Gạc Ma

FB Nguyễn Hồng Lam

14-3-2018

Ảnh: internet

Ba chục năm trước, tôi đang học lớp 11 tại Trường PTTH An Phước, Ninh Phước, Thuận Hải. Buổi chào cờ giữa tháng 3 năm đó bỗng nhiên trở nên nghiêm trang và đầy lo âu khi thầy Hiệu trưởng, cũng là ông cụ thân sinh của tôi mở đầu bằng yêu cầu cả trường cúi đầu mặc niệm. Sau đó cụ lôi tờ báo Nhân Dân ra đọc cho cả trường nghe: Trung Quốc vừa gây thảm sát Gạc Ma, 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam thiệt mạng.

Những tuần lễ sau đó, trường vẫn dạy, vẫn học, nhưng không khí trầm mặc, nghiêm trọng và hồi hộp như sắp có chiến tranh. Thang Do, gã bạn cùng lớp ở Cà Ná không biết lấy thông tin từ đâu, đưa ra một thông báo không dẫn nguồn, không kiểm chứng: có hai xuồng cao tốc chở lính Trung Quốc có vũ trang từ ngoài khơi lượn vòng, áp sát cầu 41, đoạn quốc lộ 1 lượn qua mép biển giữa Cà Ná (Ninh Phước) và Vĩnh Hảo (Tuy Phong, nay thuộc Bình Thuận). Lượn sát vào rồi ra ngay, mất hút…

Cả trường trung học trở nên hối hả. Những đợt lao động sau đó, các lớp đều tập trung vào một việc: đào một con hào bao quanh khuôn viên trường rộng mênh mông, phía ngoài có hàng xương rồng cao dày bao phủ. Có lẽ nếu có giao tranh, công sự và dải lá chắn xương rồng kia chắc cũng không nhiều tác dụng giúp đám tự vệ học sinh “cố thủ” được lâu trước súng đạn. Nhưng ít ra, nó cũng nhắc cho một thế hệ nhớ mãi: đã từng có mùi chiến tranh bay vào tận trường học thời bình. Không hiểu sao bọn học trò chúng tôi cứ kháo nhau suy đoán: nếu có chiến tranh, bờ biển Cà Ná rất có thể sẽ là nơi Trung Quốc nhắm đển để đổ bộ!

Năm đó, trường chỉ 7 lớp, mỗi lớp 4 tổ, khoảng 50 học sinh. Mỗi tổ được phân làm 1 cáng và 1 túi cứu thương. Cáng đơn giản, chỉ là hai đoạn ống tre 2 bên, dùng dây nilon đan qua đan lại thành một tấm lưới mắt cáo ở giữa. Túi cứu thương cũng chỉ có vài cuộn băng, gạc y tế và một lọ thuốc đỏ.

Chờ mãi không nghe súng nổ, chiếc cáng được đem ra phủ bao xác rắn, bao tải trên lưới đem khiêng đất trong những buổi lao động. Bông băng thuốc đỏ thì tự nó vơi mất dần dần, đi đâu chẳng rõ. Chỉ nỗi ám ảnh chiến tranh và hai từ Gạc Ma là vẫn nằm lại trong ký ức một thế hệ học trò. Ký ức cũng như túm bông nhẹ tênh, rơi rụng dần, giờ không nhiều người nhớ…

Tôi và vài ba người khác thì không quên. Nhưng phải 10 năm sau đó, tháng 4 -1998, tôi mới có dịp được theo tàu HQ – 996 ra Trường Sa, tham gia thả vòng hoa xuống biển viếng những người lính bỏ mình ở vùng biển nằm giữa Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao.

Ám ảnh được thay bằng hình ảnh khác. Suốt 30 năm nay, từ khi lưng còn thẳng đến lúc đã còng, cứ đến dịp 14-3, vợ chồng cụ Hoàng Nhỏ ở làng biển Tân Định, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình vẫn khói hương cho 64 liệt sĩ. Cụ xem tất cả các anh đều là con cái của mình. Cụ Nhỏ là cha của liệt sĩ Gạc Ma Hoàng Văn Túy hy sinh ngày 14 -3 -1988. Theo nhà báo Dương Minh Phong (SGGP), đám giỗ nào cụ Nhỏ cũng bày 64 chiếc bát, 64 đôi đũa, 64 bộ áo lính ra bàn thờ lập bên mép sóng. Con cháu của cụ ở làng biển cũng về giúp cụ một tay.

Năm nay, cụ bà đã mất, cụ ông vẫn một mình cùng con cháu làm đám giỗ. Cụ Hoàng Văn Nhỏ đã 88 tuổi. Không biết cụ còn sức, còn hơi để còn mấy lần còng lưng thắp hương bái vọng về phía biển. Rồi sau đó…liệu còn ai nhớ để thay cụ hương khói cho con trai, cho 64 người lính đã vì nước bỏ mình?

Lịch sử thì không ai có thể xóa, chỉ lo lòng người hời hợt sẽ mau quên…

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây