Đồ lô-can và óc vọng ngoại

Thạch Đạt Lang

11-3-2017

Thuở nhỏ, đầu thập niên 60, khi còn ở tiểu học, thỉnh thoảng nghe người lớn nhận xét về một vài món đồ dùng trong nhà: Ôi! Đồ lô-can! Hư là phải rồi! Tôi thật sự không hiểu lô-can là gì nhưng không hỏi thêm. Mãi đến khi lên trung học, bắt đầu học tiếng Pháp, tôi mới biết hai chữ lô-can (local) có nghĩa là địa phương. Đồ lô-can là đồ sản xuất tại địa phương, đồ nội địa, làm trong nước.

Từ cây bút bi, cái sườn xe đạp, chiếc hộp quẹt, ấm đun nước đến bóng đèn điện, bếp gas…tất cả những đồ dùng nào không bền, nhanh chóng bị hư, phải phế thải… đều dễ dàng bị gán cho mấy chữ “Đồ lô-can” cho dù là sản xuất trong Chợ Lớn hay bất cứ đâu.

Chữ lô-can, thực tế không có nghĩa gì xấu, nhưng vào thời điểm đó, chữ lô-can được gắn vào một món hàng (chưa biết sản xuất tại đâu, nước nào) đã ngụ ý đánh giá món hàng là dỏm, dở, không có phẩm chất, mau hư, mòn…Nặng nề hơn, mấy chữ lô-can bao hàm ý chê bai tất cả các hàng hóa được chế tạo, sản xuất trong nước.

Hai chữ lô-can ngày nay ít còn được nhắc tới trong tiếng Việt nhưng (dường như) ảnh hưởng tai hại về văn hóa của nó vẫn ngấm ngầm tác động trong tâm thức người Việt.

Nói cho rõ hơn, sau hơn 70 năm bị cai trị dưới chế độ CS, tâm thức vọng ngoại của người Việt Nam càng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Ý chí tự lực, tự cường của dân tộc bị kềm hãm, ngăn chận bởi những chính sách giáo dục, những kế hoạch ngu dân có hệ thống của chế độ.

Tâm thức vọng ngoại ở người dân miền Nam trước đây là hậu quả thời kỳ đô hộ gần 100 năm của người Pháp, hễ bất cứ cái gì của Pháp sản xuất cũng đều được đánh giá tốt hơn, bền hơn hàng hóa sản xuất trong nước. Trong một truyện ngắn thời tiền chiến, tôi không nhớ tên tác giả, chỉ nhớ câu một ông phú hộ nói với người đầy tớ trong gia đình: “Đồng hồ của Tây có sai bao giờ”, khi người này phàn nàn nói đồng hồ chạy không đúng giờ.

Tâm thức vọng ngoại đang được chính sách giáo dục nhân bản, tự lập dưới hai nền Cộng Hòa tháo gỡ dần thì tai họa ập đến. Cả nước rơi vào tay chế độ CS.

Ở miền Bắc trước năm 75 và ngày nay trên cả nước, đầu óc vọng ngoại là hậu quả của sự tuyên truyền, chính sách giáo dục của chế độ CSVN. Tâm thức đó không chỉ bám rễ vào đầu óc ở đa số người dân, cán bộ, đảng viên mà còn ăn sâu vào trong suy nghĩ, nhận thức của cả những người lãnh đạo đảng CSVN, điển hình là ông Hồ Chí Minh với câu nói để đời khi chỉ vào ảnh của Stalin, Mao Trạch Đông, phán rằng: “Tôi còn có thể sai chứ hai ông này thì không”.

Câu nói này cho thấy ông Hồ Chí Minh mang mặc cảm rất tự tôn với dân tộc nhưng đồng thời vô cùng tự ti trước Stalin, Mao Trạch Đông, hai kẻ sát nhân giết người nhiều nhất trong lịch sử nhân loại. Với nhận định, phát biểu đó, ông Hồ Chí Minh, đảng CSVN, những người thừa kế, học trò của ông đã dẫn dắt dân tộc, đất nước đến tình trạng vọng ngoại nặng nề ngày hôm nay.

Đã có một thời trong dân chúng có 2 câu thơ chế nhạo căn tính vọng ngoại này của cán bộ, đảng viên ĐCS như sau: Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ, Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ.

Trở lại vấn đề. Tính vọng ngoại tác động, ảnh hưởng, triệt tiêu dần tinh thần tự lập, tự cường, hủy hoại tính sáng tạo, tìm tòi, khám phá khiến người ta mang tâm trạng ỷ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác, những gì được du nhập từ nước ngoài. Ngay cả độc lập, tự do cho đất nước cũng thế.

Việc Hàng Không Mẫu Hạm Carl Vinson ghé thăm Đà Nẵng trong tuần qua đã chứng minh người dân VN đang háo hức trông chờ sự can thiệp của người Mỹ vào biển Đông, ngăn chận sự bành trướng càng ngày càng hung hãn của Tầu Cộng.

Một thủy thủ trên HKMH Carl Vinson đã hát bài Nối Vòng Tay Lớn, được khán giả VN, những người được tham dự cuộc đón tiếp thủy thủ đoàn hoan hô, vỗ tay nhiệt liệt, được quay phim, phát tán rộng rãi, tràn ngập trên các mạng xã hội, đi vào từng mailbox của những người có email nhiều lần.

Giống như năm 2016, khi tổng thống Mỹ Barack Obama qua thăm Việt Nam, đi ăn bún chả ở Hà Nội, Carl Vinson đã rời khỏi VN, tiếp tục cuộc hành trình. Sự hân hoan, náo nức, phấn khởi do con tầu đem lại đã giảm dần, vài ngày, vài tuần nữa, mọi chuyện sẽ chìm vào quên lãng, nhưng tư tưởng vọng ngoại, trông chờ sự giúp đỡ của các nước khác lại tăng thêm trong đầu óc người dân Việt.

Người dân Việt Nam tiếp tục mong ngóng, chờ đợi những “động thái” của Mỹ về biển Đông như cuộc viếng thăm Đà Nẵng của HKMH Carl Vinson.

Đa số người dân VN không hiểu rằng, chẳng có thế lực, sức mạnh nào có thể nối với vòng tay của người dân Việt Nam để tạo thành một cơn sóng thần, ngăn chận được sự bành trướng của Tầu Cộng ở biển Đông khi chính người Việt Nam không nắm lấy tay nhau tạo thành sức mạnh làm thay đổi chế độ hiện hành.

Câu nói của ông Barack Obama nhắn nhủ: “Tương lai nằm trong tay các bạn và Mỹ luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam”, người dân Việt Nam nghe tai này, đi qua tai kia. Cho dù ý nghĩa câu nói đã quá rõ ràng, đơn giản, nhưng bao nhiêu người hiểu và thấm được ý nghĩa câu nhắn nhủ này? Hiểu nhưng không hành động cũng giống như không hiểu.

Bình Luận từ Facebook