm) mà Công ty Đại Quang Minh đang sở hữu với giá trị mấy trăm triệu đồng/m2 – bằng việc làm 4 con đường 12.000 tỉ đồng mà dư luận cho là kê giá khủng và báo chí đã lên tiếng.
Sáng 7-5, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM cho biết, đoàn ĐBQH TP.HCM sẽ tổ chức đoàn giám sát riêng về dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Mai sau, Thủ Thiêm có thể sẽ là một đô thị mới, một thành phố mới hiện đại. Nhưng thành phố này, đô thị này lẽ nào sẽ không còn một ký ức, hồn cốt văn hóa – lịch sử – tôn giáo của tiền nhân?
Và cũng mai sau, lẽ nào khi nói về Thủ Thiêm giai đoạn tạo dựng này, chỉ còn là những ký ức khiếu kiện, ma quái, oan khuất, bí ẩn, thanh tra… đầy đau buồn, bức xúc hôm nay?
Học Giả Nguyễn Duy
con ơi mẹ dặn câu này
cướp đêm là giặc cướp ngày là quan – (ca dao xưa)
Cướp xưa băng nhóm làng nhàng
cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi
có con dấu đóng đỏ tươi
có còng có súng dùi cui nhà tù
cướp xưa lén lút tù mù
cướp nay gióng trống phất cờ phóng loa
con trời bay lả bay la
cướp trên bàn giấy cướp ra cánh đồng
dân oan tuôn lệ ròng ròng
mất nhà mất đất nát lòng miền quê
tiếng than vang động bốn bề
cướp từ thôn xóm tiến về thành đô
ai qua thành phố Bác Hồ
mà coi cướp đất bên bờ Thủ Thiêm
bây giờ mẹ phải dặn thêm
quan tham là cướp cả đêm lẫn ngày.
Nguồn Mạng.