Trân Văn
26-4-2018
Báo điện tử Đất Việt – Diễn đàn của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam – đã có tin để phản bác lại một tin do chính họ loan, đại loại: Gia đình bà Nguyễn Thị Phụng, 59 tuổi, cư trú tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông không… quá nghèo. Nguyễn Văn Khảm, 26 tuổi, con trai bà Phụng – hung thủ giết mẹ có dấu hiệu tâm thần.
Trước đó, cũng báo điện tử Đất Việt tường thuật, công an huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước đã tạm giữ Khảm để điều tra chuyện Khảm giết mẹ. Dẫu rất ngắn, chưa đầy 300 chữ, song tin con trai giết mẹ theo yêu cầu của mẹ để giải thoát bà làm người ta bàng hoàng về mức độ bi thảm của sự kiện: Khảm cùng mẹ đi bộ từ huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước về nhà (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông). Rạng sáng ngày 19 tháng 4, hai mẹ con kiệt sức, ngồi nghỉ ven đường. Trên đường tuần tra, công an xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước phát giác Khảm và mẹ vừa đói, vừa khát nên đã mua bánh mì và nước cho cả hai ăn uống. Vài giờ sau, dân chúng xã này phát giác bà Phụng vỡ đầu, nằm trên một đống củi. Khảm ngồi bên cạnh. Khi công an lấy lời khai, Khảm thú nhận đã dùng củi đánh chết mẹ vì bà thúc giục: Khổ quá rồi. Đánh chết mẹ đi!
Bà Phụng chết là sự thật! Khảm giết mẹ cũng là sự thật!
Khi cập nhật về sự kiện này, báo điện tử Đất Việt cung cấp thêm một số sự thật khác do ông Trần Nam, Trưởng Công an phường Nghĩa Đức, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông – nơi gia đình Khảm cư trú – cung cấp: Gia cảnh của bà Phụng “giống rất nhiều gia đình khác ở Nghĩa Đức – Gia Nghĩa – Đắk Nông”. Vì vậy, theo ông Nam, không thể cho rằng, gia cảnh cùng quẫn đến mức bà Phụng phải yêu cầu con trai đánh chết mình vì áp lực nghèo khổ đã quá sức chịu đựng của bà.
Ông Nam còn cho biết thêm, Khảm đã từng đi làm ở một số nơi nhưng chỉ được một thời gian ngắn lại quay về sống với cha mẹ, không có tiền phụ giúp cha mẹ, phải sống dựa vào cha mẹ. Sau thảm án, cha của Khảm có kể với ông Nam rằng, gần đây, Khảm có dấu hiệu bị tâm thần.
Chắc là ông Nam nói thật!
Ở Nghĩa Đức – Gia Nghĩa – Đắk Nông có rất nhiều gia đình mà gia cảnh giống như bà Phụng nhưng đã có gia đình nào mà cha mẹ yêu cầu con cái đánh chết mình như bà Phụng đâu!
Khoảng cách từ thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đến huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước khoảng 80 cây số là sự thật. Mẹ con bà Phụng không có phương tiện cá nhân, cũng không có tiền để trả cho xe đò, phải cuốc bộ cả đi lẫn về là sự thật. Cả hai mẹ con kiệt sức phải ngồi nghỉ ven đường, tình cảnh chắc là tội nghiệp tới mức những viên chức công an xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước phải động lòng, bỏ tiền túi mua bánh mì, nước uống cho cả hai cũng là sự thật.
26 tuổi, chưa có gia đình riêng, nỗ lực tìm việc nhưng vẫn không tìm được việc làm ổn định, phải dựa vào cha mẹ vốn rất nghèo, Khảm có hóa điên cũng dễ hiểu. Ai nghi ngờ điều đó không thật?
Đã chắc chắn ông Nam nói thật về chuyện ở Nghĩa Đức – Gia Nghĩa – Đắk Nông có rất nhiều gia đình mà gia cảnh giống như bà Phụng, khi Nghĩa Đức đã như thế thì bốn phường và ba xã còn lại của thị xã Gia Nghĩa ắt cũng thế. Rộng hơn, 63 thị trấn, xã của bảy huyện còn lại có lẽ cũng chẳng khác lắm.
Dù thế, chính quyền tỉnh Đắk Nông vẫn cương quyết phải xây một quảng trường ở thị xã Gia Nghĩa để “có chỗ tổ chức lễ hội, mít tinh”. Cuối năm ngoái, ông Nguyễn Bốn, Chủ tịch tỉnh Đắk Nông từng khoe rất thật rằng, Bộ Kế hoạch – Đầu tư rất đồng tình nên đã làm cầu nối, đã vận động Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho vay 50 triệu Mỹ kim để xây dựng quảng trường. Ông Bốn nhấn mạnh, khi nào ADB phát vay, đề nghị chính phủ hỗ trợ thêm 900 tỉ để thị xã Gia Nghĩa có quảng trường, “xứng đáng là trung tâm kinh tế, văn hóa”.
Đắk Nông có thị xã Gia Nghĩa, thị xã Gia Nghĩa có những gia đình như gia đình bà Phụng. Có thành phố nào, tỉnh nào trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thiếu những gia đình như vậy? Chắc chắn là không. Đó cũng là sự thật!