Hiếu Bá Linh tổng hợp
6-3-2018
Ngày 05.03.2018 tại Praha thủ đô CH Séc, tổ chức People In Need đã trao giải thưởng nhân quyền quốc tế Homo Homini, vinh danh Phạm Đoan Trang – nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền – vì “sự dũng cảm không mệt mỏi khi theo đuổi một sự thay đổi dân chủ cho đất nước của mình, bất chấp sự sách nhiễu và khủng bố”.
People in Need là một tổ chức nhân quyền quốc tế có trụ sở tại Cộng hòa Séc, Giải thưởng Homo Homini của People in Need được tổ chức từ năm 1990, mỗi năm chọn trao giải cho một nhân vật có đóng góp đáng kể vào việc quảng bá cho nhân quyền, dân chủ, và các giải pháp bất bạo động đối với các xung đột chính trị.
Theo truyền thống, lễ trao giải thưởng này được tổ chức đúng vào ngày khai mạc Liên hoan phim nhân quyền lớn nhất thế giới One World Film Festival và cũng nằm trong chương trình khai mạc của liên hoan phim này.
Trong buổi lễ, ông Jan Urban -nhà báo CH Séc- đã trao giải thưởng nhân quyền Homo Homini cho cô Nguyễn Thanh Mai, thay mặt Phạm Đoan Trang.
Ông Jan Urban là nhà báo và là người bất đồng chính kiến trong thời cộng sản Tiệp, ông cũng là người ký tên vào Hiến chương 77, đồng sáng lập, lãnh đạo và diễn giả của Diễn đàn Công dân tại CH Séc.
Video clip Lễ trao giải nhân quyền Homo Homimi vinh danh Phạm Đoan Trang:
Sau đây là bài phát biểu của cô Nguyễn Thanh Mai, thay mặt Phạm Đoan Trang, trong buổi Lễ nhận giải nhân quyền Homo Homimi:
“Thưa các quý ông quý bà
Việc Đoan Trang nhờ tôi thay mặt cô nhận giải Homo Homini làm tôi hoàn toàn bất ngờ. Ngay tại đây lúc này có bao nhiêu người còn xứng đáng thay mặt cô hơn tôi. Tuy nhiên, Đoan Trang nhờ tôi bởi chính quyền Việt nam đã không cho tôi về nước, và vì thế họ khó có thể dễ dàng trừng phạt tôi vì việc tôi đứng ở đây. Và nay thì tôi đang đứng ở đây trước các quý vị.
Ở Việt nam Đoan Trang được biết đến nhiều phần nhờ các bài báo mà cô viết về các đề tài nhức nhối, như cưỡng chế đất, các bản án tử hình bất công, các vụ bắt bớ và bỏ tù các bloger. Nếu như chúng ta nhớ lại thời toàn trị trước kia, người Séc và người Slovakia cũng né tránh các đề tài mang tính xã hội – chính trị như thế nào – theo cách nói của Vaclav Havel, họ ẩn náu trong các hầm trú riêng tư – thì có lẽ chúng ta sẽ hiểu được, trong một xã hội toàn trị, một tác giả cần có các lý lẽ đơn giản, logic và cụ thể đến như thế nào để người dân có thể vượt qua nỗi sợ hãi đầy bản năng vì bị theo dõi, và trở thành bạn đọc của tác giả ấy, cho dù chỉ là trên mạng xã hội. Và tác giả ấy phải cương quyết và quả cảm đến thế nào khi trực diện với cả một bộ máy được ngụy trang rất khéo dưới tấm áo choàng là một hệ thống tư tưởng.
Đoan Trang là một tác giả như thế.
Chúng tôi nói chuyện với nhau lần đầu vào năm 2014. Tôi nhận thấy cô ấy tự chọn con đường của mình, và mẹ cô thì vô cùng lo lắng, bởi ý thức được các mũi đòn ác hiểm hướng đến con gái mình. Hồi đó cô nói, ý nghĩ về mẹ luôn dằn vặt cô nhiều nhất. Sau này, tôi mới hiểu, nỗi lo cho người thân cũng là một điểm chung của phần lớn các nhà hoạt động. Tuy nhiên Trang vẫn bền bỉ đi tiếp. Ngày 24.2.2018 cô viết trên Facebook của mình: “Tôi đấu tranh để chống độc tài, và vì nhà nước cộng sản ở Việt nam hiện nay là nhà nước độc tài, nên tôi đấu tranh để xóa bỏ nó“.
Gần 30 năm sau Cách mạng Nhung, nhưng tôi vẫn cho rằng, rất cần nhắc lại các bài học từ chế độ trước. Tôi nghĩ, điều nguy hiểm lớn nhất của chủ nghĩa cộng sản nằm ở khả năng hơn người của nó để phát hiện, phát huy và phát triển những tính cách thấp kém nhất vốn tiềm tàng một cách tự nhiên trong từng cá thể con người. Và với tôi, giải thưởng Homo Homini là một con đường với một hướng đi hoàn toàn khác, đó là con đường của con người dành cho con người.
Vì Đoan Trang, vì bản thân, vì các nhà hoạt động mà tôi quen và chưa quen, vì các giá trị con người mà vốn là nền tảng cho một xã hội ổn định và luôn phát triển trong hài hòa và hòa bình, tôi xin cám ơn vì giải thưởng cao đẹp và truyền cảm hứng này mà People in Need đã trao tặng cho một trong các đại diện nổi bật nhất của phong trào vì dân chủ tại Việt nam. Mặc dù tôi quả thật không biết, liệu các hoạt động vì dân chủ ở Việt nam có đủ mạnh mẽ để được coi là phong trào.
Khi Đoan Trang đề nghị tôi thay mặt cô nhận giải, tôi thấy đây là một chuyện thật phi lý. Logic ở đâu, khi giải thưởng cho một người không được ra khỏi Việt nam, lại do một người không được vào Việt nam nhận hộ? Thêm nữa, chính quyền Việt nam hẳn là có thể coi hành động này là một biểu hiện chống đối. Tôi xin khẳng định với tất cả mọi người rằng qua hành động này, tôi chỉ muốn khẳng định quyền được tự do quyết định của chính mình. Bởi vì để không bị mất đi quyền của mình, người ta không được để mặc cho quyền đó bị tước đoạt một cách dễ dàng. Tôi ước được sớm gặp lại Đoan Trang. Và ngày đó sẽ không thiếu sự hiện diện của giải Homo Homini của cô ấy.”
Cám ơn Đoan Trang rất nhiều.
Chị và các bạn của chị là những phụ nữ Việt Nam đáng kính trọng nhất hiện nay.
Nhờ các chị mà thế giới có cái nhìn thông cảm hơn đối với Việt Nam .