Tâm tình cuối Tháng Tư

Võ Thiêm

30-4-2018

Ba mươi tháng Tư, một ngày có triệu người vui mà cũng có triệu người buồn như lời ông cựu thủ tướng Việt cộng Võ Văn Kiệt đã nói. Sau một cuộc tương tàn, anh em chém giết nhau một cách tận tình gần một phần tư thế kỷ, cả kẻ bại người thắng đều đổi đời thì chuyện kẻ vui người buồn hẳn là điều tất nhiên. Cái không bình thường là phải chờ đến ba muơi năm sau để nói một lời “huề cả làng” như vậy mà có nhiều người, cả hai bên, suýt soa ồ lên một cách thích thú. Hình như mọi sự thật hễ được nói ra từ miệng của lãnh đạo cộng sản thì trở thành một điều lạ lùng, thậm chí thành danh ngôn. Đó là cái bất thường và bất hạnh của (dân tộc) chúng ta.

Nhưng thôi, ai vui thì vui, tôi thuộc nhóm người buồn. Vì buồn nên tôi thường tự hỏi vì sao có cái ngày oan nghiệt đó. Đã có nhiều người nói về các nguyên nhân xa gần đưa đến thảm họa cho đẩt nước. Tuy vậy tôi không đi sâu vào các chi tiết này ở đây vì đã có nhiều bậc thức giả với kiến thức uyên thâm, có liên hệ, có thẩm quyền để nói đến. Tôi, với cái nhìn của một người dân bình thường, sinh ra lớn lên ngay trong lòng cuộc chiến, ghi lại đây những suy nghĩ của riêng mình nhân nhớ về ngày 30 tháng Tư.

Những sự kiện tôi nêu ra là có thật, những tâm tình của tôi là tự đáy lòng. Chút ước mong là chúng ta có thêm một dịp để nhìn lại, để không quên những bài học đắng cay trong quá khứ.

Tôi sinh ra ở một làng quê miền Trung ngày chia đôi đất nước, ngay từ thuở bắt đầu đi học đã tiếp xúc với chiến tranh. Ngôi trường nhỏ xíu đầu đời của tôi có lần là nơi xử bắn một viên chức trong làng khi cộng sản mới về. Khi chiến tranh leo thang sau năm 1963, gia đình tôi tản cư về tỉnh. Trên con đường nhà tôi cư ngụ, cách khoảng 1 cây số là một trại gia binh, trong đó oái ăm thay lại có ngôi nhà Vĩnh Biệt, nơi những người lính chết trận được chở về, tẩm liệm rồi đưa về quê. Nhiều lần xe chở xác người đã bốc mùi xông vào tận nhà. Nhiều lần tiếng than khóc của thân nhân người chết gào thét trên quan tài phủ quốc kỳ vang tới từ xa, rõ dần rồi mất hút theo bụi mờ cùng tiếng động cơ của xe nhà binh chạy ngang qua. Cảnh tượng đó xảy ra hằng ngày, hằn theo năm tháng tuổi thơ của tôi.

Tóc xanh khăn trắng. Nguồn: OntheNet

Nhiều đêm súng nổ đì đùng, đạn lửa bay vèo ngang dọc trên bầu trời từ các đồn lính không xa thị xã. Bây giờ khi lớn lên, có gia đình, biết lo cho vợ con, tôi vẫn thường nghĩ về thân nhân các người lính trong trại gia binh đó. Những người mẹ, những người vợ, những đứa con… Lúc đó đời sống hằng ngày của họ nặng nề biết là bao. Từng ngày lo lắng, hồi hộp mỗi lần thấy xe chở xác về. Niềm vui mừng khốn khổ kèm theo cái thở phào nhẹ nhõm mỗi khi giở tấm poncho che mặt và nhận ra đó không phải là chồng con của mình. Đêm đêm tim giật thót từng hồi theo từng loạt đại bác hay súng nổ trên đồn… Họ đã âm thầm âu lo, chờ đợi từng ngày, từng phút trong những năm dài lê thê vô vọng đó. Sự bình yên thật mong manh, nỗi đe dọa tang tóc treo lơ lửng, chờn vờn, dai dẳng.

Sự hy sinh đó thuộc về tất cả người dân thấp cổ bé miệng khắp mọi miền đất nước, tuy rất to lớn mà không ồn ào, tuy cam phận mà đầy cao cả. Nói cho công bằng thì những người có trọng trách và những người thụ hưởng sự hy sinh đó cũng thường lên tiếng biết ơn. Nhưng một khi lời nói không đi đôi với việc làm thì mọi lời ca tụng cũng chỉ là những điệp khúc của một bản nhạc tồi; người ta chỉ hát lên một cách vô cảm.

Tôi viết như thế vì, đồng thời với sự hy sinh của những người lính ngoài mặt trận, tôi cũng chứng kiến những sự kiện trái ngược, rất đau lòng ở hậu phương. Đó là lòng tham lam, ích kỷ, sự chia rẽ, bè phái đấu đá nhau và ngay cả phản bội trong xã hội miền Nam lúc đó.

Từ năm 1966, khi bắt đầu bậc trung học, tôi đã đôi lần chứng kiến cảnh học sinh biểu tình bãi khóa. Nòng cốt trong các vụ này là đoàn Sinh viên Học sinh Quyết tử, nghe nói có người từ ngoài Huế vào. Họ hung hăng xách động biểu tình, từng đoàn xe chạy vòng vòng trên đường phố với loa phóng thanh kêu gọi dân chúng nổi đậy chống chính quyền, đòi Mỹ cút về nước. Họ nêu chiêu bài chống Mỹ cùng bè lũ tay sai Thiệu-Kỳ mà không nhận mình là cộng sản. Họ chiếm những ngôi trường, bãi chợ, tấn công một vài cơ quan công quyền. Trong số họ hẳn nhiên có cộng sản nằm vùng, có kẻ thân cộng, hoặc là bị cộng sản giật dây và cả kẻ a tòng vì những lý do nhỏ mọn riêng tư như ham chơi, biếng học, trốn lính…

Tôi cũng chứng kiến sự chia rẽ ngay trong hàng ngũ những người chống cộng quyết liệt. Trong số đó có những người rất thân thiết với gia đình tôi, mà tôi mạn phép đề cập đến nơi đây, chỉ để nhấn mạnh đến một sự việc không hay mà tôi nhìn thấy.

Gia đình tôi hầu hết tham gia Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ). Bác tôi là một mẫu Mạnh Thường Quân tân thời, nhà lúc nào cũng có “tân khách.” Tôi vẫn nhớ khoảng đầu thập niên 60, nhà tôi là nơi các đồng chí của cha tôi lui tới thường xuyên. Mỗi lần họ đến anh em tôi rất vui vì được cưng chiều và ăn ngon. Họ thân thiết đến độ ngồi ăn cơm ở nhà duới cùng cha mẹ và chị em chúng tôi. Sau này tôi biết nhiều người trong số họ trở về từ chiến khu Nam Ngãi (một chiến khu ly khai do VNQDĐ thành lập chống lại chính quyền tổng thống Ngô Đình Diệm sau 1954.) Một số những người đó sau này là lãnh đạo trung ương của Việt Quốc, là dân biểu, nghị sĩ của Việt Nam Cộng Hòa.

Nhưng sự đoàn kết thân thương đó không bền lâu. Cũng như nhiều tổ chức đảng phái khác – và ngay cả các tôn giáo – VDQDĐ chia rẽ trầm trọng. Họ chia rẽ đến độ xem nhau như kẻ thù, chỉ thiếu điều bắn giêt nhau công khai. Tôi có những người bà con mà không bao giờ thấy họ bước đến nhà chỉ vì họ thuộc hệ phái khác! Giờ đây đã qua hơn 40 năm, tôi không muốn nói đến ai phải ai trái. Dù phải, dù trái, tất cả đều có lỗi. Khi viết đến đây tôi thầm tạ lỗi cùng vong linh của những người đã khuất. Mọi sự chia rẽ nơi hậu phương trước hết là có lỗi với những người đang chiến đấu từng giờ ngoài mặt trận. Tất cả đều đã vô tình, đã quên đi nỗi hiễm nguy của các chiến sĩ, nỗi đau khổ của người người mẹ, người vợ của những người vừa nằm xuống. Và quan trọng hơn hết, cái lỗi đó đã góp phần đưa đến ngày đại tang 30 tháng 4 năm 1975.

Năm 1972, khi vào đại học tại Sài Gòn, tôi lại chứng kiến sự chia rẽ còn đa dạng hơn nữa ở thủ đô. Mặc dầu giai đoạn này phong trào sinh viên biểu tình phản chiến không còn, trong khuôn viên trường đại học, ký túc xá, người ta vẫn tuyên truyền, nói xấu chế độ. Rất nhiều người hướng về phía “bên kia” một cách công khai.

Báo chí đình công, ký giả biểu tình ăn mày. Nhan nhãn nhưng bài báo, bài hát, tranh biếm họa phỉ báng chế độ. Các tôn giáo cũng có nhiều nhóm hay giáo hội, các đảng chính trị đều có nhiều hệ phái, nhiều lãnh tụ.

“Ký giả đi ăn mày”. Nguồn: “Hồi ký không tên” của Lý Quí Chung

Trong quân đội, các tướng lãnh là những người trách nhiệm trực tiếp đến sinh mạng của các chiến sĩ đang gian khổ ngoài tiền tuyến cũng không thuận hòa. Các dân biểu nghị sĩ cũng có rất nhiều phe cánh, không đơn thuần là bất đồng chính kiến mà chỉ tìm cách triệt hạ nhau vì những lý do cá nhân, phe đảng.

Giới trí thức có rất nhiều người tỏ thái độ bàng quan, phản chiến, thiên tả, thậm chí họ binh vực, bao che cho bạn bè là bọn cộng sản nằm vùng và xem đó là thái độ của kẻ thức thời hay cách ứng xử của người trí thức. Trong giai đoạn này, nổi bật là cái gọi là “thành phần thứ ba”. Họ bao gồm nhiều thành phần từ sinh viện, văn nghệ sĩ, công chức cho đến các dân biểu, nghị sĩ. Họ tự nhận mình không cộng sản và tự cho mình có con đường sáng suốt để giải quyết cuộc chiến. Họ yêu sách, bắt bẻ, kết tội rất nhiều phía VNCH mà tảng lờ mọi hành vi xâm lược của cộng sản. Họ cho rằng Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN) không phải là cộng sản hay công cụ của Bắc Việt. Có kẻ còn thần tượng ông Hồ và cho rằng Nga Tàu là anh em, Mỹ là kẻ xâm lược. Lúc đó những ai cương quyết không chấp nhận MTGPMN đều bị họ gán cho cái nhãn tay sai Mỹ, là cực đoan, là chống cộng tới chiều.

Tất cả đã làm cho Miền Nam nát bét.

Tình trạng đó đã làm nản lòng những người Việt quốc gia nhiệt huyết nhất. Người dân và chính quyền các nước thuộc thế giới tự do chắc hẳn cũng khó có thiện cảm với một đồng minh như vậy.

Trong khi đó những người lính vẫn chết hằng ngày ngoài mặt trận. Trên mặt báo, mục cáo phó, phân ưu với các tấm hình rất trẻ vẫn chiếm nhiều trang. Và con đường ngang qua nhà tôi ngoài quê mỗi ngày những chuyến xe chở xác người vẫn tiếp tục đi về khu nhà Vĩnh Biệt. Những người mẹ, những người vợ, những đứa con trong trại gia binh vẫn sống những ngày đầy âu lo, đầy nước măt!

Tôi chỉ nhắc lại một bối cảnh như thế mà không đi sâu vào nguyên nhân gây chia rẽ. Có người nói rằng sự chia rẽ là do cộng sản hoặc Mỹ gây ra nhằm chia để trị, mà chúng ta là nạn nhân bị mắc bẫy. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến cái hậu quả thảm khốc mà toàn dân miền Nam đang gánh chịu. Đó là trong nhiều người trong chúng ta, dẫu không chấp nhận cộng sản, đã quá ích kỷ, không biết hy sinh cái “ta” nhằm đoàn kết để đối đầu với bọn ác. Nhiều người đã quá cả tin vào cộng sản. Đó là một bài học đáng giá mà thiết nghĩ không bao giờ được quên.

Thế rồi miền Nam rơi vào tay cộng sản. Thử tưởng tuợng nỗi cay đắng của những người bị lừa trong “thành phần thứ ba” khi họ nghe một cán bộ Bắc Việt trả lời ông Dương Văn Minh khi ông ta đòi bàn giao chính quyền cho “mấy người anh em phía bên kia”: “Các ông chỉ có đầu hàng, các ông đâu còn cái gì mà bàn giao.” Và tôi cũng hình dung ra được nụ cười hiểm ác, đắc thắng và hả hê của bọn cộng sản nằm vùng đội lốt “thành phần thứ ba” khi chúng chứng kiến sự thảm hại của các nạn nhân của chúng.

Bàn giao còn không được thì mong gì hòa hợp hòa giải. Nguồn: OntheNet

Nhưng trong nỗi buồn cũng có chút an ủi. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi được chứng kiến sự đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau rất chân thành của nhiều người mà trước đây chống đối nhau.

Một ví dụ, tôi còn nhớ khoảng năm 1976 là giai đoạn cực kỳ khó khăn về mọi mặt, một người chú họ của tôi thỉnh thoảng xuất hiện thì thầm cùng cha tôi. Nhưng lần ấy khi chia tay cha mẹ tôi đều “dúi” vào tay chú, khi đùm gạo, khi ít tiền. Chú là người thuộc hệ phái khác của Việt Quốc mà trước đây không bao giờ bước tới nhà tôi; chú đang lẩn trốn không ra trình diện. Lúc đó tôi chỉ thấy tình gia đình, tình đồng chí đầy đùm bọc, đoàn kết.

Tôi được biết hầu hết những người miền Nam thuộc nhiều thành phần tả hữu đã rất thương yêu giúp đỡ nhau trong tù cộng sản sau năm 1975. Tôi nghe nói những năm đầu sau 1975, đồng bào chạy khỏi nước rất đồng tâm nhất trí cùng nhau hướng về quê hương. Không có gì lạ nếu mọi sự quyên góp cho việc quang phục quê hương trong giai đoạn đó rất dễ dàng.

Nhưng sự đoàn kết quí báu đó, buồn thay, lại cũng không bền lâu.Ngày nay, sau 35 năm kể từ cái ngày 30 tháng 4 đen tối đó, cộng đồng chúng ta tại hải ngoại, bên cạnh mặt tích cực, rất nhiều những tình trạng của ngày xưa đang tái hiện.

Tôi xin nêu ra đây vài sự kiện mà tôi cho là đáng quan tâm:

– Thứ nhất là sự chia rẽ. Cần nhấn mạnh đó là sự chia rẽ của những người “lãnh đạo” hay có tăm tiếng trong cộng đồng chứ ngưòi dân, thành viên trong cộng đồng thì lấy cái gì mà chia rẽ! Sự tranh chấp vẫn như xưa trong khi kẻ thù là bọn cộng sản vẫn tồn tại, vẫn khủng bố các chiến sĩ ngoài mặt trận – bây giờ là những người tranh đấu trong nước – quả là một điều rất đáng buồn.

– Thứ hai là ngày nay ở hải ngoại lại xuất hiện những thành phần với chiêu thức y hệt “thành phần thứ ba” ngày xưa. Cũng như cái gọi là “thành phần thứ ba” ngày xưa, thành phần “Việt kiều yêu nước” hôm nay nói rằng họ không theo cộng sản. Họ cho rằng hợp tác với chính quyền cộng sản là phương cách tốt nhất để để giải quyết các vấn đề tự do dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Đó là sự sai lầm hoặc là cái vỏ bọc nhằm che đậy mưu đồ xấu xa, vị kỷ mà bọn “thành phần thứ ba” đã dùng ngày xưa. Luận điệu, chiến thuật cũng tương tự. Bình mới, nhãn hiệu cũng khác nhưng rượu thì vẫn như cũ.

Tôi nghĩ rằng chúng ta đã trả giá quá đắt để có một kinh nghiệm đau thương và không nên cho phép mình lặp lại. Chúng ta cũng có bổn phận phải san sẻ cho con em kinh nghiệm của mình về bài học đau thương ngày 30 tháng 4 năm 1975. Khi tôi viết những dòng này thì tại miền Nam California cộng đồng người Việt đang cố gắng hình thành một ban đại diện duy nhất kể từ 35 năm nay. Tôi vui mừng chờ đợi kết quả và hy vọng rằng kẻ thắng người thua đều sẽ chung tay nhau xây dựng một cộng đồng đoàn kết, vững mạnh.

Nhưng niềm vui đó lại cũng không trọn vẹn khi tin mới nhất cho biết năm nay sẽ có hai buổi lễ tưởng niệm ngày 30 tháng 4 tại Tuợng đài Chiến sĩ Việt Mỹ, vùng Little Sài Gòn – một do phía cộng đồng và một do phía Giám sát viên Janet Nguyễn tổ chức. Một ngày đau thương mà tổ chức kỷ niệm đến hai lần, tôi cảm thấy nỗi buồn của mình bị nhân đôi!Vết thương 35 năm vẫn chưa lành, lẽ nào chúng ta đã quên đi bài học cũ? Xin nhớ rằng cuộc chiến chưa tàn. Chúng ta đã thua một trận chiến, đã chạy trốn cả nửa vòng trái đất và kẻ thù vẫn đang đuổi theo.

San Diego, cuối tháng Tư 2010.

Bình Luận từ Facebook