Từ những quyển sổ tang

FB Nguyễn Văn Thọ

22-3-2018

Bút tích của Tổng Thống Đức Joachim Gauck trong sổ tang gia đình Helmut Schmidt. Ảnh: internet

Hôm nay, sau khi cố thủ tướng Phan Văn Khải đã về nơi yên nghỉ, tôi mới dám viết ra điều này, mặc dù mấy hôm nay trên mạng đầy rẫy những tranh cãi về ông. Tranh cãi vì người bênh cho là ông Khải cũng như ông Võ Văn Kiệt, ông Võ Nguyên Giáp hơn các chính khách mà chưa chết đã bị chửi ở sự liêm khiết, ở lòng thương dân và biết lắng nghe. Người chê thì cho là các ông cũng vẫn đặt dân và nước sau đảng, sau chế độ.

Tôi không muốn sa vào các cuộc tranh cãi đó lúc này mà chỉ muốn nêu cảm nhận khi đọc bút tích của giới chính trị thượng tầng Việt Nam viếng một đồng chí, đồng nghiệp đã mất.

Tất cả các lời chia buồn đều kể lể công lao của người quá cố đối với một sự nghiệp nào đó, nêu cả các danh hiệu mà người chết đã đạt được. Giả sử tôi đến chia buồn gia đình bạn thì phải kể công ơn của ông cụ đã nuôi nấng bạn tôi, đã thương yêu bà mẹ cậu ta và để lại cho bà mấy căn nhà….

Tất cả các lời chia buồn đều được kết thúc bằng các chức vụ của những người đến viếng, không những chức vụ đảng, mà cả chức vụ chính quyền và không quên học vị. Người nào đã về hưu thì ghi các chức vụ đã kinh qua. Đến khoản này thì thường dân như tôi chịu, không biết viết ra sao vì chẳng có chức gì.

TBT Nguyễn Phú Trọng thì cẩn thận hơn, cho thư ký đến ghi trước vào sổ tang cho đúng với tinh thần đã định, ông chỉ cần điểm chữ ký vào đấy là xong. (Xin xem các ảnh đi kèm)

Tò mò, tôi tìm bút tích của các chính khách Đức khi viếng cố thủ tướng Đức Helmut Schmidt mất ngày 23.11.2015. Cả tổng thống Đức J. Gauck, thủ tướng A.Merkel và ngoại trưởng F.W. Steinmeier đều viết tay rất ngắn gọn, bày tỏ lòng thương tiếc ông Schmidt và ký tên mộc mạc, không ai ghi chức vụ cả. Xem ảnh:

Bút tích của Tổng Thống Đức Joachim Gauck trong sổ tang gia đình Helmut Schmidt. Ảnh: internet

Thì ra một đất nước được lãnh đạo bởi những con người mà khi chia buồn ai cũng nêu chức vụ sẽ sản sinh biết bao kẻ háo danh, sản sinh ra nạn mua bằng, mua chức, ra các loại hội đoàn, ra các góc chiếu giữa đình….

Trong đất nước mà những lời chia buồn đồng nghiệp tốn kém nhiều mực như vậy, người dân sẽ mất nhiều mồ hôi hơn để kiếm cơm, mất nhiều nước mắt hơn để tìm công bằng và mất nhiều máu hơn để có hòa bình.

Ảnh: Báo NLĐ
Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Quá dài dòng, rườm rà, lại không dùng tư cách cá nhân với nhau mà cứ tiếp tục “thay mặt” này nọ để tỏ lòng tiếc thương! Thay mặt cái khỉ gì nhỉ? Nên bỏ ngay phong cách này đi! Chẳng lẽ diễn văn truy điệu không đủ để gom tất cả tình cảm mọi người với người quá cố hay sao mà đến lúc ghi sổ tang vẫn lại thay mặt, thay mặt???

  2. – Tại sao lại “vĩnh biệt” nhau?
    Các đồng chí vẫn còn cái hẹn, cùng nhau đi gặp Mác, Lênin… trong hỏa ngục, dưới âm phủ cơ mà?

Comments are closed.