Nền giáo dục và những ung nhọt phá từ não trạng

Nguyễn Thế Yên

8-4-2018

Tôi vẫn thường xuyên theo dõi những vụ việc tiêu cực xảy ra trong ngành giáo dục, đặc biệt là khu vực mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Tôi cũng định không viết gì về vấn đề này vì còn hạn chế thông tin và cũng bởi rõ ràng rằng đó là hệ lụy tất yếu của nền tảng xã hội Việt Nam hiện nay.

Những vụ việc tiêu cực đã được đưa lên báo, đài và mạng xã hội trong suốt thời gian dài qua, có thể nói là phi giáo dục. Ví như vụ Ủy ban Thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) điều động 21 nữ giáo viên đi tiếp khách. Sau khi các cô giáo phản ứng, lại được chính ông bộ trưởng ngành giáo dục bênh vực giới lãnh đạo Thị xã chứ không phải là các cô; vụ hiệu trưởng trường tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy, HN) đi xe taxi vào trường gây tai nạn cho học sinh, nhưng bà hiệu trưởng “đáng kính” lại tìm cách chối tội, đổ cho học sinh chạy nhảy tự ngã; vụ giáo viên trường tiểu học Bình Chánh (Long An) phạt học sinh quỳ vì vi phạm nội quy nhà trường nhưng ngay sau đó nhóm phụ huynh lại bắt giáo viên đó phải quỳ xin lỗi mình trước thái độ làm ngơ và hèn hạ của gã hiệu trưởng nhà trường; vụ giáo viên trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè (TpHCM) lên lớp mấy tháng liền chỉ viết bảng, không giảng bài chỉ vì mâu thuẫn với học sinh, và gần đây vụ giáo viên chủ nhiệm, trường tiểu học An Đồng (An Dương, Hải Phòng) bắt học sinh uống nước rẻ lau bảng, đây là một sự vô cảm và không bình thường của một con người, vậy mà khi được hỏi, giáo viên đó lại vô tư nói rằng mình không rõ sự việc lại trầm trọng đến thế…

Rồi còn những vụ giáo viên mầm non bớt xén tiền ăn, đánh đâp, bạo hành trẻ nhỏ; nhiều giáo viên vô trách nhiệm, cắt xén chương trình học chính trên lớp để đưa vào các buổi dạy thêm của mình buộc học sinh học thêm để thu tiền; còn rất nhiều vụ bạo lực học đường giữ học sinh với học sinh, giữa giáo viên với học sinh; tình trang xưng ông, gọi bà, xưng vợ, gọi chồng với nhau và đặc biệt là tệ nói tục chửi thề của học sinh phổ thông đang diễn ra ngày càng phổ biến… Đó khác gì cái chợ tạp hỗn loạn đầy bất chắc chứ đâu phải là môi trường giáo dục.

Biếm họa của LEO về giáo dục

Nhưng đến cái vụ học sinh Song Toàn tố cô giáo gần một học kỳ lên lớp không giảng bài (như nói ở trên) lại bị chính bạn bè lớp mình cô lập và tẩy chay, sự việc đau lòng đó diễn ra công khai trước sự tuyệt vọng của lãnh đạo thành phố HCM khi mà bà Phó Chủ tịch UBND phát biểu chỉ đạo các cấp, các ngành và nhà trường khẩn trương làm thủ tục chuyển em đi trường khác để khỏi ảnh hưởng đến việc học tập của em và như vậy vô hình chung chúng ta đã chấp nhận cái tốt thất bại trước cái xấu, trong khi bà lại không đưa ra được một biện pháp điều tra xử lý nghiêm minh nào về những hành vi cô lập chia rẽ người phát giác thì thật là quá buồn và không thể nào hiểu nổi.

Một hành động dũng cảm của một học sinh, dám đứng lên tố giác việc làm tiêu cực của một cô giáo đã làm ảnh hưởng đến việc học tập của cả lớp trong nhiều tháng, dư luận những tưởng tập thể lớp đó thở phào nhẹ nhõm, cảm ơn và bảo vệ bạn mình nhiều lắm, nhưng không. Em lại bị chính những người mà em đấu tranh vì họ, liên kết với nhau (không loaị trừ vai trò bật đèn xanh hoặc làm ngơ của cô giáo chủ nhiệm?) để cô lập và tẩy chay em Song Toàn vì đã làm xáo trộn sự “ổn định” và mất điểm thi đua của lớp.

Đây là sự vụ xảy ra trong môi trường giáo dục không bình thường, các em là tương lai của đất nước mà có hành vi phản ứng như kiểu bầy đàn, liệu có cho chúng ta hy vọng đợi chờ tia sáng nào của ngày mai của một nền giáo dục khi mà cái ác đang ngự trị. Trong những vấn đề trên, chính quyền đã làm gì để bảo vệ người dân lương thiện, hay chỉ lo bảo vệ ghế và kẻ lắm tiền? Bộ giáo dục, ông Bộ trưởng cùng các ban ngành rất hùng hậu đang làm gì? Các ông có thấy hổ thẹn?

Tôi chưa nói đến chất lượng dạy và học trong nhà trường, giáo viên dạy cái gì và học sinh đã học được những gì. Chỉ cần nói tới một môn Ngữ Văn, cũng đang dạy và học dựa theo đề văn mẫu và chấm điểm cũng dựa theo tiêu chí bài văn mẫu thì thử hỏi các ông đang đào tạo những thế hệ người hay rô bốt cho đời sau? Những công cụ của tương lại chỉ biết copy bản mẫu, hành động theo sự giật dây của kẻ cầm dây, không cần tâm hồn, không cần sáng tạo và cũng không cần văn hóa truyền thống.

Có lẽ mối nguy cho vận mệnh đất nước không chỉ đến từ phương bắc mà còn đến từ chính những người đứng đầu của mỗi ngành, mỗi địa phương và của cả hệ thống bởi cái quy trình “Nhiệm vụ là do đảng phân công nên phải làm”, nó như cứu cánh, nó quan trọng hơn, cao cả hơn cả cái liêm sỉ và văn hóa từ chức.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Tiên Sinh, Thái Bá Tân.

    Trên cổng một trường nọ
    Ở Nam Phi, người ta
    Khắc câu nói nổi tiếng
    Của Nelson Mandela.

    “Muốn hủy diệt một nước,
    Không cần bom hạt nhân.
    Tên lửa và đại bác,
    Tàu chiến cũng không cần.

    Chỉ cần ngành giáo dục
    Của nước ấy suy đồi.
    Chuẩn thấp, chất lượng thấp
    Gian lận điểm và rồi

    Các bác sĩ nước ấy
    Sẽ giết chết bệnh nhân,
    Và các nhà chính trị
    Hoang phí tiền của dân.

    Mua bằng, gian lận điểm,
    Kỹ sư, nhà mới xây
    Nứt lún hoặc sụp đổ,
    Hoặc thẩm thấu suốt ngày.

    Cũng vì lý do ấy,
    Trong tay các quan tòa
    Công lý bị bóp méo,
    Gây hậu quả xót xa.

    Khi giáo dục xuống cấp,
    Trí thức thành lưu manh.
    Tôn giáo sẽ xung đột.
    Đất nước sẽ chiến tranh.

    Vì vậy, để sụp đổ
    Ngành giáo dục nước nhà,
    Tức là tự cho phép
    Sụp đổ một quốc gia.

    Nguồn Mạng.

Comments are closed.