LTS: Bài báo “Thừa Thiên Huế: Người dân nói bị chém, công an bảo… không (?!)” đăng trên báo Thương Hiệu và Công Luận ngày 11-4-2018, chẳng được bao lâu thì bị gỡ bỏ. Tiếng Dân xin được đăng lại tại đây để phục vụ quý độc giả chưa kịp đọc.
_____
Trần Minh – Phong Điền
11-4-2018
Ngày 10/4/2018, trong buổi tiếp dân của Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, tại trụ sở Công an huyện Phong Điền, vợ chồng ông Trương Công Trung – Đặng Thị Kim Chi, thôn Quảng Lợi, xã Phong Xuân (huyện Phong Điền) đã đến “kêu cứu”…
Theo đó, ông Trung cho rằng, vợ ông, bà Đặng Thị Kim Chi (sinh năm 1980), bị ông Văn Đức Nguyên ở xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền) dùng rựa chém vào đầu gây thương tích.
Vụ việc xảy ra hơn 1 năm trời, vợ chồng ông đã gởi đơn thư khiếu nại nhiều nơi, nhiều cấp, nhưng đều không thấy hồi âm.
Phi lý hơn, ngày 13/9/2017, Công an huyện Phong Điền ra quyết định không khởi tố hình sự và cũng không đề cập đến việc bồi thường dân sự, gây bức xúc cho gia đình ông Trung và người dân trong vùng.
Dân nói bị chém, Công an huyện Phong Điền nói… không (?!)
Chúng tôi đã đến nhà bà Đặng Thị Kim Chi – đó là một ngôi nhà nhỏ, nghèo nàn, thấp lè tè nằm khuất sau một con đường nhỏ lầy lội, đầy bùn đất.
Khi chúng tôi đến, bà Chi (tên thường gọi là Hoa) đang còn chiếc khăn ướt đắp trên trán nặng nhọc ngồi dậy, cho biết: “Từ khi bị chém đến chừ, cứ hễ trở trời là người tôi cứ như bị sốt, đầu đau nhức như búa bổ, chỉ biết ôm đầu nằm, đắp khăn cho đỡ đau, không làm được chi hết”.
Ông Trương Công Trung – chồng bà Chi, một người lính phục viên trở về, cho biết: “Khoảng 14h chiều 25/2/2017, tôi đang sửa sang lại ngôi nhà bị dột ở phía trong, còn vợ tôi làm việc nhà thì vợ chồng ông Văn Đức Nguyên ở nhà kế cận cầm rựa qua gây sự, đòi cắm cọc ở phần đất nhà tôi để làm hàng rào. Vợ tôi không chịu cho ông làm và nói “làm gì cũng có cán bộ địa chính”. Lời qua tiếng lại một lúc thì ông Nguyên bất ngờ dùng rựa chém thẳng vào đầu vợ tôi. Máu ra nhiều, đổ ướt hết áo, vợ tôi ngất xỉu tại chỗ.
Nghe tiếng hét của vợ, tôi chạy ra thì vợ chồng ông Nguyên bỏ đi về nhà họ. Lúc đó, tôi và gia đình chỉ biết đưa vợ tôi đi cấp cứu và điện báo cho chính quyền xã Phong Xuân…
Tôi thấy ông Nguyên không có tình người khi đã cố ý gây thương tích cho vợ tôi, thế mà cả nằm viện và điều trị ở nhà hơn 1 tháng, ông Nguyên và gia đình không hề có lời thăm hỏi vợ tôi. Trong lúc gia đình tôi rất khó khăn phải chạy vạy mượn tiền lo thang thuốc, bới xách. Tôi cũng phải bỏ bê công việc để chăm sóc vợ”…
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, sau khi ông Nguyên dùng hung khí chém người, gần 1 tháng sau (ngày 23/3/2017), Công an huyện Phong Điền mới đưa bà Chi đi giám định vết thương và… để đó.
Sau nhiều lần khiếu nại, ngày 3/10/2017, Công an huyện Phong Điền mới mời bà Chi ra Công an huyện và đưa Quyết định số 37/QĐ-TH ngày 13/9/2017 “không khởi tố vụ án” – do Thượng tá Lê Viết Thanh – Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT – Công an huyện Phong Điền ký.
Ông Trung cho rằng, điều này thể hiện sự không minh bạch, bao che, cố tình “dìm” vụ án vì “nếu tôi không khiếu nại thì QĐ này, Công an huyện Phong Điền sẽ không gởi đến cho tôi”.
Theo chuyên gia Luật – Hoàng Minh Tâm (Công ty Luật Thiên Hà, TP Huế): Công an huyện Phong Điền không khởi tố vụ án là sai quy định của pháp luật. Vì theo điểm a, khoản 1, điều 104 Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009 về “tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác”, ghi rõ: Dùng hung khí nguy hiểm – cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11 – 30% hoặc dưới 11%, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Thứ hai, trong quyết định không khởi tố vụ án của Công an huyện Phong Điền, có nêu: “Qua xác minh điều tra, Cơ quan CSĐT – Công an huyện Phong Điền có đủ cơ sở để xác định thương tích 1% tại vùng thái dương phải trên đầu bà Chi là do cây rựa của ông Văn Đức Nguyên gây ra”.
Xác định như thế, nhưng quyết định lại phân tích theo hướng hoàn toàn ngược lại: “Tuy nhiên, không có cơ sở kết luận ông Văn Đức Nguyên có hành vi dùng rựa chém vào đầu bà Chi gây thương tích trên”.
Vậy thử hỏi: Vết thương trên đầu bà Chi, ai chém, nếu không phải từ rựa của ông Nguyên? Đồng thời, quyết định cho rằng tỷ lệ giám định thương tích của bà Chi là 1% (giám định sau 1 tháng) không tổn hại sức khỏe nên không khởi tố vụ án là thiếu căn cứ.
Vì thực tế cho thấy đó chỉ là vết thương bên ngoài, còn thần kinh của bà Chi vẫn chưa ổn định. Do ảnh hưởng của vết chém nên khi thay đổi thời tiết, đầu của bà thường đau nhức dữ dội không làm việc gì được chỉ biết đắp khăn ướt, nằm nhà, trong lúc bà là lao động chính, hai con còn nhỏ, ảnh hưởng lớn đến kinh tế gia đình
Có hay không sự bao che của một số cán bộ UBND huyện Phong Điền?
Vụ án “chém người gây thương tích” – đã được các cơ quan báo chí đặt ra với Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Văn Cao, tại cuộc giao ban báo chí ngày 5/2/2018.
Trả lời báo chí về việc không xử lý đơn thư khiếu tố, khiếu nại, để vụ việc kéo dài, ông Cao cho biết, ông đã trao đổi vụ việc với ông Hùng (Trịnh Đức Hùng – Chủ tịch UBND huyện Phong Điền) và ông Hùng trả lời “không biết vụ việc này, sẽ cho kiểm tra, xem xét” (?!).
Qua tìm hiểu, chúng tôi cho rằng, ông Hùng đã trốn tránh sự thật, vì đơn thư của vợ chồng ông Trung, bà Chi đã gởi đến các cấp ở huyện, tỉnh rất nhiều, trong đó có đơn khiếu nại đề ngày 25/9/2017, đơn khiếu nại lần 2 ngày 8/10/2017.
Thậm chí, trao đổi trực tiếp với PV ngày 13/3/2018, tại nhà ông Trung, bà Chi (Đoàn kiểm tra liên ngành giải quyết đơn thư khiếu nại tranh chấp đất đai của ông Văn Đức Nguyên), ông Nguyễn Hữu Chung – Phó chủ tịch UBND xã Phong Mỹ cho biết:
“Ông Nguyên bị bệnh, ăn rồi đi kiện, mà kiện không đúng. Ông cứ ra gặp ông Hùng (Chủ tịch UBND huyện – PV) và mấy ông ngoài huyện nói đủ thứ chuyện và mấy ông lệnh vào bắt giải quyết hết lần này đến lần khác. Và lần này cũng vậy, đoàn kiểm tra liên ngành xác định ông Nguyên khiếu nại sai sự thật”.
Cũng dịp này, trao đổi với chúng tôi về vụ án ông Văn Đức Nguyên chém người, Thượng tá Trần Tư Khoa – Phó trưởng Công an huyện Phong Điền và ông Trần Nam Trung – Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp cho biết: Sẽ tiếp tục xem xét và hướng dẫn bà Chi đòi bồi thường dân sự.
Từ thực tế tranh chấp đất đai giữa gia đình ông Văn Đức Nguyên với các hộ láng giềng, nhiều người dân 2 xã Phong Xuân và Phong Mỹ cho rằng, phải chăng ông Nguyên có người đỡ đầu? Vì lẽ, gia đình ông Nguyên mới làm sổ đỏ, nhưng các hộ láng giềng không hề hay biết để xác định mốc giới liền kề theo quy định.
Đã vậy, khi cấp sổ đỏ (Giấy CNQSDĐ), UBND huyện Phong Điền cấp luôn đường dân sinh cho ông Nguyên. Thậm chí như ông Trần Văn Toàn – Phó chủ tịch UBND xã Phong Xuân cho biết: “Ông Nguyên gây phiền hà cho UBND xã rất nhiều. Hôm nay mới ký văn bản xong, hôm sau đã nói ngược lại rồi kiện ra huyện. Huyện lại chỉ thị vào giải quyết, cứ vậy gây mất trật tự, ổn định xã hội”.
Trao đổi với PV, nhiều người dân ở cạnh gia đình ông Văn Đức Nguyên hay sản xuất ở khu đất kế cận cho biết, cũng thường xuyên bị gia đình ông, bao gồm vợ chồng ông, con gái, con rễ… gây gổ, dùng dao rựa đòi chém mỗi khi có sự bất hòa. Vì ông Nguyên hay đưa tên một số cán bộ có chức quyền của tỉnh, huyện ra dọa bà con, quen biết nên làng xóm rất sợ gia đình ông Nguyên và suy nghĩ ông có người bao che.
Ông Trần Đình Thành (45 tuổi), thôn Quảng Lợi, xã Phong Xuân cho biết: Ông Nguyên là cậu của tôi (em họ mẹ – PV), bản tính ông rất hung hãn. Mới đây, ông Nguyên đã nhổ mấy trăm cây keo mà tôi đã trồng mấy tháng tuổi. Khi vợ tôi biết chuyện qua nói thì ông vác cuốc rựa ra đòi chém, vợ tôi hoảng sợ bỏ chạy thì ông vác đá ném theo. Nguy hiểm hơn, khi xã Phong Mỹ (nơi ông Nguyên ở) cử ông Lê Tiến Hùng – cán bộ địa chính xã đến đo lại hiện trạng, xác định lại diện tích đất để cả hai bên khỏi tranh chấp, thì ông Nguyên và gia đình vác dao rựa ra đòi chém khiến ông Hùng và những người tham gia đo đạc phải bỏ chạy…
Ông Hồ Cu (46 tuổi), thôn Quảng Lợi, láng giềng với gia đình ông Nguyên cho biết: Tôi kêu ông Nguyên bằng dượng (bà con bên vợ). Đất của tôi tiếp giáp đất của ông Nguyên, đất của tôi có thẻ đỏ đàng hoàng, nhưng vẫn bị ông Nguyên tranh chấp, nhổ của tôi hơn 250 cây keo. Ngày 30/6/2017, tôi qua nói chuyện thì bị vợ chồng ông, con gái, con rể gây sự đòi đánh, đòi chém, tôi hoảng sợ bỏ về. Tôi định kiện, nhưng thấy ông có thế lực lớn quá. Vụ chém chị Chi đã lâu rồi mà cũng bị chìm xuồng… thì ai làm chi được ông cơ chứ?
Từ thực tế trên, chúng tôi cho rằng, vụ án tranh chấp đất đai dẫn đến chém người của ông Văn Đức Nguyên, xã Phong Mỹ (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) là điển hình của việc cấp đất sai trái, xử lý vụ việc “vô cảm” của các cấp chính quyền huyện Phong Điền.
Đầu tiên là việc cấp đất cho gia đình ông Nguyên không đúng quy trình, không đúng mốc giới, lộ giới gây phản ứng cho người dân có liên quan.
Tiếp đó, khi có khiếu nại, tranh chấp đất đai xảy ra thì UBND huyện Phong Điền không vào cuộc giải quyết rốt ráo sự việc mà thể hiện sự thiên vị, bao che dẫn đến tranh chấp lên đến đỉnh điểm là… chém người gây thương tích.
Thứ ba, khi vụ án chém người xảy ra, đáng lẽ cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc giải quyết sự việc; công an huyện cần khởi tố vụ án để điều tra làm rõ. Nhưng tất cả đều bỏ qua dẫn đến mâu thuẫnn sâu sắc hơn, khiếu kiện, khiếu nại kéo dài, mối bất hòa giữa hai gia đình là khó chấm dứt… và nguy cơ bùng phát việc mất ANTT là có thể xảy ra trở lại
Qua đó, chúng tôi đề nghị, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cần vào cuộc, không để sự việc kéo dài, “cái sảy nảy cái ung”, chỉ đạo các cấp, ngành huyện Phong Điền vào cuộc nhanh chóng, làm rõ sự việc, xử lý những kẻ khiếu nại không đúng, sai sự thật gây mất ổn định xã hội.
Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cần quan tâm chỉ đạo Công an huyện Phong Điền, xử lý nghiêm vụ án dùng hung khí chém người gây thương tích, không để kéo dài, thách thức dư luận.
Đừng để người dân nghi ngờ, ông Nguyên có thế lực bảo kê nên coi thường dư luận, coi thường pháp luật?