6-3-2018
Câu chuyện cô giáo quỳ trước mặt phụ huynh bởi, trước đó phạt học sinh quỳ khiến chúng ta không chỉ xót xa về tình cảm con người dành cho nhau mà xa hơn, chính là nền giáo dục đang nát bét. Ở đó, những con người “vỗ ngực tự sướng” có hàng ngàn giáo sư và tỷ lệ đậu tốt nghiệp gần 100%.
Tôi không bàn sâu về hình thức xử phạt của cô giáo và việc cô giáo bị trả đủa bằng sức ép phải quỳ trước mặt phụ huynh vì, dù có viện lý do nào, ai cũng có cái sai của mình. Tuy nhiên, tôi cảm thấy thương cô giáo hơn, cái nghề “trồng người” vốn dĩ cao đẹp nhưng trong nền giáo dục hỗn độn và đen tối như thế này, ngoài việc chịu sức ép dạy trò nên người, họ phải làm sao có “thành tích” để làm đẹp cho bộ mặt giáo dục.
Nhớ thuở nhỏ cách đây mấy chục năm, có thể giáo dục rất tệ về mặt học thuật (tôi không đề cập đến nền giáo dục VNCH vì không trải qua nhưng tôi nghĩ nó tốt do may mắn được hưởng tinh hoa của phương Tây) nhưng đạo lý “tôn sư trọng đạo” mà bao thế hệ luôn tuân thủ, bởi lòng tôn kính dành cho Thầy, Cô mình.
Nay thì sao, giá trị đó còn không? Tôi nghĩ là còn nhưng chỉ le lói, như một vệt sáng ở đường hầm tối tăm.
Tôi xin lỗi những nhà giáo đã và đang ngày đêm cống hiến bằng tất cả trái tim cho cái nghiệp đã lỡ trót mang vào thân, tôi xin lỗi những “người đưa đò” mang con chữ đến vùng miền núi xa xăm. Công việc ấy, giá trị ấy, làm sao đo được vì nó lớn lao vô cùng.
Nhưng! Sao mà vất vả quá, sao mà gian nan quá, ai hiểu, chúng ta có hiểu nỗi đau ấy?
Quay trở lại câu chuyện trên, tôi ước rằng, người cha sẽ chỉ ra cái sai của đứa con, sau đó lên gặp cô giáo mà rằng “thưa cô, cháu sai, tôi biết đó là hình phạt nhưng nếu được mong cô đừng để cháu quỳ, cháu sẽ xấu hổ tội cháu cô ạ”.
Còn cô: “Dạ, cũng chỉ mong cháu tốt hơn thôi ạ, em sẽ không bao giờ làm thế nữa, em xin lỗi, cảm ơn anh rất nhiều” cùng cái bắt tay và nụ cười dành cho nhau nhưng nó không xảy ra.
Vì sao, vì một nền giáo dục đang quỳ gối không biết khi nào đứng lên.
Tiên Sinh, Thái Bá Tân.
Trên cổng một trường nọ
Ở Nam Phi, người ta
Khắc câu nói nổi tiếng
Của Nelson Mandela.
“Muốn hủy diệt một nước,
Không cần bom hạt nhân.
Tên lửa và đại bác,
Tàu chiến cũng không cần.
Chỉ cần ngành giáo dục
Của nước ấy suy đồi.
Chuẩn thấp, chất lượng thấp
Gian lận điểm và rồi
Các bác sĩ nước ấy
Sẽ giết chết bệnh nhân,
Và các nhà chính trị
Hoang phí tiền của dân.
Mua bằng, gian lận điểm,
Kỹ sư, nhà mới xây
Nứt lún hoặc sụp đổ,
Hoặc thẩm thấu suốt ngày.
Cũng vì lý do ấy,
Trong tay các quan tòa
Công lý bị bóp méo,
Gây hậu quả xót xa.
Khi giáo dục xuống cấp,
Trí thức thành lưu manh.
Tôn giáo sẽ xung đột.
Đất nước sẽ chiến tranh.
Vì vậy, để sụp đổ
Ngành giáo dục nước nhà,
Tức là tự cho phép
Sụp đổ một quốc gia.
Nguồn Mạng.