Vụ án Hồ Duy Hải

FB Ngô Nhật Đăng

18-4-2018

Ảnh: internet

NỖI ĐAU

Nỗi oan thấu tận Trời, vẫn theo dõi số phận của Hồ Duy Hải, nhớ lại mấy năm trước. Không chỉ đút vào lò những kẻ tham nhũng, những kẻ như thế này nên tống vào lò trước.

Theo địa chỉ ghi trên “Giấy báo tử” và hướng dẫn của một người quen, chúng tôi tìm tới gia đình nạn nhân trong vụ án ở Bưu cục Cầu Voi – Thủ Thừa – Long An.

Địa chỉ ghi là khu phố, nhưng thật ra nó nằm sâu trong khu ruộng cách quốc lộ đến 3 cây số. Chúng tôi phải hỏi thăm nhiều mới tìm được đến nơi.

Vùng quê yên bình bị xáo động vì một việc dã man ngoài sức tưởng tượng của người dân, nên dù đã gần 8 năm nhưng nhiều người vẫn còn chưa quên.

Một ông già chỉ đường cho tôi:

– Chú đi khoảng 1 cây số, tới ngã ba, quẹo phải, đếm từ đó đúng 6 căn là nhà đó, có hàng cau kiểng trước mặt, Sáu M. tội nghiệp lắm…

Ngôi nhà xây gạch, nhưng không tô trát, bức tường đã loang lổ rêu xanh, chứng tỏ chủ nhân không còn muốn hoàn thiện nó. Có chừng 7, 8 người đang ngồi nhặt rau ở hàng hiên, nhưng cửa nhà vẫn đóng kín.

Anh Sáu M. chủ nhà rất ngạc nhiên khi thấy chúng tôi bước vào, anh khoác vội cái áo, mời chúng tôi ngồi xuống bộ bàn ghế đá trước nhà, rồi hỏi với vẻ đề phòng:

– Anh làm ở đâu, sao lại đến nhà tôi, có chuyện gì?

Khi nghe tôi trình bày muốn tới chỉ để thắp nén nhang cho con gái anh, chia sẻ sự mất mát của người cha, thì nét mặt anh dịu xuống, anh gọi:

– Em ơi, mở cửa cho hai anh chị vô thắp nhang cho con mình.

Căn nhà tuềnh toàng không có đồ đạc gì, ngoài ban thờ ông bà kê chính giữa và một ban thờ bên cạnh có di ảnh người con gái, nét mặt khá xinh xắn.

Người mẹ đưa cho tôi ba nén nhang, tôi châm lửa cắm vào bát hương, thì thầm vài lời với cô bé hơn con gái tôi có 1 tuổi mà sớm lìa đời, bị sát hại một cách dã man.

Người mẹ cầm cái phong bì tôi đặt lên, nhét lại vào túi áo tôi, nghẹn ngào:

– Chú đừng làm thế, chú đến chia sẻ với tôi là tôi cám ơn lắm rồi.

Chị khóc:

– Gần 8 năm rồi mà tôi vẫn chưa nguôi. Con ơi….

Người cha cũng trạc tuổi tôi, nét mặt thanh thoát, khá đẹp nhưng tiều tuỵ, tóc bạc trắng. Anh mời tôi hút thuốc, nói chuyện về công việc nhà nông vất vả, anh phải bươn chải ra sao để nuôi gia đình, một vợ bốn con, anh cười buồn:

– Bây giờ cái gì cũng cần tiền, học hành cũng vậy, mình phải mua chữ cho con đó anh. Chắc anh cũng trạc tuổi tôi, ngày xưa anh ở ngoài Bắc thế nào tôi không biết, chứ chúng tôi trong này đi học buổi trưa còn được suất bánh mỳ và sữa.

Đột nhiên anh bật khóc:

– Đôi khi tôi muốn huỷ mình, để huỷ luôn nỗi đau và niềm nhớ. Nhưng còn ba đứa em nó anh ơi. Một đứa tật nguyền, hai đứa nhỏ còn đang đi học.

Tôi im lặng, một lát sau dịu lại anh kể cho tôi nghe về cái ngày kinh khủng ấy, cái cảm giác mất đứa con đầu lòng mà anh cưng nhất, suốt bao năm qua anh phải gồng mình để sống: “Vẫn phải sống mà anh, nhưng mất cái vô giá của mình, sống tiếp nặng nề lắm”.

Người mẹ định kể về con mình, nhưng mới nhắc đến tên con chị đã nghẹn ngào, nước mắt ròng ròng, không nói lên lời.

Khi tôi hỏi anh nghĩ gì về việc Hồ Duy Hải, người bị coi là thủ phạm, đã bị tuyên án, nhưng có dấu hiệu oan sai. Anh nói không nghĩ gì, mọi việc để pháp luật, anh chỉ mong đúng kẻ thủ phạm phải đền tội để con và cháu anh đỡ oan ức.

Chúng tôi xin phép ra về, lòng nặng trĩu. Anh chị tiễn ra tận cổng, chỉ cho tôi con đường tắt về Tân An, hẹn tôi ngày quay lại. Tôi không dám hứa vì không chắc mình đủ can đảm quay lại.

Và chúng tôi quyết định tìm đến nhà của Hồ Duy Hải…

Người đón chúng tôi là em gái Hồ Duy Hải.

Nhà Hải khá khang trang, bên ngoài là một cửa hàng nhưng theo lời người dì ruột (chị của má Hải) thì đã đóng cửa từ ngày chuyện dữ xảy ra.

Mấy phóng viên trẻ của Sài Gòn Báo chuẩn bị, máy quay, máy ghi âm.. phỏng vấn mẹ và em gái Hồ Duy Hải. Tôi ngồi ngoài hiên chuyện trò cùng hai người dì của Hải.

Nhà toàn là phụ nữ, suốt 7 năm trời đìu ríu nhau đi kêu oan khắp mọi cửa. Tuyệt vọng khi thấy mọi cố gắng của mình chỉ rơi vào im lặng. Gia đình hoá ra lại là “gốc bự” (theo cách nói Nam Bộ). Ông nội của Hải, 50 năm tuổi đảng, bà cố ngoại là “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Huân chương, huy chương… đủ cả. Người dì chỉ tay lên bức tường trống trơn:

– Hồi xưa nhà tôi treo ảnh bác Hồ, bằng khen, giấy khen… đầy cả bức tường này. Giờ bỏ hết rồi. Cái thứ mình theo, mình tôn thờ hoá ra là đồ dỏm.

Khi biết tôi là người Hà Nội, chị vui hẳn lên:

– Hồi đầu, chị em tôi Hai Lúa lắm, ra ngoài đó cứ lơ ngơ may mà được nhiều người giúp.

Rồi chị kể cho tôi tên mấy người, hoá ra đều là những người mà tôi biết.

Khi Hải bị bắt, cả nhà gần như đổ sụp, hoang mang. Không hiểu họ lấy đâu ra sức mạnh và nghị lực suốt nhiều năm ròng rã như vậy khi chỉ dựa vào một niềm tin: “Tin rằng con mình vô tội”.

Người dì nói:

– Nếu thằng Hải có tội, gia đình tôi xin sẽ tự tay trừng trị nó. Nhưng nếu nó bị oan chúng tôi sẽ liều mạng với kẻ nào giết nó.

Chị nói thêm:

– Gia đình tôi chịu ơn nhiều người, nhất là cộng đồng trên mạng xã hội, cả báo chí nữa. Họ lên tiếng làm chính quyền cũng phải xem lại, nhất là động viên an ủi làm chúng tôi không còn thấy lẻ loi. Đi mới biết anh ạ, khắp nước mình đâu cũng oan khuất ngút trời. Tôi ân hận, nuối tiếc vì cha mẹ, ông bà mình từng đi theo con đường lầm lạc. Chúng tôi đã mở mắt ra rồi…

Tôi nhớ có lần một người từng “lầm lạc” nói:

– Dân mình tốt quá anh ạ, hy sinh tất cả. Đáng lẽ nhà cầm quyền phải cám ơn dân, phải thấy mình may mắn khi một chính phủ có được những người dân như thế. Ngược lại họ lại coi dân như cỏ rác, như bầy cừu để họ bóc lột, đè nén. Nhưng rồi sẽ có ngày họ phải trả giá, kẻ dùng kiếm sẽ chết vì kiếm.

VÀ… NHỮNG CÁI CHẾT BÍ ẨN

Bạn tôi, một chuyên gia trong lĩnh vực hình sự (anh được phong tước “Hiệp sỹ” vì những đóng góp của mình trong lĩnh vực hình sự cho quốc gia mà anh định cư) nói:

– Các vụ trọng án như vậy, tuần lễ đầu tiên thậm chí ngay ngày đầu tiên là rất quan trọng. Hiện trường và tang chứng, vật chứng đã bị phá huỷ bởi một lũ vô tổ chức, vô trách nhiệm, vô khả năng anh ạ.

Không những hiện trường, tang chứng, vật chứng bị phá huỷ mà cả những người liên quan cũng đã… chết.

Công an xã Huỳnh Văn Minh, người đã đốt con dao và cái thớt vì “không liên quan đến vụ án” sau đó nhờ người đi mua lại, chết năm 2009 tại trụ sở xã trong khi trực đêm vì… đột tử.

Công an xã Nguyễn Thanh Hải, với vai trò nhân chứng (người kể về vụ án mạng cho Hồ Duy Hải nghe), chết vì tai nạn giao thông khi trên đường đến UBND xã năm 2010.

Thượng tá Tiến, phòng cảnh sát điều tra công an tỉnh Long An, người gọi điện yêu cầu gia đình Hồ Duy Hải phải ký hợp đồng bào chữa với luật sư Võ Thành Quyết. Khi hợp đồng được ký xong thì việc khám xét nhà Hồ Duy Hải mới chấm dứt. Nhưng sau khi gia đình phát hiện luật sư Quyết từng là công an, từng là “sếp” của thượng tá Tiến, họ đã huỷ hợp đồng này và chọn luật sư khác. Ông Tiến cũng đã… chết.

Kiểm sát viên cao cấp thuộc Viện Kiểm sát phúc thẩm, Viện Kiểm Sát tối cao tại TP.HCM Trần Ngọc Lẫm, người giữ quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm xử Hồ Duy Hải, đã có lời nhắn gây chấn động:

“Đừng trách tôi đứng ra tuyên án tử hình Hồ Duy Hải… Hãy trách những người xúi tôi xử”.

Ông Trần Ngọc Lẫm, cũng… đột tử. Ông là người được đồng nghiệp nhận xét: “Giỏi nghiệp vụ và sống mực thước”.

Khi tôi ngỏ ý nhờ một người bạn đang làm việc ở Long An, nhờ anh dẫn đến nhà hai người được nhờ đi mua con dao và cái thớt thay thế cho tang vật đã bị huỷ, anh nói:

– Vô ích thôi anh, họ không gặp đâu, vì sao thì tôi chắc anh đoán được.

Tôi nói với anh về những đồn đại rằng đằng sau vụ án là một nhân vật có thế lực ghê gớm, anh phẩy tay:

– Thôi uống đi ông.

Tôi nhớ lời người dì của Hồ Duy Hải kể:

– Khi chúng tôi đi đưa đơn kêu oan ở Hà Nội, người ta nói không nhận trực tiếp, phải gửi qua bưu điện, thế là tôi đến khắp các Bưu cục gần chỗ mấy ông lớn ở để gửi. Một lần đến Bưu cục Quan Thánh, một bà hàng nước nói: “Chị đừng gửi ở đây, chúng tôi thấy chúng nó lại vứt bưu kiện ra xe rác đấy, toàn đơn kiện thôi”.

Dù rằng luật pháp, tư pháp ở nước ta còn rất nhiều vấn đề, nỗi oan khuất của dân đen ngút tận trời cao, nhưng người Việt từ đời ông bà vẫn tin rằng ngoài Công lý còn có THIÊN LÝ.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây