Xứ “Cờ hoa” mới

Lò Văn Củi

23-2-2018

Anh Bảy Thọt khen chị Tư Sồn:

– Chà, ăn Tết nhứt mấy bữa, thấy chị Tư trẻ đẹp hẳn ra nghen.

Anh Năm Ba gác khen thêm:

– Hồi Xuân phơi phới hà, như gái ba chục vậy.

Chị Tư cười tươi:

– Thì vậy chứ còn gì, mới… ba chục chứ nhiêu.

Ông Hai Xích lô cười ha ha:

– Đúng quá, có sai đâu nà. Nhưng cô Tư vẫn còn giữ tánh hào phóng hen, tính như người xưa, tính chục là chục… 16 á.

Bà con cô bác cười ha ha “sảng khoái phương Nam”. Anh Bảy tiếc rẻ:

– Bây giờ hiếm thấy bán buôn tính chục như xưa nữa hen, chục 12, chục 14, chục 16. Đó cũng là nét độc đáo chứ bộ. Sao lại có cách tính này và sao bị mất đi ta? Ông Thầy giải dùm đi ông Thầy.

Ông Thầy giáo lý giải:

Nói về tại sao có trước hen. Trước hết như chú Hai nói, do tánh hào phóng của người phương Nam. Mà hào phóng cũng nhờ vùng đất này là vùng ‘đất lành chim đậu’, vùng đất trù phú, thảy hột giống xuống thì cây trái lên xanh tốt, cho trái cho củ dồi dào, thảy tay lưới xuống là có mẻ cá mẻ tôm đầy nhóc,… nói chung luôn luôn bội thu. Bán buôn dĩ nhiên ban đầu chục tính 10, dư dả thì người ta hào phóng cho thêm, cho thêm, thành thử hổng còn chục 10 nữa.

Nhưng xét sâu xa, nó cũng bắt nguồn từ thị trường tự do nữa. Thị trường tự do thì có cạnh tranh. Nhưng cạnh tranh lành mạnh thì đâu phải tự tiện hạ giá. Hạ giá chỉ ở nhu cầu thị trường, tức cung và cầu hoặc dựa vào giá thành sản xuất. Cung dư thừa thì sẽ cùng giảm giá, nếu giá thành bán ra mà thấp hơn giá thành sản xuất thì có nước dẹp tiệm… Cho nên người ta phải nhạy bén, tiên lượng cho phù hợp. Trở lại với cạnh tranh lành mạnh, nó như một hình thức khuyến mãi, cho thêm để người ta nhớ tới mình, lấy tiếng tốt để người ta còn giới thiệu, kiểu ‘hữu xạ tự nhiên hương’. Hình thức này hay thì người ta học hỏi, cứ vậy mà lan ra, hình thành nên một cái nếp.

Còn mất dần là từ khi có chế độ ‘xã hội chủ nghĩa’ thôi. Chế độ ‘xã hội chủ nghĩa’ thì làm gì còn thị trường, nền kinh tế bao cấp mà. Tập trung độc quyền vào nhà nước hết. Nhà nước muốn sao thì phải vậy. Chế độ mua bán tem phiếu thì quy về một mối là cân ký lô. Có cả chế độ ‘giá tiền lương’ một thời.

Và được sự “lãnh đạo tài tình” nên hàng hóa bắt đầu khan hiếm, thiếu lên hụt xuống nên lấy gì mà cho thêm, người ta còn bắt đầu gian lận nữa chứ. Như có mấy câu chuyện vui đó. Chuyện cô giáo hỏi học trò một ký bằng bao nhiêu gram, học trò trả lời rằng tùy à, một ký bằng 700 gram hoặc 1300 gram, tùy cân bán hay cân mua. Hay chuyện có người vô chợ lớn mua cái can nhựa 1 lít (bình nhựa), sẽ được hỏi mua can bán hay can mua, bán thì đưa cho cái can… 700 ml, mua thì 1200 ml trở lên…

Kinh tế bao cấp người ta thấy nó tào lao quá, nên “thôi, ta chia tay nhau từ đây, đường anh anh đi, đường em em đi”. Nhưng người ta vẫn thủ cựu, không để tự do, mà… “tối tạo, đẻ ra đứa con mới” cho thị trường, đó là ‘kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’. Nhưng định hướng mà không có… con đường và một số ngành nghề vẫn độc quyền, muốn làm giá thế nào thì làm. Thiệt tình thì làm gì có con đường. Ngay như ông cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phải nói: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó (kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa), mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”.

Thực tế đã thấy rành rành, khi thì khan hiếm hàng hóa, khi thì thừa thải tràn lan. Như lúc thì tiêu và điều tràn ngập, đến nước người ta phải đốn bỏ, lúc thanh long đổ chất đống, lúc dưa phải đem cho bò, lúc chuối phải chín rục, lúc heo bán không ai mua,… và mới nhứt, vừa 30 Tết vừa rồi: Hoa Tết dội chợ, chất như núi ở chợ hoa sỉ Đầm Sen, TP HCM’.

Hoa đổ chất đống. Ảnh: Báo NLĐ

Và hơn nữa, chế độ định hướng luôn… lương tâm con người. Lương tâm không cân ký được, nên để nó thể hiện theo định hướng bằng… không có ký lô gram nào. Nhứt là về lòng tự trọng và sự vô cảm, sự hằn học,… Người ta không còn biết xấu hổ, chỉ chực chờ hàng hóa dư thừa đổ đi để xin, để lượm, để hôi, chứ không mua. Người bán thì có dư thừa cũng không giảm giá, mà sẵn sàng đập cho hư, cho tan tành… Kênh 14 đưa tin, ngày 15/02/2018: Sau khi tiểu thương tự tay đập chậu trưa 30 Tết, hàng chục người dân lao vào ‘hôi hoa’.

Đã không có con đường mà người điều hành, quản lý còn vô cảm là đáng tội nhứt. Để tự bà con cô bác phải tự “bơi”, nên có những cuộc giải cứu, ‘giải cứu lợn’, ‘giài cứu chuối’,… Rồi những kẻ ‘phá gia chi tử’ ăn theo, những kẻ này đây: “Với khoảng nợ lên tới trên 1.595 tỉ đồng, Đạm Ninh Bình đề nghị được giải cứu, nhưng được Bộ trưởng khuyên: trước khi trời cứu thì hãy tự cứu lấy mình”.

Chú Tám Thinh thở dài:

– Hổng có con đường mà vẫn đi. Y như người mù dẫn dắt, chắc lao xuống vực hết quá.

Anh Bảy “phản bác”:

– Giỡn hoài à, có “đường đàng hoàng” nghen, có con đường để xây dựng xứ “Cờ hoa” mới, hơn hẳn xứ Mỹ à. Đây nè, hãy coi bức ảnh cũng trên báo Người Lao Động điện tử hén.

Ảnh: Báo Người Lao Động

Anh Bảy mở cho bà con cô bác xem (Ảnh trên). Bức ảnh thể hiện đúng bản chất của xứ “Cờ hoa” mới. Trên cờ đỏ tươi, dưới hoa đổ thành rác ngập đường, ngập chợ.

Bình Luận từ Facebook