Valentine – Tình yêu, Máu và Nước mắt

Thạch Đạt Lang

16-2-2018

Nicolas Cruz (áo màu cam) xuất hiện trước tòa hôm 15/2/2018. Ảnh chụp màn hình

Ngày 14.02.2018 vừa qua là ngày lễ Tình Yêu đặc biệt nhất trong lịch sử nước Mỹ. Vào ngày lễ này, Nikolas Cruz, 19 tuổi, học sinh trường trung học Marjory Stoneman Douglas thành phố Parkland, tiểu bang Florida đã xả súng bắn vào các lớp học, đám đông trong giờ tan học, gây thiệt mạng cho 17 người, 14 người khác bị thương, phủ một bức màn u ám lên toàn nước Mỹ.

Đây không phải là lần đầu tiên và chắc chắn sẽ không là lần cuối cùng, một vụ giết người hàng loạt với các khẩu súng cá nhân tự động hoặc bán tự động xẩy ra trong trường học trên nước Mỹ. Chỉ tính trong thế kỷ 21, từ năm 2000 trên nước Mỹ trong gần 2 thập niên qua, đã có hàng trăm vụ nổ súng trong sân trường học hoặc khuôn viên trường học. Xin liệt kê 10 vụ tiêu biểu:

  1. Virginia Tech 2007 – 33 nạn nhân thiệt mạng, bị thương 25.
  2. Sandy Hook Elementary School 2012 – 28 người chết, 2 bị thương.
  3. Marjory Stoneman Douglas Highschool 2018, vừa xẩy ra với 17 thiệt mạng, 14 bị thương.
  4. Umpqua Community College 2015 – 10 chết, 9 bị thương.
  5. Red Lake Highschool, Minnesota 2005 – 10 chết, 7 bi thương.
  6. Oikos University 2012 – 7 tử thương, 3 bị thương.
  7. West Nickel Mines School 2006 – 6 chết, 3 bị thương.
  8. Northen Illinois University 2008 – 6 chết, 21 bị thương.
  9. Santa Monica College 2013 – 6 nạn nhân thiệt mạng, 4 bị thương.
  10. Marysville Pilchuck High School 2014 – 5 chết, 1 bị thương.

Đó là chưa kể những vụ nổ súng nơi công cộng, trong các quán bar, hộp đêm, nơi trình diễn đại nhạc hội… như vụ thảm sát tại Route 91 Harvest Festival, Las Vegas, ngày 01.10.2017 với 59 người bị bắn chết và trên 500 người khác bị thương hoặc vụ Pulse Night Club, Orlando, Florida với 50 người chết, 58 bị thương.

Thủ phạm lần này, giống như Stephen Paddock trong vụ xả súng ở Las Vegas là người da trắng (caucasian), do đó được miễn gọi là khủng bố, cho dù nét kinh hoàng, sợ hãi vẫn còn đè nặng trên nhiều khuôn mặt nhân chứng, ngay cả sau khi Nikolas Cruz đã bị bắt, còng tay.

Tổng thống Donald Trump ngay sau khi nhận được tin về vụ thảm sát, đã gửi tweet, phán rằng Nikolas Cruz mắc bệnh tâm thần (đương nhiên). Chẳng những không chỉ ông Trump, bà luật sư bào chữa cho đương sự, Melissa Mc Neil cũng nói rằng: “Nikolas Cruz không được hệ thống xã hội, giáo dục, giúp đỡ đầy đủ. Khi bị hất hủi, người ta dễ bị bại não và không còn ứng xử phù hợp với những tình trạng chung quanh”.

Ông Donald Trump phán không sai, luật sư Melissa McNeil lại càng có lý hơn. Một người bình thường, tất nhiên chẳng có lý do gì để phun đạn (bullet spray) vào người khác mà không có lý do chính đáng. Tuy nhiên, lý do nào sẽ được coi là chính đáng thì cần phải xét lại tư cách người nói.

Nikolas Cruz da trắng, không theo Hồi giáo, tất nhiên theo ông Trump không phải là khủng bố. Người dân Mỹ có thể yên tâm điều này. Nikolas chỉ là một học sinh, từng đánh nhau, đe dọa các học sinh khác, tranh giành gái, bị đuổi khỏi trường một năm trước đó.

Trên mạng xã hội Twitter, Donald Trump gửi tweet cầu nguyện, chia buồn với gia đình nạn nhân ở Parkland, Florida, đồng thời nói rằng không trẻ em, thầy giáo hay bất cứ ai nên cảm thấy bất an trong trường học trên nước Mỹ. Nguyên văn: “My prayers and condolences to the families of the victims of the terrible Florida shooting. No child, teacher or anyone else should ever feel unsafe in an American school.”

Ngay sau khi xẩy ra thảm sát, những người quen biết mô tả Nikolas Cruz là một đứa trẻ tính khí bất thường, thích đùa giỡn, khoe súng đạn, thường hào hứng nói về chuyện giết súc vật. Trong trường học, Nikolas Cruz là người cô độc, rất ít bạn bè nhưng dễ bị kích động, hay có hành vi bạo lực khiến người khác sợ hãi vì thường có phản ứng không lường trước được.

Một học sinh khác không cho biết tên, nói rằng Nikolas luôn có súng trong người, đã bị đuổi khỏi lớp nhiều lần vì việc đó. Trả lời phỏng vấn báo chí, học sinh này cũng cho biết, có một số bạn thường đùa giỡn rằng nếu có ai đó xả súng bắn vào trường học thì người đó chính là Nikolas Cruz. Điều này khiến nhiều học sinh khác sợ hãi và tránh xa Nikolas.

Câu hỏi được đặt ra là: Lý do nào ban giám hiệu đã được báo động về những hành vi bất  thường của Nikolas Cruz nhưng lại không có phản ứng hay thông báo gì cho cảnh sát biết? Theo tờ Business Insider thì Nicolas Cruz là con nuôi của vợ chồng bà Lynda Cruz, còn bố mẹ ruột của Nikolas là ai thì không biết. Tuy nhiên, bà Lynda Cruz đã qua đời từ tháng 11 năm 2017. Chồng bà Lynda qua đời trước đó vài năm. Đây chính là lý do mà luật sư của Nikolas Cruz biện hộ rằng Nikolas có đời sống bất thường nên tính khí không ổn định.

Tất nhiên sẽ không có câu trả lời rõ ràng vì tự do cá nhân của người Mỹ được tôn trọng tối đa, dù nhà trường có báo cho cảnh sát biết những hành vi bất thường của Nikolas, chưa chắc cảnh sát đã có biện pháp gì khi Nikolas chưa có hành động biểu lộ sử dụng bạo lực sát hại người khác.

Vấn đề chính cần phải giải quyết là việc giới hạn mua sắm, sử dụng vũ khí cá nhân. Tu chính án thứ hai cần phải được thay đổi, là điều rất nhiều đời tổng thống Mỹ cố gắng tìm cách thực hiện hay nói đến trong quá khứ nhưng bất khả, chưa bao giờ thành công.

Khoan nói tới chuyện sửa đổi Tu Chính Án cần phải thông qua sự biểu quyết của lưỡng viện, chỉ nói tới chuyện sửa đổi luật để có thể gia tăng, kiểm soát chặt chẽ việc  mua bán, sử dụng vũ khí cá nhân, lần nào cũng bị đảng Cộng Hòa và tòa Bạch Ốc ngăn cản. Sau vụ xả súng ở Las Vegas, giết chết gần 60 người, đảng Dân chủ mang vụ kiểm soát súng đạng ra bàn thảo, tòa Bạch Ốc cũng gạt đi, cho rằng, bây giờ chưa phải lúc để tranh luận vấn đề kiểm soát súng đạn.

Chưa biết đến thời điểm nào thì Tu Chính Án thứ hai sẽ được sửa đổi hay đem ra bàn thảo, tranh luận, nhưng chắc chắn một điều rằng trong nhiệm kỳ của ông Donald Trump, điều này sẽ không có cơ hội được nói tới. Ông Trump nói đủ chuyện, gửi tweet tưng bừng sau vụ thảm sát ở Parkland, Florida nhưng không ai đọc được chữ “súng” trong tất cả các tweet của ông.

Cũng đừng quên rằng, sau khi bước chân vào tòa Bạch Ốc, ông Trump với lý do cắt giảm chi tiêu, đã huỷ bỏ sắc lệnh kiểm soát việc sử dụng súng của những người bị bệnh tâm thần nặng nề do ông Barack Obama ban hành trước đó. Có khoảng 75.000 người bị đánh giá mắc bệnh tâm thần nặng, bị đưa vào trong danh sách vì họ không thể quản lý tình trạng tài chánh của họ. Khi ông Trump lên làm tổng thống, danh sách này bị huỷ bỏ, điều đó có nghĩa là họ được phép tự do mua sắm vũ khí, đồng thời cũng có nghĩa là nước Mỹ có thêm khoảng 75.000 tay súng có tinh thần bất ổn định.

Ông Donald Trump cũng tuyên bố sẽ làm việc chặt chẽ với chính quyền tiểu bang và giới chức lãnh đạo tại địa phương về chuyện bảo đảm an ninh cho trường học và giải quyết vấn đề khó khăn của bệnh tâm thần.

Quyền lực và quyền lợi của các tổ hợp, công ty sản xuất vũ khí Mỹ quá lớn, quá mạnh, quá nhiều. Tình yêu, máu và nước mắt của vài chục gia đình cùng nỗi kinh hoàng, lo lắng của các phụ huynh có con em đi học có nghĩa lý gì, so với những con số vài chục tỉ đô la lợi nhuận hàng năm?

Bình Luận từ Facebook