28-3-2018
Ngày 5/4/2018 sắp tới, chính quyền độc tài Việt Nam sẽ đưa ra xét xử 6 thành viên của Hội anh em dân chủ, đó là: Luật sư Nguyễn Văn Đài, Doanh nhân Nguyễn Bắc Truyển, Ký giả Trương Minh Đức, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, Kỹ sư Phạm Văn Trội và Cô giáo Lê Thu Hà.
Họ đều là những thành phần ưu tú của xã hội Việt Nam đương thời. Họ đứng lên đấu tranh đòi xây dựng một chế độ dân chủ ở Việt Nam. Họ đang bị cầm tù bởi chế độ công an toàn trị của đảng cộng sản Việt Nam.
Để cùng mọi người dấy lên phong trào đòi nhà cầm quyền Việt Nam phải thả ngay không điều kiện những người con yêu nước này, tôi xin chia sẻ trong bài viết này một số hiểu biết cá nhân: Dân chủ là gì? Như thế nào mới gọi là dân chủ?
Chữ dân chủ (démocratie – democracy) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ đại. Trong đó, chữ demos có nghĩa là nhân dân ; chữ kratos có nghĩa là quyền, sức mạnh.
Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln đã tóm tắt ngắn gọn: dân chủ là « chính quyền của dân, do dân và vì dân ».
Dân chủ đã được hầu hết các dân tộc trên hành tinh công nhận là chế độ chính trị tốt đẹp nhất, hoặc không muốn nói là chế độ ít xấu nhất, với hiểu biết rằng không phải bất cứ chế độ dân chủ nào cũng đã hoàn hảo, các dân tộc luôn phải đấu tranh để luôn luôn hoàn thiện nó, làm cho nó ngày một tốt hơn lên.
Do vậy, dân chủ là đối ngược với độc tài. Trong chế độ độc tài quyền lực không thuộc về nhân dân mà nằm trong tay một nhóm người hoặc một cá nhân không phải do nhân dân bầu ra.Tại Việt Nam, đó là đảng cộng sản Việt Nam.
Một Nhà nước được coi là dân chủ, chỉ khi nó đáp ứng được một số điều kiện sau :
+ Bầu cử phổ thông đầu phiếu: nhân dân có quyền tối cao, tất cả mọi công dân đến tuổi đều có quyền bầu cử.
+ Mọi công dân đều có thể được bầu và tham gia chính phủ.
+ Bầu cử tự do: không để bất kỳ một áp đặt nào tác động ảnh hưởng đến người cử tri.
+ Các quyền tự do cá nhân phải được ghi rõ và cam kết bởi Hiến pháp.
+ Phân chia quyền lực: Đảm bảo tính hiệu quả của việc phân chia quyền lực. Phân biệt ba loại quyền lực: quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Để việc phân chia quyền lực hữu hiệu, thì ba quyền này không để tập trung vào trong tay của một con người hoặc một nhóm người.
+ Tự do báo chí: Các phương tiện truyền thông phải được độc lập và không chịu bất cứ một áp lực nào từ bộ máy chính trị.
+ Nguyên tắc đa số: Những quyết định chính trị quan trọng phải do người dân chấp thuận theo nguyên tắc đa số.
Trong một chế độ dân chủ, bản thân từng người dân cũng cần có tư tưởng và thái độ dân chủ.
Hội Anh Em Dân Chủ hướng tới xây dựng những con người dân chủ và đang đấu tranh với chế độ để xóa bỏ độc tài, xây dựng một chế độ dân chủ ở Việt Nam. Họ vô tội. Chính quyền phải trao trả tự do vô điều kiện với 6 anh em dân chủ nói trên.