Bộ Tài nguyên Môi trường

FB Mai Quốc Ấn

6-4-2018

Đôi khi, tôi tự hỏi Việt Nam có cần Bộ Tài nguyên & Môi trường không? Đó chỉ là cách bông lơn về sự thiếu trách nhiệm của Bộ này. Còn nghiêm túc, hãy bắt đầu bằng một số thông tin sau:

85% của 70.000 tấn rác thải mỗi ngày tại Việt Nam đều được xử lý chôn lấp. Trong khi đó, các doanh nghiệp xử lý rác thải cần có được nguồn nguyên liệu ổn định nhưng lại không tìm được ở đâu. Báo Đại đoàn kết gọi thẳng hiện trạng này là lãng phí và ô nhiễm.

Tiếp đến là tro xỉ nhà máy thép và nhiệt điện, cũng không được xử lý khác đi. Từ năm 2020 thì mỗi ngày có khoảng 1.000.000 tấn tro xỉ “ra đời. Vẫn chủ yếu là “công nghệ” chôn lấp! Tính sơ thì cả tro xỉ thép và tro xỉ nhiệt điện cần hơn 50 triệu m2 đất để chôn lấp vào 2035. Cũng khoảng thời gian này, ước tính của Havard có 25.000 người chết/năm vì ô nhiễm nhiệt điện.

Nước bị ô nhiễm cũng là một thực trạng nhức nhối của quốc gia. Chất lượng nước mặt đi xuống, nước ngầm sụt giảm và ô nhiễm trên diện rộng. Ngoài các báo cáo về môi trường nước của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng phát triển Châu Á thì chính số liệu báo cáo trong nước cũng cho thấy mỗi năm có 9.000 người chết vì ô nhiễm nước.

Không khí- thứ mà ai cũng phải sử dụng để tồn tại- đang ô nhiễm nhanh nhất. Ô nhiễm không khí- nguyên nhân lớn nhất tạo ra ung thư- “giúp” Việt Nam đứng nhì thế giới về lượng người mắc ung thư. Đến 2020, số lượng người chết vì ung thư tại Việt Nam “chỉ” 315 người/ngày, khoảng 115.000 người/năm.

Sau hơn 15 năm hoạt động của Bộ Tài nguyên môi trường, mọi thứ đều đi xuống; chỉ có nhân sự của Bộ là phình ra, có giai đoạn 3 sếp quản… 1 lính. Chuyện ông Bộ trưởng đi chơi golf lúc bão lũ hay ông Thứ trưởng cho rằng hỏi nguyên nhân cá chết là… tổn hại quốc gia chỉ là những ví dụ nhỏ.

Một ông Cục phó xíu xiu của Bộ sau khi vi hành miền Tây mất 400 triệu cũng là chuyện nhỏ hơn!

Chỉ có những quy định khó hiểu của Bộ Tài nguyên và Môi trường việc quản lý tài nguyên và môi trường mới thực sự lớn chuyện! (Tôi sẽ phân tích trong bài viết sau.)

Chỉ là tôi sẽ hỏi ông Trần Hồng Hà- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, nếu tôi gặp ông ấy: “Bãi chứa tro xỉ của nhiệt điện Mông Dương còn 10 ngày sẽ kín bãi vì không xử lý được. Tương tự, nhiệt điện Duyên Hải còn 240 ngày và nhiệt điện Vĩnh Tân còn 390 ngày, tính từ thời điểm tôi đăng status này. Xin hỏi Bộ trưởng, dân Tuy Phong từng chặn quốc lộ, ném bom xăng vào cảnh sát cơ động vì không chịu nổi ô nhiễm; vậy sao Bộ trưởng dám tuyên bố trước NHÂN DÂN, Đảng và Chính phủ rằng “có thể yên tâm về môi trường ở các nhà máy nhiệt điện?”

Đấy là tôi chưa hỏi thêm về việc vận hành nhiệt điện cũng như nhiều dự án mà chưa có ĐTM (Đánh giá tác động môi trường) do ngành của ông Trần Hồng Hà thẩm định và cấp đấy ạ!

Chú thích: Ông Trần Hồng Hà (ảnh 1, nguồn Tri Thức Trẻ) và các phát ngôn. Tôi không biết ai cố vấn hình ảnh và phát ngôn cho Bộ trưởng vì xem xong thấy “ấy” lắm luôn…

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây