Phản đối những hành động bạo lực

FB Đoàn Bảo Châu

15-3-2018

Ông Trương Dũng bị an ninh đánh gãy răng hôm 14/3. Ảnh: FB Thảo Teresa

Tôi phản đối những hành động bạo lực, xâm hại thân thể công dân, chà đạp lên pháp luật của những người thuộc lực lượng an ninh khi họ bắt giữ và đánh đập anh Trương Dũng (Dũng Trương) ở chính cơ quan an ninh điều tra Bộ Công An số 3 Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội.

Hôm qua, sau khi tham dự lễ tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh ở đảo Gạc Ma, chị Nguyễn Thúy Hạnh bị bắt, khi anh Trương Dũng đã đến chờ ngoài cổng ở số 3 Nguyễn Gia Thiều, anh đã bị những người mặc thường phục lôi vào đồn và bị đánh đến ngất xỉu. Sau đấy họ thuê taxi chở anh về đầu ngõ rồi vứt xuống. Đến 10 giờ đêm, một người hàng xóm nhận ra và đưa anh về nhà. Những người bạn biết tin đã đến đưa đi cấp cứu trong tình trạng răng cửa bị gẫy, nhiều vết thương trên mặt, và người.

Tôi biết anh Trương Dũng là người trực tính, anh thường dùng những lời lẽ quyết liệt với những nhân viên an ninh và có lẽ chính vì vậy mà anh đã bị đánh đập rất nhiều lần.

Nhưng tại sao lại họ lại chọn vào ngày 14/3, ngày tưởng niệm những chiến sỹ Gạc Ma để bắt bớ và đánh đập? Tại sao họ không thể hiện sự tôn trọng với buổi lễ?

Cho dù có ghét những người như chị Nguyễn Thuý Hạnh hay anh Trương Dũng đến đâu thì những người thuộc lực lượng an ninh cũng không thể hành động tuỳ tiện, chà đạp lên pháp luật để xâm hại quyền công dân, bắt bớ và đánh đập những người đang có đầy đủ quyền công dân như thế được?

Là những người làm trong bộ máy nhà nước, lại được giáo dục về pháp luật đầy đủ nhất, tại sao họ tự cho phép mình đứng trên pháp luật như thế được?

Không thể dùng bất cứ một lý do nào cho sự bắt bớ và đánh đập ấy, khi mà chỉ có vài người tụ tập thắp hương, không đông người, không gây rối trật tự công cộng.

Những câu chuyện như thế này đã xảy ra quá nhiều rồi. Điều đáng buồn là những tiếng phản đối như thế này cũng sẽ lại như những viên sỏi ném ao bèo, cũng y như trường hợp bọn côn đồ nhân danh chống cờ vàng xông vào nhà đánh đập mấy người phụ nữ trong tp HCM, rồi cũng sẽ chẳng đi đến đâu.

Và điều đáng buốn nhất là công luận sẽ chỉ đọc lướt qua, xếp xó và lờ đi như thể mấy người bị đánh là tội phạm không đáng được bênh vực, như thể công lý chỉ là trò đùa, pháp luật chỉ là trò hề.

Nhưng họ không hiểu rằng, xã hội là của chung, khi sự chà đạp lên pháp luật được lờ đi thì rất có thể một ngày nào đấy chính họ sẽ phải chịu sự bất công, sự bẩn thỉu của một xã hội hành xử theo luật rừng.

Và chính những người thân của những người đã xuống tay tàn nhẫn với những người đấu tranh có thể cũng sẽ là nạn nhân của sự bất công. Khi xã hội sạch sẽ, thượng tôn pháp luật thì cũng giống như một không khí trong lành, ai cũng được hưởng và ngược lại, khi nó bẩn thỉu thì ai cũng phải gánh chịu.

Đã bao giờ các bạn tự hỏi những người ấy đấu tranh để làm gì chưa? Để cho chính bầu không khí này trong lành hơn. Nhưng họ mới ít ỏi và cô đơn làm sao trong cái xã hội giả vờ mù loà và hèn nhát này. Tôi yêu quý và trân trọng họ biết bao nhưng tôi cũng cảm thấy rất rõ ràng sự bất lực của họ. Họ như những hiệp sỹ chiến đấu một cách tuyệt vọng với những cối xay gió và điều họ nhận được chỉ là sự thờ ơ, lãnh đạm của đám đông.

Tôi nghĩ thực trạng này hoàn toàn xứng đáng với người Việt. Bởi nếu cho họ một xã hội tốt hơn, thì họ cũng không biết trân trọng.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Liệu có phải nhắc lại lời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu không ?
    Cộng sản, mồm chúng leo lẻo ” không được đánh phụ nữ dù chỉ bằng một nhành hoa”, nhưng chúng lệnh cho công an côn đồ các loại cùng bọn lưu manh ma cô đầu đường xó chợ đón đánh Trần Thị Nga, Phạm Đoan Trang đến què liệt mang tật suốt đời.
    Cái tài tình của cái lũ mạt hạng ấy, kể lắm mỏi mồm.
    ” Nước biển Đông rửa không sạch tội ” lũ giặc này .

Comments are closed.