Lời tòa soạn: Telegram là phần mềm nhắn tin mã hóa, nhưng không giống như WhatsApp là nó tự động mã hóa hai đầu. Mã hóa Telegram tương tự như Skype, công ty sở hữu có thể ghi âm thông tin hai bên trao đổi. Nhưng Telegram khác với Skype ở chỗ, nếu người nhận thông tin bắt đầu set up mã hóa hai đầu, thì nó sẽ được mã hóa, chứ không hoàn toàn tự động.
Có lẽ người dùng Telegram ở Nga đã set up để mã hóa hai đầu, nên chính quyền Nga yêu cầu Telegram cung cấp mã để họ có thể truy cập vào dữ liệu, đọc tin nhắn của 13 triệu khách hàng người Nga gửi tin và nhận tin (trên 200 triệu người dùng trên toàn thế giới). Telegram đã từ chối; chính phủ Nga đã cố gắng chặn phần mềm này ở Nga và đã tạo ra sự hỗn loạn trên mạng internet… Mát-xcơ-va đang cố gắng làm những gì mà Bộ Công an Việt Nam muốn làm qua dự thảo luật An ninh mạng.
_____
Tác giả: Neil MacFarquahar
Dịch giả: Trung Nguyễn
30-4-2018
Người Nga phản đối nỗ lực của chính quyền ngăn chặn phần mềm Telegram
Hàng ngàn người Nga đã bày tỏ quan điểm phản đối mạnh mẽ nỗ lực của Kremlin ngăn chặn một dịch vụ nhắn tin mã hóa phổ biến. Dịch vụ nhắn tin này đã từ chối cho phép nhà nước Nga quyền truy cập vào tin nhắn của người dùng.
Một cuộc tuần hành ở Mát-xcơ-va chống lại nỗ lực của chính quyền Nga để ngăn chặn phần mềm nhắn tin Telegram đã nhanh chóng biến thành một cuộc phản đối Tổng thống Vladimir V. Putin, với hàng ngàn người tham gia hô những khẩu hiệu chống lại xu hướng ngày càng siết chặt của Kremlin.
Yêu cầu chủ yếu của cuộc mít-tinh, với thẻ (hashtag) #DigitalResistance (Phản đối kỹ thuật số), là internet ở Nga được tự do khỏi kiểm duyệt của chính quyền.
Sergei Smirnov, Tổng biên tập của tờ báo mạng Mediazona, đã hỏi đám đông: “Bạn có tin rằng Putin biết về việc ngăn chặn Telegram? Ông ấy có phải là người chịu trách nhiệm cho việc ngăn chặn Telegram?”
Đám đông đã trả lời “Có!” vang dội cho cả hai câu hỏi.
Ông Smirnov tiếp tục: “Telegram chỉ là bước đầu tiên. Nếu họ ngăn chặn Telegram, tình hình sau này sẽ còn tồi tệ hơn. Họ sẽ ngăn chặn mọi thứ. Họ muốn ngăn chặn tương lai của chúng ta và tương lai của con cháu chúng ta”.
Cuộc tuần hành diễn ra hai tuần sau khi Roskomnadzor, cơ quan kiểm soát internet, bắt đầu một nỗ lực vụng về nhằm đóng cửa Telegram bằng cách ngăn chặn 18 triệu địa chỉ IP, theo như lời người kiểm soát.
Cục tình báo liên bang Nga, hậu thân của cơ quan KGB, đã tới tòa án để nhận lệnh ngăn chặn phần mềm này sau khi Pavel V. Durov, người phát minh ra Telegram, một người Nga đang sống lưu vong, đã từ chối cung cấp cho cơ quan an ninh phương tiện để giải mã tin nhắn. FSB nói rằng họ cần đọc được các tin nhắn để ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố.
Nỗ lực đóng cửa Telegram đã đánh sập rất nhiều trang web khác, bao gồm cả những websites được truy cập hàng đầu như Yandex và Vkontakte, những công nghệ tương đương với Google và Facebook của nước Nga.
Mặc dù việc đóng cửa diễn ra nhanh, những công ty trên đã không che giấu sự giận dữ của họ.
Yandex đưa ra tuyên bố: “Chúng tôi không cho rằng tình huống này là chấp nhận được. Thị trường Nga chỉ có thể phát triển với điều kiện có sự cạnh tranh cởi mở”.
Nỗ lực trên đã gây ra sự giận dữ vượt xa những người ủng hộ đối lập chính trị, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh, nơi mà những tổn hại liên quan tiếp tục gây hại tới những phần quan trọng nhất. Đã có một làn sóng than phiền trên Twitter và những nơi khác rằng chính phủ đã “phá nát internet”.
Nikita Likhachev, Tổng biên tập tờ TJournal, một tờ báo mạng chuyên về văn hóa internet, công nghệ và chính trị, nói: “Rất nhiều người đã biết về tình hình và họ không đồng ý với điều đó”.
Ông Likhachev nói: “Việc không có trách nhiệm giải trình, không có ai nắm được thực tế về phạm vi của việc đóng cửa các trang web. Vấn đề tổng thể về việc internet bị phá ở Nga là chúng tôi không biết điều gì đã xảy ra và liệu có thể sửa chữa nó được không”.
Ông Likhachev nói: “Rất nhiều người chơi trò chơi trên mạng hoặc sử dụng những dịch vụ mạng đặc biệt và có xu hướng phi chính trị bỗng đột nhiên nhận ra chính quyền có thể ảnh hưởng đến đời sống thường ngày của họ như thế nào. Họ đã bắt đầu đặt ra những câu hỏi về việc gì đang diễn ra”.
Ở buổi mít-tinh, diễn ra một cách ôn hòa, một tấm biển viết bằng tay phản ánh tâm trạng này: “Sự việc đã quá tệ đến nỗi ngay cả những người hướng nội cũng phải đến đây”.
Không có vụ bắt giữ nào được báo cáo.
Cuộc mít-tinh, tổ chức bởi một đảng nhỏ của Nga là Đảng Tự do chủ nghĩa (Libertarian Party), đã có sự cho phép chính thức – thường là dấu hiệu khi chính quyền biết rằng đã một bộ phận dân chúng rộng lớn đang giận dữ. Bảng phân công các diễn giả bao gồm cả những người đối lập mạnh mẽ như Aleksei A.Navalny, một người đấu tranh chống tham nhũng. Ông đã dẫn dắt mọi người hô khẩu hiệu “Đả đảo Nga hoàng!” và kêu gọi mọi người tiếp tục chống lại việc kiểm duyệt trong cuộc mít-tinh ngày 5 tháng 5. Đó là ngày mà ông đã kêu gọi toàn quốc phản đối lễ nhậm chức Tổng thống lần thứ tư của Putin.
Nhiều diễn giả và người biểu tình đã nói rằng họ chưa bao giờ tham gia một cuộc biểu tình trước đây.
Alexander Gornik, 34 tuổi, một doanh nhân phần mềm, nói rằng rất nhiều công cụ mà các nhân viên của ông sử dụng để làm việc như Slack, Piperdrive và Tralier, đã không thể truy cập được. Để có thể tạo ra những phần mềm chất lượng cao có thể cạnh tranh toàn cầu, nước Nga cần phải được kết nối với thế giới.
“Đây không phải chỉ về Telegram, đây là một nỗ lực nhằm cô lập phần của nước Nga ra khỏi internet”, ông Gornik nói.
Mặc cho mọi ưu ái dành cho giới hacker Nga và những chuyên gia internet khác, những lập trình viên ở cơ quan kiểm soát của chính quyền đã không thể xử lý nổi một tiến trình phức tạp là đóng cửa một phần mềm được sử dụng rộng rãi trên thế giới.
Ông Durov, người đã rời nước Nga sau khi VKontakte do ông sáng tạo trước đó đã bị tước đoạt khỏi ông vào năm 2014, đã tạo ra vô số địa chỉ IP bổ sung để chống lại nỗ lực ngăn chặn Telegram. Khoảng 13 triệu người Nga nằm trong số 200 triệu người dùng trên toàn cầu, và nhiều người ở Nga vẫn có thể truy cập vào trang web của Telegram. Ông Durov đã khuyến khích những người biểu tình từ xa qua một loạt bài viết trên trang Vkontakte.
Trong một bài viết, ông nói: “Nước Nga đang ở ngã tư đường – việc kiểm duyệt toàn diện vẫn chưa được bắt đầu. Nếu không có hành động, nước Nga sẽ mất Telegram và những dịch vụ phổ biến khác”.
Dưới bầu trời đầy nắng của đầu giờ chiều, ông lại viết tiếp: “Hàng ngàn thanh niên và những người tiến bộ vào thời điểm này đang lên tiếng ở Mát-xcơ-va để bảo vệ internet. Đây là điều chưa từng có”.
Những tháng gần đây, chính quyền Putin, nhất là Bộ Ngoại giao, đã liên tục tố cáo phương Tây về chứng “bài Nga” vì những lệnh trừng phạt và thái độ lạnh nhạt với nước Nga.
Một người tổ chức tuần hành đã đảo ngược những lời tố cáo này, nói với những người biểu tình rằng chính những chính trị gia và công chức đã đóng cửa internet mới là những người thực sự sợ nhân dân Nga. Ông bắt đầu hô lên một vài tên trong số họ theo sau bởi “bài Nga”, và cả đám đông đã hô với ông.
Đã không có những phản ứng tức thời nào từ phía chính quyền.
Nhiều người trong số những người biểu tình đã mang theo những chiếc máy bay giấy, biểu tượng của Telegram, đã phóng máy bay trên đầu đám đông.
Số lượng hàng ngàn người có mặt rất đáng ghi nhận vào thứ hai vừa qua, vốn là ngày bắt đầu một kỳ nghỉ dài cả tuần, khi mà những người Mát-xcơ-va rời khỏi thành phố hàng đoàn để đi du lịch trong nước hoặc quốc tế. Một cuộc tuần hành thứ hai đã được lên lịch vào ngày thứ ba ở St.Petersburg.
Polina Oleinik, 17, và Polina Bulakh, 16, cả hai đều là sinh viên, nói rằng đây là cuộc tuần hành đầu tiên mà họ tham dự.
Cô Oleinik nói: “Thanh niên từ 15 tới 30 tuổi rất bực mình về chuyện này. Nước Nga phải là một quốc gia dân chủ không có kiểm duyệt. Đó là lý do chúng tôi tới đây”.
© Tiếng Dân – Bản tiếng Việt
Đến bao giờ người Việt Nam trong nước mới biết tranh đấu cho quyền tự do thông tin của mình như người Nga?