“Chuyến xe cải cách”

FB Mai Quốc Ấn

2-4-2018

Hiện tượng “trên nóng, dưới lạnh” được Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu ra tại Quốc hội vào đầu tháng 11/2017. Đến giữa tháng 11/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận còn tình trạng này và có thờ ơ, đùn đẩy trách nhiệm lên cao ở các bộ ngành, các cấp.

Hiểu đơn giản là trên bảo, dưới không nghe!

Đất nước trong nhiệm kỳ của ông Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu có những chuyển biến khi GDP tăng vượt 7%, 2017 cao nhất trong 10 năm qua. Bội chi ngân sách cũng thấp nhất trong 1 thập niên trở lại đây. Nhưng sẽ thuyết phục hơn nếu tăng trưởng GDP không tập trung vào chỉ 2 nguồn là bán tài nguyên và thuế của doanh nghiệp FDI. Và 115.000 tỉ bội chi ngân sách cho thấy vẫn có nhiều cán bộ không cần kiệm.

Mặt trái của đổi đất lấy hạ tầng (cũng là một dạng bán tài nguyên) đã lộ ra khi đất đai tới hạn và các mâu thuẫn xã hội khi thu hồi đất, sự lợi dụng chính sách kiểu Vũ “nhôm”. Doanh nghiệp FDI không phải là sức mạnh kinh tế nội tại của quốc gia và mặt trái đi kèm câu chuyện chuyển giá hay đời sống công nhân xuống thấp đến mức… biểu tình.

Các chương trình start-ups có vẻ đã đi đúng hướng khi nhiều sự kiện start-ups và các chương trình kêu gọi đầu tư được Chính phủ phát động tại các địa phương thu được một số kết quả khả quan.

Nhưng trên “nóng” mà dưới “lạnh” thì về lâu dài sẽ bất ổn!

Lấy ví dụ cụ thể: Giữa tháng 10/2017, ông Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo đóng cửa rừng và xử lý nghiêm những ai vi phạm. Từ đó đến nay, nhiều vụ phá rừng vẫn diễn ra, thậm chí ngay tại quê hương Thủ tướng (bị phá rừng phòng hộ sông Côn). Thậm chí, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình phải thốt lên: “Việc tôi giao cho các Bộ hơn 2 năm mà chưa làm xong.”

Biếm họa trên mạng về lâm tặc phá rừng

Cỡ Thủ tướng và Phó Thủ tướng thường trực chỉ đạo mà còn “lờn” nghĩa là cấp dưới “siêu lạnh”?

Nói về dưới “lạnh” thì Báo cáo đánh giá Chỉ số công khai ngân sách OBI 2017 vừa được công bố ngày 29/3/2018 cho thấy 10 năm qua Việt Nam không tiến bộ về công khai ngân sách. Thậm chí, 4 tỉnh là Bạc Liêu, Hậu Giang, Tây Ninh và Ninh Bình nhận điểm 0 về công khai ngân sách.

Trong một quy trình bất cập thì việc các cán bộ thực hiện đúng quy trình có thể chỉ dẫn đến sự máy móc, thậm chí hậu quả nếu cứ tiếp tục đẩy phần thiệt về phía nhân dân. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đã đặt ra vấn đề về “lợi ích nhóm” trong soạn thảo văn bản pháp luật, khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào 19/3/2018.

Trên “nóng” nhất có lẽ không có gì ngoài cuộc “đốt lò” mà Đảng lẫn Chính phủ với tất cả các công cụ có thể đang vào cuộc. “Củi” các loại từ cấp xã cho đến cấp Ủy viên Bộ chính trị đều có thể “cháy”. Và quá trình này chắc không dừng lại trong năm nay.

Cải cách thể chế bắt đầu từ cải cách hành chính. Đó là một cơ hội lớn cho Thủ tướng “ghi điểm” trước nhân dân. “Chuyến xe cải cách” của ông Nguyễn Xuân Phúc có vẻ đi đúng hướng dù nó không mới; vì năm 2006, bà Phạm Chi Lan đã khái quát “Nhà nước nhỏ nhưng mạnh và xã hội to” khi nói về cải cách hành chính.

Tôi biết nhiều người vẫn dõi theo và ủng hộ ông Nguyễn Xuân Phúc. Chỉ tiếc là “chuyến xe cải cách” đã bị vấp “ổ gà” mang tên đất sân golf Tân Sơn Nhất. Hy vọng nó không bị lặp lại ở các lĩnh vực khác…

Hy vọng ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ “uống cà phê” đầu tuần và bắt đầu từ việc chấn chỉnh nội các Chính phủ. Cụ thể là rà soát thất thoát công sản để thu hồi và lôi hết các cán bộ bất cứ cấp nào chỉ biết tư lợi cho bộ ngành mình mà làm thiệt hại cho đất nước.

Tập đoàn Than & Khoáng sản (TKV) chẳng hạn…

P/s: Tôi vẫn đồng cam cộng khổ với Chính phủ để trả nợ công dù tôi không xài phí xu nào ngân sách. Nhưng nếu Thủ tướng- như mọi bá tánh bình dân khác- biết rằng Thanh tra Chính phủ cho Trưởng đoàn thanh tra có vợ là người làm trong TKV để thanh tra thì liệu dân có yên lòng không? Và đấy chỉ là 1 ví dụ trong số nhiều “trên nóng, dưới lạnh” ngăn trở “chuyến xe cải cách”.

Một trong những câu nói nổi tiếng của TT Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: internet
Bình Luận từ Facebook