Tinh thần Phạm Đoan Trang và sự lan tỏa của chính trị bình dân ở Việt Nam

RFA

Hòa Ái

7-3-2018

Blogger-Nhà Báo độc lập Phạm Đoan Trang. Ảnh chụp từ video do cô thực hiện gửi đến Tổ chức nhân quyền People in Need.

Blogger-Nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang đã không thể tham dự buổi lễ trao giải thưởng nhân quyền Homo Homini năm 2017, do People in Need tổ chức vào ngày 5 tháng Ba, vì cô đang bị nhà cầm quyền Việt Nam sách nhiễu liên quan đến cuốn sách “Chính Trị Bình Dân” mà cô là tác giả. Dư luận nói gì về động thái Chính quyền Hà Nội gây nhiều trở ngại đối với Phạm Đoan Trang như thế?

Tư tưởng được thế giới sẻ chia

“Tôi rất vui sướng vì được trao giải Homo Homini năm nay, mà vì thế tôi rất cảm ơn tổ chức People in Need. Và tôi sẽ cảm ơn bạn và People in Need nhiều hơn nữa nếu bạn có thể giúp tôi lên tiếng về tình trạng nhân quyền và thiếu dân chủ ở Việt Nam vì một tương lai tốt đẹp hơn”.

Đây là lời chia sẻ của Blogger Phạm Đoan Trang, trong một video gửi đến Tổ chức nhân quyền People in Need, được trình chiếu trong buổi lễ trao giải Homo Homini, diễn ra tại thủ đô Prague, Cộng hòa Czech, vào ngày 5 tháng Ba, mà Blogger Phạm Đoan Trang không thể đến tham dự.

Facebooker Thanh Mai Nguyen là người được Blogger-Nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang ủy thác đại diện nhận giải thưởng Homo Homini năm 2017. Bà Thanh Mai là thành viên của Nhóm Văn Lang ở Cộng hòa Czech, một tổ chức quảng bá thúc đẩy các nguyên tắc của xã hội dân sự và hỗ trợ phát triển các hoạt động văn hóa. Bà Thanh Mai bị Chính quyền Việt Nam cấm nhập cảnh vì biểu tình ở Đại Sứ quán Việt Nam và lên tiếng về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Thanh Mai nói rằng “Khi Đoan Trang đề nghị tôi thay mặt cô nhận giải, tôi thấy đây là một chuyện thật phi lý. Logic ở đâu, khi giải thưởng cho một người không được ra khỏi Việt Nam, lại do một người không được vào Việt Nam nhận hộ?”

Blogger Phạm Đoan Trang, trong video gửi tới tổ chức nhân quyền People in Need, đã đề cập đến bản án tổng cộng 19 năm tù giam và 5 năm quản chế mà hai nữ hoạt động nhân quyền Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga phải nhận lãnh do thực hiện quyền công dân được quy định trong Hiến pháp Việt Nam; đó là quyền tự do ngôn luận, quyền biểu đạt ý tưởng, quyền phản biện ôn hòa vì quyền lợi của công nhân, vì môi trường trong sạch, vì xã hội dân chủ tiến bộ…

Nhưng bị ngăn cấm tại Việt Nam

Mặc dù là lần đầu tiên một người Việt Nam được trao giải nhân quyền Homo Homini, nhưng Blogger Phạm Đoan Trang đã không có mặt trong buổi lễ trao giải vì cô bị nhà cầm quyền Việt Nam, vào những ngày cuối tháng Hai, câu lưu và thẩm vấn liên quan các hoạt động và cuốn sách “Chính trị bình dân” của cô, được xuất bản trong năm 2017. Hiên tại Blogger Phạm Đoan Trang phải ẩn náu vì sự an tòan của mình.

Vào tối ngày 6 tháng Ba, Đài RFA tiếp xúc được với Blogger Phạm Đoan Trang và được nghe cô tâm tình:

“Tôi nhớ đến năm 26, 27 tuổi thì tôi mới nghe đến từ ‘xã hội dân sự’. Lần đâu tiên nghe đến khái niệm ấy là tôi đã 26 tuổi. Còn những khái niệm về nhân quyền như thế nào thì mãi đến khi hoạt động sâu rồi mới hiểu được.”

Từng học trường chuyên Hanoi-Amsterdam và trường Đại học Ngoại thương, những trường được xếp vào danh sách uy tín và danh tiếng tại Việt Nam, tuy nhiên Blogger Phạm Đoan Trang cho biết cô cần phải học hỏi rất nhiều kiến thức về xã hội, pháp luật, chính trị bởi vì đơn giản là nhà trường đã không dạy những điều đó cho học sinh sinh viên. Blogger Phạm Đoan Trang còn chia sẻ cô cũng từng được nghe Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Đức Thành nói rằng mọi đất nước, mọi xã hội đều cần có lực lượng báo chí tốt để làm vai trò sứ giả diễn đạt những điều hàn lâm đến quần chúng để họ hiểu được những vấn đề khó hiểu một cách dễ dàng và lực lượng báo chí Việt Nam không làm được điều này. Là một nhà báo, Blogger Phạm Đoan Trang nhận thấy mình phải có trách nhiệm cũng như chia sẻ những gì bản thân học hỏi được đến những người xung quanh và quyển sách “Chính trị bình dân” ra đời. Blogger Phạm Đoan Trang nói với RFA:

“Tôi tham gia biểu tình, tuần hành hay các hoạt động của giới hoạt động dân chủ từ năm 2009 đến giờ thì tôi nhận thấy mảng kiến thức chính trị của mọi người, kể cả tôi, đặc biệt là của giới trẻ rất yếu. Tôi nghĩ như thế rất là nguy hiểm. Bởi vì không có sự hiểu biết thì mình không nhìn thấy con đường để định hướng mình sẽ đi về đâu. Đó là chuyện sâu xa. Còn về ngắn hạn thì vào đồn công an là mình rất mệt mỏi vì không nói chuyện được với họ. Họ dùng những lý luận cũ rích của họ để chèn ép và bắt nạt mình. Tôi nghĩ rằng người dân Việt Nam nói chung, giới hoạt động dân chủ tại Việt Nam nói riêng và giới trẻ Việt Nam rất cần một cuốn sách diễn giải kiến thức chính trị một cách dễ hiểu nhất, cho mọi người học nhanh, hiểu được, áp dụng được ngay. Bản thân tôi cảm thấy cũng cần phải học. Tôi nghĩ rằng viết cũng là một cách học.”

Trước tình cảnh Blogger Phạm Đoan Trang bị nhà cầm quyền Việt Nam sách nhiễu bằng nhiều hình thức và những người quan tâm lo ngại có thể cô gặp rất nhiều rủi ro trong những ngày tháng tới, Phạm Đoan Trang tuyên bố sẽ quyết ở lại Việt Nam để đấu tranh chống thể chế độc tài.

Nhà báo Mạc Việt Hồng, ở Ba Lan, một thành viên trong nhóm xuất bản quyển sách “Chính trị bình dân”, cho biết động thái câu lưu và thẩm vấn mới nhất đối với Blogger Phạm Đoan Trang đã góp phần quảng bá kiến thức về chính trị đến dân chúng tại Việt Nam:

“Từ hôm xảy ra những vụ việc Phạm Đoan Trang bị sách nhiễu, bị truy bức, bị thẩm vấn liên miên, bị canh giữ ở nhà như vậy thì có nhiều người tự dưng lại quan tâm đến quyển sách hơn. Chúng tôi bán sách được nhiều hơn trước. Trong nước liên tục có người đặt mua. Thế nhưng, từ khi quyển sách bị Hải quan Đà Nẵng thu giữ thì thực tế hàng ngày có những người trong nước nhắn mua, nhưng chúng tôi không dám gửi nữa. Trước đó, Phạm Đoan Trang cũng có chia sẻ rằng Amazon gửi về cũng bị mất sách, không nhận được.”

Từ trong nước, anh Huỳnh Chí Trung, một cựu đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam viết trên Facebook rằng nếu như nhà cầm quyền Hà Nội bắt giam Blogger Phạm Đoan Trang vì đã viết quyển sách “Chính trị bình dân” thì anh sẽ in ra quyển sách này mang đến các trường Đại học để phát cho mọi người, như là một thông điệp nhà cầm quyền thật sự sai trái khi bắt giữ tác giả của cuốn sách. Facebooker Huỳnh Chí Trung khẳng định với RFA:

“Nếu nhà cầm quyền có những động thái tiếp theo thì tôi sẽ làm thật theo những gì tôi chia sẻ trên Facebook của mình. Tôi muốn truyền tải thông điệp rằng cuốn ‘Chính trị bình dân’ đó là một cuốn sách rất bình thường, không có gì là cấm kỵ mà nhà cầm quyền đến mức gây nguy hiểm cho tác giả, là bạn của tôi. Đó là quyền của mọi người được biết.”

Chúng tôi cũng được dịp trao đổi với một thanh niên ở Hà Nội, là con một cán bộ làm việc trong cơ quan nhà nước. Bạn trẻ không muốn nêu tên này cho biết sau khi theo dõi một số thông tin trên mạng xã hội về các bạn sinh viên như Trần Hoàng Phúc, Phan Kim Khánh bị bắt và bị tuyên án tù, mới đây nhất là những thông tin liên quan đến Blogger-Nhà báo Phạm Đoan Trang, bạn đã từ chối nhận món quà đắt tiền, một chiếc xe hơi do bố mẹ tặng nhân dịp tốt nghiệp đại học vì bạn cho rằng đó là tiền thuế của dân, cũng như bạn đã quyết định không vâng lời bố mẹ vào làm việc trong cơ quan của họ vì cho rằng mọi người đều phải có cơ hội bình đẳng trong xã hội và bạn cũng không phải cảm thấy xấu hổ vì thuộc diện “con ông cháu cha”.

Trong video gửi đến tổ chức People in Need, blogger Phạm Đoan Trang đã tự đệm đàn hát một bài hát dân ca mà cô yêu thích, bài dân ca quan họ “Bèo giạt mây trôi”. Cô mong ước mọi người dân Việt Nam được hát một bài mà mình yêu thích, được viết và kể những câu chuyện nuôi dưỡng tâm hồn và cùng với dân chúng của các quốc gia trên thế giới trong việc xây dựng một thế giới khoan dung cho tất cả mọi người.

Bình Luận từ Facebook