30-4-2018
Sáng nay, đọc ở Tuổi Trẻ tin Hiệp hội hồ tiêu lên tiếng vụ trộn “hỗn hợp pin” vào tiêu nhằm trấn an người tiêu dùng mà thấy đau lòng chi xiết.
CÀ PHÊ VÀ HỒ TIÊU
Một mũi tên trúng hai con chim: cà phê và hồ tiêu, đều là những ngành xuất khẩu (có số lượng) nhất nhì thế giới của Việt Nam. Nhiều khi chỉ vì thích gây chú ý, thích lan truyền tin giật gân mà mười ngày trước, cả xã hội FB cùng xúm nhau lên án “cà phê pin”. Công An Đắc Nông thấy chuyện phá án vụ này thật là ly kỳ? Có chăng tâm trạng bực dọc, uất ức của đám đông, bỗng kiếm được vụ dùng lõi pin nhuộm (?!?) cà phê này quá hợp thời nên cứ thế mà trút?
Mình đã nghi ngay từ đầu. Trộn lõi pin vào cà phê, quái lạ và đáng ngờ quá, về hiệu quả kinh tế, về tính khả thi là không có và thực tế, cà phê đó cũng không uống được. Ông bạn chuyên gia an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành nhắn: “Tôi ‘đỡ’ vụ Pin Con Ó không kịp bà H ơi. Người ta nâng thành ‘quốc sự’ rồi. Thiệt rầu. Thêm một ngành nữa”. Trước đó, vừa tìm hiểu, tôi kịp nhắc Trần Phi Tuấn, Tuổi Trẻ Online qua stt bạn ấy ngày 17/4: “Cám ơn PT chỉ nói tới pin, mà không gọi tên pin ra, đỡ khổ cho một thương hiệu xui xẻo bị văng miểng” (vì người ta làm pin, đâu có ngờ có ngày bị đem xài trong vụ này).
Đau lòng vậy đó, suy đoán, dựng kịch bản, nâng cao tội ác… oánh cho lảo đảo, lao dốc nguyên ngành cà phê chưa thấy đã, lôi luôn thương hiệu Con Ó, vẽ luôn cục pin có hình Con Ó cắm vào cái phin cà phê, đổi tên từ cà phê Chồn thành cà phê Ó mới tạm đủ “phê”.
Giờ đã rõ, họ trộn vỏ (phế phẩm cà phê) với lõi pin, đá xay nhỏ để giả làm… hồ tiêu lừa ngân hàng để vay tiền. May là họ chưa bán được cho ai. Đó là tội ác, nhưng khi biến tội ác này thành 2 cú triệt hạ cả cà phê lẫn hồ tiêu, là nhằm mục đích gì? Sao Công An không đánh giá đúng hơn, nhất là các nhà báo “định hướng” dư luận sao không phân tích bài toán kinh tế, thị trường mà tung hê dư luận theo hướng vơ đũa cả nắm cùng “tẩy chay” cà phê VN, rồi lan qua hồ tiêu, ôi, những nhà hướng dẫn dư luận, họ gõ tin bài mà để não ở đâu? Giờ thương hiệu Pin Con Ó bị triệt hạ oan, cà phê Việt thì bị gán hình ảnh độc hại không đáng tin (Ai đã “phê” với tin ban đầu, mấy người đủ niềm tin tự điều chỉnh sau khi nghe đính chính?). Và hồ tiêu…
Thay vì hào hứng “tấn công” cà phê, sao không “luận tội” bọn trao giải “Top 10 thương hiệu hàng đầu VN” cho Vinaca sản xuất thuốc ung thư làm bằng tro than và nhất là trị thẳng cánh bọn kinh doanh thuốc giả đó? Hay ngại vướng chuyện thuốc giả lớn hơn?
…VÀ GẠO
Hai hôm trước, đọc Facebook bạn Phạm Minh Thiện, thấy bạn vui và cảm động khôn nguôi khi Cỏ May được đón thủ tướng đến thăm gian hàng Cỏ May tại HC thực phẩm Singapore. Như một phản xạ, khi xem bức ảnh mà bạn Thiện rất quí, Thủ tướng cầm gói gạo Cỏ May lên khen, tôi bất giác nhắn tin hỏi anh Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế VCCI, Tuấn ơi, nghị định 109 (gây nhiều cản trở DN nhỏ và vừa VN xuất khẩu gạo và Cỏ May phải lập công ty ở Singapore, tự mua sản phẩm của mình từ VN) đã xóa chưa? Tuấn trả lời: “Dạ, còn nguyên, chưa thấy thay đổi gì. Họ còn loay hoay mãi”.
Cuộc loại bỏ điều kiện kinh doanh cỡi trói cho doanh nghiệp vẫn còn quá chông gai. DN đang chịu tác động kép. Nhiều qui định xuất khẩu vẫn trói y nguyên. Và thế giới bên ngoài thì đang tăng tốc phát hoảng. Thái Lan và Alibaba vừa ký MOU (đọc stt mình viết hôm…) đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm Thái ra thế giới, mà hai món đầu tiên họ tập trung là GẠO và SẦU RIÊNG, và thị trường họ vẫn công khai tuyên bố tập trung chiếm lĩnh là… VIỆT NAM trong CLMV.
Lửa đang mạnh lên, to lên gấp đội, gấp ba đang thổi thốc ngay sau gáy doanh nghiệp. Dẫu chưa làm được gì cho họ thì việc cởi trói vẫn cần nhất.
Và thay vì cứ mở chiến dịch tấn công các ngành hàng lớn của VN theo kiểu THÍCH LÀ LÀM, xong thấy trật thì tiếp tục LÀM…NGƠ, để lại chiến trường cạnh tranh những cái xác hàng hóa VN bị …ngộ sát hay cố sát, ta hãy giúp họ sống được và vượt lên. Nếu ta thực sự yêu quí, lo lắng, chăm chút cho hàng Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thì rất nên nhạy cảm với loại chiến dịch như “cà phê pin”. Chứ lỡ tay rồi, dù CỐ SÁT HAY NGỘ SÁT thì các đối thủ cạnh tranh của VN đâu mong gì hơn thế?