17-2-2018
Sáng ngày mồng 2 Tết, tôi tìm mải miết trên nhiều tờ báo xem người ta có nói gì về ngày này 39 năm trước hay không.
Ngoài tờ Vietnamnet, Dân Trí, thì trên rất nhiều tờ báo lớn khác, có một sự im lặng không thể nào lý giải nổi. Nhiều tờ báo không một dòng nào nhắc nhớ về cuộc Chiến tranh biên giới chống quân Trung Quốc xâm lược, bắt đầu vào đúng ngày 17-2-1979.
Rất lâu trước, tôi nhớ có một người lính trở về từ cuộc Chiến tranh biên giới phía Bắc nói rằng, họ không sợ kẻ thù mà chỉ sợ bị lãng quên.
Ngày hôm nay, 39 năm sau, trên những tờ báo lớn nhất của đất nước này, người ta im lặng. Thậm chí, họ chạy những dòng tít lớn về tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo của Trung Quốc vào lãnh thổ Việt Nam, hành động giày xéo mảnh đất phương Nam của những kẻ đến từ Phương Bắc, lại không có lấy một dòng tưởng nhớ.
Thế nhưng, các anh chị và tôi, chúng ta sẽ không quên.
Ngày 17-2-1979, Trung Quốc tung 600.000 quân ồ ạt tấn công trên toàn tuyến biên giới Việt Nam. Số lượng này lớn hơn cả những thời điểm Mỹ, Pháp huy động lượng quân lớn nhất vào Việt Nam (Mỹ 550.000 quân, Pháp 250.000 quân).
Quân đội chính quy của Việt Nam thời điểm ấy đóng ở khu vực biên giới chỉ có khoảng 50.000 người.
Gần 30 ngày xâm lược Việt Nam, gần 30 ngày mà Đặng Tiểu Bình, phó thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ nói rằng: “Phải dạy cho Việt Nam một bài học”, Trung Quốc đã huỷ diệt 4 trong số 6 thị xã dọc biên giới phía Bắc Việt Nam. Chúng tàn phá làng mạc, công trình di tích, chúng phá huỷ trường học, bệnh viện. 6 tỉnh biên giới có 3,5 triệu dân thì một nửa trong số ấy mất nhà cửa, tài sản. Hàng chục ngàn thường dân vô tội bị giết hại. Tận cùng của sự tàn ác là trong đó có rất nhiều phụ nữ và trẻ em.
Cuộc chiến tranh biên giới, trên thực tế không chỉ 30 ngày bi thương ấy, mà nó kéo dài ròng rã suốt 10 năm sau mới kết thúc.
Đó là một quãng lịch sử đầy đau đớn. Nhưng càng bi thương thì càng không thể nào quên được. Dẫu nhiều tờ báo hôm nay không có một dòng nhắc nhớ về những người lính Việt đã để lại máu xương mình nơi biên cương năm ấy, dẫu vì lý do nào đó họ phải vờ như quên đi những đồng bào mình đã chết thảm dưới họng súng quân thù năm ấy, thì trong lòng dân, những người có hiểu biết và lương tri, sự thật vẫn tồn tại.
Chừng nào dân tộc Việt vẫn còn hơi thở, chừng đó sẽ không ai bị lãng quên, không điều gì bị lãng quên. Lịch sử, dù có hào hùng hay bi tráng, dù có thịnh hay suy, dù có trên đỉnh vinh quang hay tận cùng đau đớn, sẽ vẫn luôn được lưu giữ lại đến muôn đời. Bởi vì, lịch sử đâu chỉ tồn tại trên những trang viết, lịch sử còn tồn tại trong lòng người, lịch sử tồn tại trong lòng dân.