Cục diện thế giới sẽ được quyết định sau cuộc gặp Mỹ – Triều

Nguyễn Văn Do

26-4-2018

Trên mặt trận kinh tế, hiện người Mỹ đang có những tháng tăng trưởng khá tốt, buộc Cục Dự trữ Liên bang (FED) phải cân đối lại dòng tiền chảy trong nền kinh tế, qua việc liên tục nâng lãi suất. Trong khi Nga, một đối tác ngầm của Triều Tiên, nếu chịu cấm vận kinh tế thêm hai đến bốn năm nữa, nước Nga thời Putin có thể phải hạ cánh.

Việc giảm dự trữ ngoại hối nhưng tăng lượng mua vàng liên tục và đạt kỷ lục dự trữ cho thấy, Nga đang cố gắng vùng vẫy để giữ cho đồng RUB không bị căng thẳng, dẫn đến rối loạn của thị trường. Chứng kiến việc rớt giá thê thảm của đồng RUB (ngày 05/10/2014, 1 RUB đổi được 0,0318 USD, nay 26/4/2018 là 0,016 USD, một nửa giá trị, theo Bloomberg), có thể thấy, đối tác thế này, không kỹ nghệ, chỉ có vũ khí dùng một lần là xong, sẽ không có gì bảo chứng cho Triều Tiên ở phía trước. Hào quang có được từ dầu khí, từ Crimea dang dần bị lu mờ.

Chúng ta đang chứng kiến, dù trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bấp bênh khi tiến trình thương mại toàn cầu bị ngăn chặn bởi các rào cản bảo hộ và cần có một định hướng mới để dẫn dắt nhân loại đi tiếp trên con đường phát triển bền vững, chứng kiến sự thoái trào của một số ngành kỹ nghệ và công nghiệp như xe hơi chạy xăng dầu sẽ phải thoái trào hay ngành năng lượng dầu khí bị thay thế bởi những năng lượng tái tạo – tạo mới năng lượng từ các nguồn cung khác, nhưng Mỹ vẫn là quốc gia đi đầu cho những sáng kiến để phát triển, điển hình từ Elon Musk, phương thức di chuyển mới và ngành du hành vũ trụ mở rộng sẽ trở nên rẻ hơn bởi tên lửa Falcon.

Sơ lược để thấy, thể chế tư bản cho dù không thể tránh khỏi những khiếm khuyết của nó, nhưng đến nay, nó vẫn là mô hình văn minh nhất, bảo đảm quyền con người được (hưởng lợi) từ tự do sáng tạo, cũng như chịu trách nhiệm trước những việc mình làm. Và Hoa Kỳ, vẫn đang ổn định với thể chế của nó, và nó luôn dẫn đầu.

Trong cuộc gặp Mỹ – Triều sắp tới, kết quả sẽ định hình cục diện thế giới. Nếu Triều Tiên thuận theo Hoa Kỳ từ bỏ hạt nhân, chắc chắn Triều Tiên hưởng lợi rất lớn từ Hoa Kỳ. Thứ nhất, hưởng lợi về kinh tế. Thứ hai, khả năng Hoa Kỳ sẽ bảo đảm Triều Tiên sẽ không cần đi đến việc thống nhất hai miền, ngược lại, hòa bình được ký kết, chính phủ hai miền được duy trì, nhưng người dân sẽ được tự do đi lại, được bảo đảm tự do làm kinh tế giữa hai miền.

Mặt khác, hồ sơ về Trung Quốc có lẽ được Hoa Kỳ chuyển giao cho Triều Tiên. Hồ sơ này bạch hóa về Trung Quốc bất lợi cho Triều Tiên, cho cả hai miền. Về kinh tế, sự phát triển của Trung Quốc không đem lại lợi ích nào cho quốc gia này, ngược lại, sự phát triển của nó còn đi kèm với việc bóc lột tài nguyên ở các nước khác mà không có kỹ nghệ tái tạo. Thứ hai, về chính trị, không có gì mới, cũng không có gì ngạc nhiên, vì Triều Tiên hiểu rõ Trung Quốc đã lợi dụng và thao túng lá bài Triêu Tiên như thế nào trong trận cầu thế giới và tại Châu Á, nhưng nó cụ thể hóa rõ hơn về quan điểm này của Triều Tiên đối với Trung Quốc.

Có thể Hoa Kỳ không ngán có một cuộc chiến với Triều Tiên hay hủy diệt ngay các cơ sở có nguy hiểm tiềm tang, nhưng Hoa Kỳ cần có một chiến thắng không tổn hao trước Triều Tiên, vì Hoa Kỳ hiểu rõ Triều Tiên chỉ là lá bài của quốc gia đứng sau nó, muốn cản trở Hoa Kỳ trên con đường tiến về châu Á. Việc thuần hóa con bài này là một chiến thắng lớn cho chiến lược “Hoa Kỳ trở lại châu Á”.

Cuộc gặp hoàn toàn “riêng tư” và lịch sử giữa hai nước mà trước đây chưa có tổng thống đương nhiệm nào của Hoa Kỳ làm được, cũng có thể, thời điểm chưa chín mùi. Cuộc gặp đã loại bỏ hoàn toàn yếu tố Nga – Trung ra một bên. Triều Tiên cũng không phải là quốc gia quá cứng đầu và khó đoán. Nhưng bản thân nó phải luôn ở thế phòng thủ khi nó bị đe dọa.

Với mục tiêu trước mắt là Triều Tiên, mục tiêu trung hạn là Nga, thì Trung Quốc gần như sẽ mất đi hai “đồng minh” này. Hiện nay, các tuyên bố Nga – Trung trên diễn đàn thế giới, chỉ là cho vui, và là tuyên bố thời đại Putin, chứ tác dụng không nhiều với thế giới Tây phương và thậm chí là các quốc gia đồng minh của nó, bởi chính nội tại của mối quan hệ hai quốc gia đó, cũng như sức nặng của tuyên bố đối với thế giới phương Tây.

Chúng ta đã từng thấy khối BRICS được thành lập, nhằm đối trọng lại thế giới phương Tây, khối này khi mới thành lập nhận được rất nhiều sự chú ý, kể cả giới chính trị và giới tài chính toàn cầu. Bởi xét về qui mô, khối này rất hùng hậu, dân số đông, kinh tế đầy triển vọng khai sáng! Nhưng đáng tiếc, ngày nay nó chỉ còn mang tính biểu tượng. Giữa lúc Nga bị cấm vận đến điên loạn thì khối này chỉ còn là dĩ vãng. Bởi vì nó chỉ có cái khung, nó rỗng cả về độ sâu và độ rộng. Nên đây là minh chứng cho thấy, không phải chưa từng có sự liên kết giữa các quốc gia bên ngoài nền văn minh phương Tây được thành lập để đối kháng và chống lại, chỉ đơn giản là nó đã thất bại.

Một lần nữa cho thấy, không phải chưa chưa từng có những thách thức từ Trung Quốc với Hoa Kỳ, nên những dự án lớn hiện nay của Trung Quốc, điển hình là con đường tơ lụa “vành đai, con đường”, ngân hàng phát triển hạ tầng AIIB, cá nhân tôi đánh giá cao, rất cao chỉ về mặt ý tưởng và chiến thuật đối kháng, nhưng ở mặt thực tế và vận hành khi bản thân nó phải luôn tương tác với các quốc gia thành viên và chịu sự điều khiển của chính quyền Bắc Kinh, thì tôi nghĩ nó không phải là đòn nặng ký. Chắc nó chỉ thích hợp cho mô hình lấy Trung Quốc làm trung tâm cho các nước vệ tinh thành viên như Lào, Việt Nam, Đông Timo, Cambodia …

Tất nhiên, hiện nay có đến 49 nước thành viên của ngân hàng AIIB, nhưng ngoài Trung Quốc nắm số vốn góp cao nhất (hơn 30%) thì chỉ có hai quốc gia là Nga và Ấn có số vốn góp trên 5%, còn lại đều rất thấp là dưới 5%, nếu tính bình quân, thì 48 quốc gia có số vốn 70% tức mỗi quốc gia chỉ vỏn vẹn 1,45%. Trung Quốc giang tay chia vốn cho 48 quốc gia còn lại hay bị 48 quốc gia này xé ra?! Tôi cho rằng, Trung Quốc sẽ tiến thoái lưỡng nan đối với 2 dự án này.

Như vậy, nếu khắc chế được Bắc Triều Tiên, để tránh một thảm họa hạt nhân. Trên mặt trận kinh tế Hoa Kỳ và Tây phương vẫn là các quốc gia thịnh vượng và dẫn đầu, một vài hỗn loạn do di dân từ Trung Đông qua châu Âu không phải là vấn đề nội tại không giải quyết được, trên khía cạnh an sinh và kinh tế.

Khi cục diện được sắp xếp lại ổn định sau hậu hội đàm Mỹ – Triều thì Thế Giới nói chung và Biển Đông nói riêng, sẽ có thay đổi theo hướng tốt hơn, bớt độc tài đi. Chúng ta sẽ chứng kiến một Bắc Triều Tiên thân thiện và cởi mở hơn, xích gần phương Tây hơn.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Hình như trò diễn Tần Thủy hoàng đang lặp lại.
    Với kịch bản và đạo diễn nào đây ?

Comments are closed.