Lò Văn Củi
9-3-2018
Chú Tám Thinh là người mở đầu câu chuyện, chuyện này khá lạ, biệt danh của chú là vậy thì khắc rõ rồi:
– Lại có chuyện xảy ra. Chuyện cô giáo bắt quỳ và bị quỳ chưa yên thì tới học trò lớp 8 chửi bới và bóp cổ cô giáo. Chuyện học sinh lớp 7 ở Hợp Lý, Lý Nhân, Hà Nam trêu đùa và cậu học sinh phóng dao vào trán nữ sinh. Rồi chuyện nhân viên quán ăn Bích Thủy ở chợ đêm Đà Lạt uýnh du khách ngất xỉu.
Sao mà chuyện kỳ cục, kỳ cùng, kỳ khôi, kỳ lạ, kỳ ngộ, kỳ quặc, kỳ quái, kỳ dị thì cứ xảy ra miết, còn kỳ vọng, kỳ diệu, kỳ vĩ, kỳ ảo, kỳ tích thì chẳng thấy bao nhiêu? Thiệt tình bực hết cái mình.
Anh Sáu Nhặt thắc mắc:
– Chuyện xảy ra tùm lum nơi, từ Nha Trang tới Vũng Tàu, từ TP Hồ Chí Minh tới Cà Mau… rồi ra tận tới Phú Quốc cũng có, ngay cả thành phố Đà Nẵng được mệnh danh là thành phố đáng sống cũng không thoát, bây giờ đến xứ sở lãng mạn, xứ sở mộng mơ cũng bị luôn là sao ta?
Anh Năm Ba gác lắc đầu:
– Bị khá lâu rồi anh ơi, đâu chỉ mới.
Phần chánh là do dân nhập cư. Dân nhập cư đa số ban đầu thường coi là chỗ tạm bợ để mình kiếm tiền kiếm của rồi trở về quê, tâm lý của họ đâu có yêu quý gì mấy nơi tạm cư, cứ thoải mái làm chuyện bầy hầy, bậy bạ, làm ăn kiểu ăn xổi ở thì cốt sao kiếm cho đầy hầu bao của mình, đâu có tâm lý xây dựng nơi tạm cư.
Rồi những người tạm cư… không trở về nữa, mà ngày càng nhiều người nhập cư hơn. Và phân chia thành một số thành phần.
Một số người mần ăn phất lên, “bỗng dưng một bước lên trời” nên dễ ngông cuồng kiểu nhà giàu mới nổi, trưởng giả học làm sang…
Một số người làm ăn không ngóc đầu lên nổi thì chán chường, bất ổn tâm lý,… Một là chìm đắm vào đáy bùn, hai là tìm mọi thủ đoạn để vươn lên…
Rất hiếm những người học hỏi được văn hóa cũ xưa. Trong khi đó thì ngược lại, thế hệ tiếp nối của văn hóa cũ xưa, tức thế hệ sau của những người chánh gốc, lại bị ảnh hưởng nặng nề cái văn hóa được gọi là mới.
Anh Bảy Thọt gục gật:
– Đúng lắm anh Năm. Người nhập cư từ đâu đây? Từ miền Bắc chứ từ đâu, mang văn hóa “mới” từ Bắc vô chứ đâu.
Ông Hai Xích lô hất đầu:
– Ê, đừng có phân biệt vùng miền nghen mậy, ông già tao cũng Bắc kỳ à. Tao lớn rồi, chứ người Bắc nghe được Bắc kỳ là chửi cho tan nát á.
Anh Bảy không chịu:
– Ba của ông Hai là người xưa rồi. Và đó đó, văn hóa gì chỉ cần nghe Bắc kỳ là chửi tới tấp hà. Dạ, đúng hông ông Thầy?
Ông Thầy giáo đáp lời:
– Hổng phải đúng hết mà cũng hổng phải trật hết, có đúng có sai.
Cái sai, ba kỳ đều cùng một nhà. Tổ tiên của kỳ Nam, kỳ Trung gì cũng là từ kỳ Bắc. Ngày xưa kêu kỳ nào cũng không ai phản ứng gì ráo. Văn hóa có phát triển theo vùng miền, nhưng tựu trung đều hiền hòa, hòa hợp. Như ta thấy đó, năm 1954 mấy triệu người bỏ xứ Bắc vào Nam, có ai sỉ nhục họ là Bắc kỳ đâu, họ có làm bậy làm bạ, phá nát nền văn hóa ông cha ta gầy dựng cho miền Nam đâu. Còn có nhiều người tài giỏi góp công lớn nữa chứ. Và họ cũng đau đáu về quê hương Bắc kỳ ấy chứ. Một số người còn giữ văn hóa cũ dễ bị tổn thương khi bị quơ đũa cả nắm.
Quơ đũa cả nắm cũng không sai, bởi văn hóa mới đa số và tập trung ở miền Bắc. Nhưng chỉ đúng cho ở thời điểm sau này. Có nghĩa là nó không phải là văn hóa Bắc kỳ, mà là văn hóa rừng rú, văn hóa của mấy ông đảng, nó bào trùm cả miền Bắc rồi lan rộng vào miền Nam về sau. Ở niền Nam, các ông làm cách mạng, vào rừng cũng theo văn hóa này rồi trở lại sau khi thắng thế cũng thế thôi.
Bà con cô bác nghe khá chí lý. Anh Năm Ba gác vỗ đùi:
– À, nhờ văn hóa mới mà có được những “kỳ tích” chớ hổng có giỡn chơi hông có như chú Tám nói đâu nha. Một dạo ta thấy quá chừng những tấm bảng “Khu phố văn hóa”, “Xã văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Gia đình văn hóa”… Song song đó thì “kỳ ảo” cũng xuất hiện ngày càng nhiều hơn, “những làn khói ảo” của ma túy xâm nhập vào hang cùng ngõ ngách phố phường, xóm làng, cô hồn các đảng, trộm cắp, cướp giựt ngời ngời, rác rến xả đầy, văn hóa giao thông lộn xộn, nói chung là nhếch nhác tràn lan.
Anh Bảy cười hehe:
– Những tấm bảng bữa nay coi bộ rụng rơi khá nhiều vì sét rỉ, vì hết keo,… vì đã qua những mùa báo cáo “kỳ tích”. Tưởng chừng như dân ta được yên, thì “kỳ tích” mới lại được “đẻ” ra.
– Có “kỳ tích” nữa ha? Tới vụ gì nữa đây? Khổ gì nữa đây? – Bà con cô bác hỏi dồn.
Anh Bảy trả lời:
– Đó, kỳ tích “Gia đình học tập”. Ông phó bí thư Thành ủy TP.HCM vừa làm việc với Hội khuyến học và các sở ban ngành, ông ta khẳng định: “Trong năm 2017 đã có gần 750.000 hộ đạt Gia đình học tập, 453 dòng họ đạt Dòng họ học tập, hơn 1.000 khu phố đạt Khu phố học tập, hơn 1.600 đơn vị đạt Đơn vị học tập. Đồng thời căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại cộng đồng học tập phường, xã theo Thông tư 44 của Bộ Giáo dục – Đào tạo đã có 200 phường xếp loại tốt, 96 phường xếp loại khá, không có phường nào không đạt”.
Dân chúng nghèo đói thì đâu ai biết, vậy chứ để báo cáo “kỳ tích” thì họ xâm nhập chắc phải vào tận hang ổ, chui rúc từng ngóc ngách mới biết đến từ cả dòng họ. Và không có phường nào không đạt thì chúng ta đứng nhứt thế giới rồi. Nay mai những tấm bảng này chắc lại thay thế các tấm bảng văn hóa.
Bà con cười hihi. Lại nhứt thế giới thì “kỳ ảo” cũng nhứt thế giới chứ gì nữa.
Ông Hai hỏi:
– Học tập gì ta? Học tập gì mà cả gia đình, cả dòng họ, cả khu phố, cả phường, cả cộng đồng ta?
Bà con cô bác ngơ ngác “chim bay”. Anh Bảy có bật mí bí mật:
– Muốn biết thì cứ hỏi ông phó bí thư. Ông Tất Thành Cang tức là ông… Tang Thành… Cứt thì sẽ rõ.
Bây giờ thì bà con cô bác cười haha mà đau đớn muôn phần.