Tiêu chuẩn kép trong luật học

FB Luân Lê

9-3-2018

Trong vụ việc cô giáo được cho là bị bắt quỳ, đa phần xã hội chỉ lên án phụ huynh đã bắt cô giáo quỳ nhưng lại xuê xoa và chấp nhận được đối với việc cô này bắt các em học sinh quỳ. Và có quan điểm muốn khởi tố vị phụ huynh kia về tội làm nhục người khác, nhưng với cùng hành vi đó họ lại cho rằng cô này chỉ vi phạm hành chính vì sai nghiệp vụ.

Đây là các quan điểm không theo tư duy về luật học và vi phạm tiêu chuẩn kép, một nguyên tắc quan trọng và tối cao trong công lý và tự do, tức sự bình đẳng trước pháp luật đối với mọi thể nhân.

Vì lẽ:

Về mặt hành vi khách quan: Cả các em học sinh và cô giáo viên đều bị bắt quỳ. Và tất cả đều là những người có nhân phẩm, danh dự được Hiến định và luật pháp bảo hộ. Trẻ em được bảo hộ nghiêm ngặt và đặc biệt hơn.

Về mặt hậu quả của hành vi:

– Học sinh: Nhiều trẻ em hoảng sợ không đến trường. Nhiều em không có lỗi nên càng xấu hổ và sợ hãi. Về mặt rối loạn hành vi, tâm thần hay thể chất thì chưa giám định (là yếu tố định khung hình phạt) nên hưa biết. Cha mẹ và người thân học sinh cũng như dư luận phẫn nộ.

– Cô giáo: Gây ra bức xúc cho xã hội. Còn cô giáo có phần đồng thuận hay có nhục hay không thì phải xem hoàn cảnh lúc đó.

Về chủ thể là nạn nhân:

– Cô giáo: Người lớn.

– Học sinh: Là 40 trẻ em.

Về khách thể bị xâm hại:

– Đối với trẻ em: Điều 20, Điều 37 Hiến pháp; Điều 4, Điều 6 Luật Trẻ em 2016 và Bộ luật Dân sự 2015.

– Cô giáo: Điều 20 Hiến pháp.

Về mức độ xâm hại:

– Phụ huynh: Một lần.

– Cô giáo: Nhiều lần và đối với nhiều trẻ em.

Về mặt chủ quan – Yếu tố lỗi:

– Vị phụ huynh: Lỗi cố ý.

– Cô giáo: Cố ý trực tiếp.

Về động cơ và mục đích:

– Phụ huynh: Không cần thiết để xác định vì nó xâm hại đến nhân phẩm người khác.

– Cô giáo: Đa phần xã hội cho rằng cô này không có động cơ hay mục đích làm nhục các em.

Nhưng đây là lỗi nguỵ biện ở chỗ:

i) Cô ta thông qua vị thế nghề nghiệp bắt các em quỳ để các em biết xấu hổ, biết sợ hãi vì nó làm các em ngại ngùng, hoảng sợ từ đó không tái phạm những cái lỗi mà cô này cho là các em đang vi phạm. Nên đây là hành vi đánh thẳng vào nhân phẩm, danh dự và cả mặt thể lý non nớt cần dược bảo vệ đặc biệt của trẻ em.

ii) Cô ta cũng nghĩ như đa phần người dân là cô ta có quyền (nghiệp vụ) để làm việc đó, nhưng rõ ràng đó là vi phạm pháp luật nghiêm trọng vì phạm vào điều cấm của luật pháp. Ý thức pháp luật và nhận thức kém không phải yếu tố trong cấu thành của luật định mà chỉ là yếu tố giảm nhẹ trách nhiệm.

iii) Mục đích hay động cơ không phải thứ để bao biện cho hành vi và hậu quả của hành vi. Vì một kẻ lợi sụng nghề nghiệp để trục lợi không bao giờ cho rằng mình đang tư lợi mà coi đó là việc được phép hoặc theo anh ta là không để làm lợi cho bản thân. Nhưng luật học lại quan tâm biểu hiện về mặt vật chất, chuỗi hành vi và hậu quả của nó chứ không diễn giải chủ quan ý chí một cách thô thiển và ngu ngốc như thế.

Tôi vẫn không hiểu rằng, tại sao đa phần xã hội này lại chấp nhận cho người lớn xâm hại và làm nhục trẻ em, có phải vì chúng là đứa trẻ nên nhân phẩm của chúng ít hơn và chuyện đó là được phép làm, còn người lớn thì nhân phẩm và danh dự cao hơn nên bằng cách này hay cách khác đều không được động đến?

Trẻ em nhân phẩm và danh dự ít hơn người lớn? Và giáo dục thì được phép xâm hại nghiêm trọng không chỉ một mà nhiều lần, không chỉ một mà nhiều trẻ em?

Trẻ em sẽ không hiểu tại sao cô giáo bắt chúng quỳ thường xuyên và vô lối thì không sao, nhưng cha mẹ chúng có bắt cô giáo quỳ thì bị khởi tố hình sự và có thể đi tù. Các em không còn biết xã hội này đang giáo dục cái gì và chúng sẽ học được gì về các giá trị con người và đặc biệt trong giáo dục.

Rồi thế hệ trẻ em sẽ lớn lên trong những bàn tay quỷ dữ và những kẻ trưởng thành lại cho rằng bọn chúng ít hoặc không có nhân phẩm nên thoải mái làm nhục để mà rèn giũa và giữ kỷ cương. Thế hệ trẻ rồi sẽ thành những kẻ hung hãn và vô lối, nhân danh dạy dỗ và giáo dục để xâm hại các em vì xã hội này chấp nhận nó.

Xã hội này thực sự mang một căn bệnh nặng ngày càng trầm trọng vì những tư duy suy đồi và thấp kém của đám người vô minh, vô pháp và vô dạng này.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Cũng trong tác phẩm ‘Tâm hồn cao thượng’ (bản dịch của Hà Mai Anh), chuyện ‘Quả cầu tuyết’ liên quan đến ‘tội lỗi của trẻ con’ và thứ hình phạt ‘bắt quỳ’ .

    Thế giới thật nhỏ, và trẻ con nơi đâu cũng giống nhau, chúng luôn phạm lỗi và tái phạm ! Nhưng chính cách người lớn đối xử với nó sẽ tạo một ấn tượng lâu dài và hình thành nhân cách ứng xử của nó trong tương lai. Chúng ta có ‘đám đông u tối và hung dữ ’ giống như trong câu chuyện, nhưng chúng ta không tạo ra được những đứa bé can đãm nhận lỗi, những người bạn chân thành của nó và đặc biệt : một vị Hiệu trưởng hiểu biết, sáng suốt có lương tri và tận tâm !

    Cuốn sách cho chúng ta thấy rõ , chúng ta thiếu những gì và cần làm những gì ? Nhưng không hề dùng những thứ ‘đao to búa lớn’ ! Thay vì tàn hủy ‘tuổi thơ thần tiên; của con trẻ bằng việc cấp tập nhồi nhét đến làm bơ phờ một đứa bé, hoặc thay vì để cho chơi game thâu đêm…Hoặc thay vì học thuộc lòng ‘Đêm nay bác không ngủ’…Hãy tạo cơ hội cho chúng đọc , hiểu và thuộc lòng những điều tốt đẹp cao thượng, có ích lợi cho chúng và cho cộng đồng, như cuốn “Tâm hồn cao thượng’ ấy !

    ——-
    Quả cầu tuyết
    Thứ sáu, ngày 16

    Tuyết xuống mãi !
    Vì tuyết mà sau buổi học sáng nay đã xảy ra một chuyện đáng tiếc. Một lũ học trò ra khỏi cửa trường được một quãng, liền viên tuyết ném nhau, những hòn nặng và rắn như đá. Lúc ấy trên hè đông người đi lại. Một người khách qua đường kêu :
    _ Đừng ném nữa ! Những thằng ranh kia !
    Thì ngay lúc ấy, bên kia đường có tiếng rú lên, một ông già, hai tay bưng mắt, đang bước lảo đảo, cạnh có đứa bé con kêu cứu ầm ĩ. Mọi người đổ đến. Ông già khốn khổ đã bị một quả cầu tuyết trúng mắt. Lũ học trò chạy trốn. Tôi đang đứng ở cửa một hiệu sách đợi cha tôi vào mua, thấy mấy anh bạn chạy lại đứng ngoài tủ kính giả vờ xem : nào anh Garônê, nào anh Côretti, nào “chú phó nề”, nào anh Garôpphi.
    Lúc ấy, mọi người đều xúm xít chung quanh ông già bị nạn : một viên cảnh binh dậm doạ hỏi :
    _ Đứa nào ? Đứa nào ném ? Bắt nó ra đây !
    Người ta tìm những đứa trẻ con khám xem tay ai ướt. Garôpphi đứng cạnh tôi mặt xám như gà cắt tiết.
    Công chúng vẫn gào :
    _ Đứa nào ? Đứa nào ném ?
    Tôi thấy anh Garônê bảo anh Garôpphi :
    _ Ra đi ! Anh cứ ra nhận đi ! Đừng để người khác bị bắt oan. Garôpphi run như cầy sấy, đáp : – Nhưng tôi có định ném ông ta đâu !
    _ Dù sao anh cũng phải làm bổn phận của anh.
    _ Tôi sợ lắm.
    _ Không việc gì, anh cứ theo tôi.
    Viên cảnh binh và công chúng càng gào to :
    _ Đứa nào ? Bắt bằng được ! Nó ném vỡ kính đâm mù mắt ông già rồi !
    Nghe thấy thế Garôpphi rủn người như sắp ngã xuống đất.
    Garônê quả quyết giục :
    _ Cứ ra, tôi sẽ bênh vực cho anh.
    Nói xong, Garônê đưa Garôpphi ra và ôm đỡ anh như một bệnh nhân.
    Trông thấy, công chúng hiểu ngay đó là tội nhân, họ hung hăng kéo đến.
    Garônê đứng che cho bạn và nói :
    _ Có phải mười người lớn định đánh một đứa trẻ con không ?
    Họ đều thôi. Viên cảnh sát đến lôi Garôpphi qua đám đông người điệu vào một cửa hàng là chỗ người ta đã đưa ông già vào ngồi tạm.
    Trông ông già, tôi nhận ngay ra là một người làm công trọ ở tầng gác thứ tư, nhà tôi ở. Ông ngồi tựa lưng vào ghế, tay cầm mùi soa ấp mắt người cháu đứng cạnh ông.
    Garôpphi mặt tái mét vừa khóc vừa nói :
    _ Tôi có định ném cụ ấy đâu. Tôi lỡ tay…
    Hai ba người đẩy mạnh anh vào hàng và thét :
    _ Phải quỳ xuống xin lỗi !
    Nhưng, ngay lúc ấy, có hai cánh tay mạnh mẽ nâng anh dậy và một giọng quả quyết buông ra :
    _ Thưa các ngài, không được !
    Đó là ông hiệu trưởng trường tôi : ông đã nhìn rõ tấn kịch ấy. Garôpphi nức nở khóc, hôn tay ông già. Ông lão rờ đầu và xoa tóc anh, tỏ ý tha thứ cho một đứa trẻ đã biết hối. Lát sau, người ta cho Garôpphi về.
    Cha tôi cũng kéo tôi về. Đi đường cha tôi hỏi :
    _ Enricô ơi ! Gặp những trường hợp như thế, con có can đảm ra thú lỗi không ?
    Tôi đáp :
    _ Thưa cha, có.
    _ Con giữ lời chứ ?
    _ Vâng, con xin thề với cha như thế !

Comments are closed.