Sao chưa xóa bao cấp đối với cái chết?

FB Hoàng Hải Vân

14-2-2018

Ảnh: internet

Vụ dùng 1400 tỷ đồng tiền ngân sách xây dựng nghĩa trang dành cho quan chức (Nghĩa trang Yên Trung) không phải là chuyện gì mới. Lâu nay người ta vẫn nghe nói ông nọ bà kia người thì an táng tại nghĩa trang Mai Dịch, người thì đưa vào Văn Điển, thậm chí nghe nói có danh nhân chết định đưa vào Mai Dịch nhưng do mức lương chưa đủ để được vào nghĩa trang này nên chết rồi mà phải nâng lương để hợp thức hóa. Cũng nghe nói là sở dĩ có cái nghĩa trang 1400 tỷ kia là do Mai Dịch không còn đủ chỗ.

Dư luận phản ứng gay gắt về cái nghĩa trang này, không chỉ trên mạng xã hội mà cả trên báo chí chính thống. Phản ứng thì nhiều chiều, nhưng chưa ai động đến gốc rễ của vấn đề, nên nhiều kiến nghị nêu ra không khả thi, chẳng hạn như biến nghĩa trang này thành nghĩa trang liệt sĩ chống bành trướng Trung Quốc hay dành số tiền này để làm nghĩa trang cho dân, v.v… Nó không khả thi là vì cái nghĩa trang đó không đủ để đưa hết các liệt sĩ chống bành trướng về, còn nghĩa trang cho dân thì không những dân không cần mà còn dẫn đến tình trạng vô cùng nguy hiểm là sẽ biến Nhà nước ta thành một Nhà nước toàn trị tuyệt đối. Lo miếng ăn giấc ngủ của dân đã là toàn trị rồi, lo cả đến cái chết của dân nữa thì không toàn trị tuyệt đối thì là gì đây ?

Cái gốc của vấn đề là ở chỗ, ngày xưa miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Nhà nước thực hiện chế độ phân phối theo nguyên tắc xã hội chủ nghĩa (kiểu cũ). Toàn dân đi học từ mẫu giáo đến đại học không mất tiền, toàn dân chữa bệnh không mất tiền, lương thực thực phẩm – nhu yếu phẩm và các chế độ đãi ngộ khác được phân phối theo hướng “làm theo năng lực hưởng theo lao động”. Miền Bắc không có người ăn xin, không có người đói, không có người thất học (trừ những gia đình dính dáng đến “tề ngụy” không tính). Do chủ nghĩa xã hội khi ấy vẫn “đang xây dựng” nên Nhà nước vẫn chưa lo được tất cả mọi thứ cho dân, trong đó có việc lo cho cái chết. Chuyện chết chỉ lo được cho các quan chức, những người mà theo quan điểm của Nhà nước là có cống hiến nhiều hơn các thành phần lao động khác. Cái nghĩa trang Mai Dịch và Văn Điển ra đời, coi như là sự đãi ngộ theo thứ bậc sau khi chết.

Dù dưới góc độ nào cũng nên có cái nhìn công tâm. Theo tôi biết thì hầu hết các vị tham gia khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng Tháng Tám cũng như kháng chiến chống Pháp, sau khi giành chính quyền các vị đều là những người vô sản. Sau này chuyển sang kinh tế thị trường, con cháu các vị có làm ăn trở thành hữu sản như thế nào tôi không biết, nhưng bản thân các vị thì không có đất đai. Ví dụ như cụ Phạm Văn Đồng, tôi đồ rằng nếu không đưa cụ vào an táng tại nghĩa trang nhà nước thì gia đình cụ làm gì có đất để an táng.

Khi cả nước chuyển sang kinh tế thị trường, trong quá trình xóa bao cấp lẽ ra nên xóa luôn bao cấp đối với cái chết. Gia đình lãnh đạo bây giờ ít nhiều đều hữu sản, ai cũng có thể có hoặc mua được một mảnh đất để an táng. Thực tế đã có nhiều vị lãnh đạo di chúc đưa mình về quê quán chứ không cần nằm trong Mai Dịch. Nhưng do quá câu nệ vào danh, nên việc bỏ chế độ chôn cất theo đẳng cấp đang rất là khó, nhưng khó thì tìm cách giải quyết từ từ, đằng này lại đẻ ra thêm cái nghĩa trang 1400 tỷ to đùng gây phản cảm. Tôi nghĩ, nếu như lãnh đạo đương nhiệm ra một quyết định xóa bỏ các nghĩa trang nhà nước dành cho quan chức thì không những sẽ được toàn dân ủng hộ mà ngay cả những quan chức đã về hưu cũng không có lý do gì phản đối, vì cái quyết định này cũng xóa bỏ luôn đặc quyền được chôn cất của chính những người ra quyết định.

Nói vậy không có nghĩa là đất nước không vinh danh những người con ưu tú. Tôi nghĩ chúng ta nên học nước Pháp. Không chỉ học mà còn phải “rút kinh nghiệm sâu sắc” nữa.

Nước Pháp đưa thi hài những người con làm rạng danh Tổ quốc họ vào Điện Panthéon. Ngôi nhà thờ nổi tiếng này được dùng làm lăng mộ cho những người làm rạng danh nước Pháp, được quyết định vào năm 1791 bởi Hội đồng lập hiến của Cách mạng Pháp 1789.

Điều thú vị từ năm 1791 cho đến ngày nay, chỉ có 76 người được đưa vào an nghỉ tại điện Panthéon, nhưng nay thì chỉ còn 65 ngôi mộ. Đáng chú ý là hai nhân vật lừng danh nhất của cách mạng Pháp là Honoré de Mirabeau và Jean-Paul Marat đều bị đưa ra khỏi điện. Nhà cách mạng Mirabeau được đưa vào đây đầu tiên (1791) và cũng là người bị đưa ra đầu tiên (1792). Trong 65 ngôi mộ hiện còn, có Voltaire, Victor Hugo, Jean-Jacques Rousseau, Émile Zola, Alexandre Dumas, Marcellin Berthelot, vợ chồng nhà khoa học Pierre Curie …, cùng các chính khách, những người đấu tranh cho tự do và các tướng lĩnh lừng danh, nhưng hình như chỉ có ông Sadi Carnot là tổng thống Pháp. Còn ông André Malraux nữa, nhưng với tư cách là một văn hào, chứ không phải là bộ trưởng Văn hóa Pháp.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “Tôi nghĩ, nếu như lãnh đạo đương nhiệm ra một quyết định xóa bỏ các nghĩa trang nhà nước dành cho quan chức thì không những sẽ được toàn dân ủng hộ mà ngay cả những quan chức đã về hưu cũng không có lý do gì phản đối, vì cái quyết định này cũng xóa bỏ luôn ĐẶC QUYỀN ĐƯỢC CHÔN CẤT của chính những người ra quyết định”.
    Tác gỉả đã viết được ra những dòng trên, vậy mà vẫn còn đăt ra câu hỏi “sao chưa xóa bao cấp đối với cái chết?”?!

Comments are closed.