Hà Tĩnh đèo Ngang vẫn còn

Bá Tân

15-4-2018

Tối qua, 14/4/2018, VTV đưa tin (có hình ảnh kèm theo), Hà Tĩnh là mô hình điểm của phong trào nông thôn mới. Là người xứ Nghệ, tôi thật sự vui mừng đón nhận thông tin ấy.

Hà Tĩnh đang là tỉnh nghèo. Cái nghèo ở đây trở thành “đặc sản” và di căn đời này qua nhiều đời khác. Sau đại thảm họa Fomosa, tỉnh nghèo Hà Tĩnh càng trở nên… nổi tiếng.

Hà Tĩnh có cái đèo Ngang, nơi bà huyện Thanh Quan đi qua và để lại những vần thơ tuyệt tác. Đèo Ngang, theo cách nói lái của người Hà Tĩnh, “đèo ngang” là “đang nghèo”. Dân Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh không thể mãi mãi cùng chung số phận với cái đèo ấy.

Đèo Ngang tồn tại mãi mãi. Hà Tĩnh không thể mãi mãi nghèo. Người giàu nhất Việt Nam, tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng, quê Hà Tĩnh, thuộc huyện Can Lộc. Bằng chứng ấy cho thấy, khi đã vươn vai đứng dậy như Thánh Gióng, người Nghệ chẳng thua kém ai trên thương trường. Các trường học Hà Tĩnh nên khắc ghi khẩu hiệu: Học tập, làm theo tấm gương Phạm Nhật Vượng.

Hà Tĩnh nghèo kinh tế nhưng “siêu giàu” về chính trị. Hiên thời, tính theo nguyên quán, Hà Tĩnh có gần 20 UVBCH Trung ương đảng, chiếm tỷ trọng cao nhất cả nước. Là tỉnh nhỏ (cả về diện tích và dân số) nhưng Hà Tĩnh có đến 2 cố tổng bí thư: Trần Phú và Hà Huy Tập. Quan chức Hà Tĩnh có thể không biết dân đang nghèo nhưng họ luôn ghi lòng tạc dạ về cái truyền thống quý hiếm ấy.

Ở các nước văn minh, kinh tế và chính trị thường tỷ lệ thuận với nhau, giàu có đi liền với tài giỏi chính trị. Với Hà Tĩnh gần như ngược lại, phải chăng đó là bản sắc, là truyền thống, hay là…

Chỉ nhìn trên màn hình VTV, cho dù đẹp như tranh, chưa đủ tin cậy, thậm chí đáng nghi ngờ.

Đường làng, cổng xóm, thuộc nhóm tiêu chí xem xét và công nhận danh hiệu nông thôn mới. Cổng xóm, đường làng chỉ là cái khung tranh của một làng quê. Cái khung tranh không tạo ra giá trị đích thực của bức tranh.

Cổng to, đường lớn là cần nhưng hoàn toàn chưa đủ so với nhu cầu thực tế của người dân. Đời sống thường ngày, kể cả vật chất và tinh thần, đó là đáp số quan trọng nhất, chứ không phải sự hào nhoáng của cái cổng làng, của con đường được làm đẹp chỉ để khoe với khách.

Mới con đường, mới cái chợ, mới cổng làng là cần nhưng, nếu chỉ có vậy, khác chi khoác bộ quần áo mới lên một cơ thể xanh xao ốm yếu vì thiếu ăn và lùn văn hóa.

Cách đây chưa lâu, khi phát động phong trào xóa nghèo, có những huyện nghèo của Hà Tĩnh khai với tỉnh và trung ương bằng con số đẹp: Cả huyện không còn hộ nghèo. Dân bất bình tố giác, báo chí vào cuộc phanh phui, hóa ra sự thật hoàn toàn ngược lại. Lần này, rầm rộ phong trào nông thôn mới, Hà Tĩnh có đi theo vết xe đổ ấy không.

Nông thôn mới phải thật sự được tự do, phải biết đấu tranh cho tự do. Người đấu tranh cho tự do, người hiên ngang vạch trần dã tâm độc ác của bè lũ Fomosa lại bị đưa ra xét xử. Cách hành xử ấy là đạp đổ tự do, đối đầu dân chủ, kẻ thù của nông thôn mới.

Sẽ là tuyệt vời, thậm chí trên cả tuyệt vời, nếu Hà Tĩnh có được nông thôn mới đúng thực chất, thật sự xóa nghèo cho dân. Sẽ đáng buồn, thậm chí oán giận, nếu quan chức Hà Tĩnh làm nông thôn mới là chạy theo phong trào chỉ vì ghi điểm cho quan chức, còn người dân vẫn cứ tả tơi, lam lũ nghèo khổ, cả về vật chất lẫn tinh thần.

Hà Tĩnh có hai cố tổng bí thư, mấy nơi có được truyền thống lẫy lừng ấy. Ở thế giới bên kia, nơi không có người nghèo, chắn chắn hai cố tổng bí thư vẫn nhức nhối buồn rầu bởi cho đến tận bây giờ Hà Tĩnh vẫn đang là tỉnh nghèo.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Cũng nhờ cái tư tưởng cục bộ, tự cao tự đại, chỉ chăm lo cho cái gì thuộc về mình, tinh thần đồng hương đồng khói là trên hết của những người như tác giả bài này mà nước VN cứ trì trệ, lụi đụi không tiến được. Đáng tiếc thay ở VN có rất, rất nhiều người như thế, ở mọi khía cạnh trong xã hội. Nước Việt muôn năm …nghèo và lạc hậu là phải.

  2. Bí thư đảng công sản việt nam thì chẳng khác nào là một thằng chúa đảng cướp. có hay ho gì mà khoe

Comments are closed.