Lò Văn Củi
4-4-2018
Anh bảy Thọt bậm môi giận dữ, nhưng thốt không ra lời, anh ư hứ:
– Đúng, đúng là… là những…
Ông Hai Xích lô ngạc nhiên:
– Chà, gì mà tức giận kinh vậy Bảy, bây phải giận lắm mới tím tái mặt luôn kìa.
Anh Bảy nuốt nước bọt cái ực:
– Dạ, sao… sao… không tức điên lên được hả ông Hai, con mà biết được những kẻ này con dộng thẳng vô mặt cho hả dạ, ra sao thì ra, đúng là những kẻ Hán nô, những kẻ bán nước.
– Phải, phải. Những kẻ Hán nô, bán nước đáng bị như vậy, mà chúng là những kẻ nào?
– Là kẻ Châu Hải Đường mang danh dịch giả, là kẻ Lam Điền mang danh nhà báo, là công ty Tao Đàn mang danh làm sách và phát hành sách, là Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, là Báo Tuổi Trẻ.
– Vụ này kinh thiên động địa nghen, phải rõ ràng chớ hổng có giỡn chơi đâu nghen Bảy.
– Dạ, rõ ràng đó. Cho con hỏi dân mình có bao giờ gọi tên nước mình là An Nam hông?
– Chắc là hông, phải hông ông Thầy?
Ông Thầy giáo cũng bực tức:
– Dạ, chắc chắn một ngàn phần ngàn là hông chứ hông có chắc là gì hết. Cho dù nước ta có bị đô hộ, có bị áp đặt tên như thế nào, dân ta cũng chẳng bao giờ cúi đầu theo. Trừ những kẻ Hán nô, cuối đầu làm tôi mọi mới gọi An Nam là tên miệt thị.
Anh Bảy vẫn không dễ nguôi giận dữ, anh tiếp:
– Vậy mà kẻ mang danh dịch giả, dịch một cuốn sách từ Trung Quốc lấy nguyên tên sách “An Nam Truyện”, công ty Tao Đàn phát hành và được xuất bản từ NXB Hội Nhà Văn vào tháng 03/2018, kẻ mang danh là nhà báo Lam Điền viết cả bài báo dài giới thiệu, báo Tuổi Trẻ đăng vào ngày 04/04/2018 với tiêu đề: ‘An Nam truyện khám phá lịch sử Việt Nam nhìn từ Trung Quốc’.
Lịch sử cần nhìn nhận khách quan, trung thực. Nhưng dù cho có muốn tìm hiểu lịch sử theo nhiều chiều khác nhau để có điều này, cũng không thể lấy tên nước ta như vậy, không thể lấy những tên bị áp đặt. Ông cha ta, và kể cả dân ta bây giờ không bao giờ chấp nhận tên này. Bà con cô bác thấy con nói có sai điều gì hông?
Bà con cô bác đồng tình và giận dữ không khác gì anh Bảy.
Ông Thầy giáo nói tiếp:
– Sau quá nhiều sự vụ xảy ra, bị hăm dọa tấn công nếu để các công ty nước ngoài tiếp tục thăm dò và khai thác dầu khí, thị uy bằng tập trận trên biển, chuyện những kẻ ở Cục Điện Ảnh vừa rồi duyệt phim “Điệp Vụ Biển Đỏ”, dân mình có quyền chỉ mặt đặt tên những kẻ này, những cơ quan này đích thị là công cụ tuyên truyền, tuyên truyền để Việt Nam sát nhập làm thuộc địa cho kẻ luôn luôn mang dã tâm bành trướng. Và dân mình có quyền nghi ngờ về cái gọi là “Hiệp ước Thành Đô”, hiệp ước bán nước giữ đảng của những kẻ lãnh đạo đã đi đêm vào những năm đầu thập niên 90.
Bà con cô bác đồng tình với ông Thầy. Chú Tám Thinh với đôi mắt đỏ hoe, chú bậc lên tiếng:
– Thử để sát nhập đi rồi biết tay với dân, và những kẻ Hán nô này nữa, liệu cái hồn bán nước.
Và bà con cô bác cũng thiệt là đồng lòng với chú Tám.