Có một thời mùa xuân như thế đó!

Người Việt TD Utah

Thi Phương

12-2-2018

Tết đang phôi pha trong ký ức ngày càng nhạt nhòa theo thời gian. Trong số chúng ta, người đến “vùng đất hứa” này lâu nhất cũng hơn 42 năm, nhưng cái Tết ngọt ngào, ấm cúng, gần gũi của một thời đối với chúng ta đã hoàn toàn chết sau ngày 30-4 năm đó. Đó là một sự thật có thể kiểm chứng rõ ràng.

Không ít người vẫn trở về hàng năm “ăn Tết” tại quê nhà, với lý do bên này có Tết đâu mà ăn, trong khi không có tập quán dân tộc nào gần gũi với chúng ta hơn ba ngày Tết. Nhưng sự thực thì Saigon còn đâu nữa, người Saigon còn đâu nữa mà ăn Tết Saigon. Sự xa lạ của TPHCM ngày nay – đường xá, phố phường, khu xóm, và con người, từ cách ăn mặc đến ăn nói – chỉ làm cho chúng ta thêm ngâm ngùi – nếu còn biết cảm nhận những mất mát như “Thăng Long Thành Hoài Cổ”.

Những gì đang chịu lưu đày trong ký ức của chúng ta? Buổi tiệc gia đình cuối năm đông đủ, nhộn nhịp, anh chị em họp mặt không thiếu ai, cha mẹ rạng rỡ với con cháu, dâu rể tề tựu chung quanh. Đêm giao thừa tiếng pháo nổ vang vang khắp nơi; khói hương trầm lan tỏa trang nghiêm trong nhà; ông bà, cha mẹ sì sụp trước bàn thờ trong giờ phút thiêng liêng xác nhận một năm cũ đang qua và một năm mới đang nhích đến. Ngày mùng một người lớn ăn mặc chỉnh tề, trẻ con tung tăn quần áo mới, mừng tuổi ông bà, cha mẹ, và được nhận lại những phong bì đỏ tiền lì xì. Ăn sáng gia đình không bao giờ thiếu bánh chưng, bánh tét, dưa món, củ kiệu. Và các loại mứt bánh, hột sen cùng trà dọn sẵn trên bàn để đi qua đi lại nhấm nháp. Cuộc hành hương lễ Phật ngày đầu năm cũng không thể nằm ngoài “nghị trình”, ngôi chùa Hải Quang tận trong một hẻm ở quận Tân Bình tràn ngập người và người, ai cũng quen biết nhau, còn đông vui hơn ngày Phật Đản. Tết là một ngày lễ hội văn hóa dân tộc, văn hóa gia đình, thể hiện tất cả những gì thiêng liêng nhất, ấm cúng nhất, đông đủ nhất của mỗi người, mỗi gia đình, xã hội.

Và trong không khí này, nhạc xuân là một phần không thể thiếu trong nếp văn hóa đó. Chúng ta có lẽ đã quên đi dòng nhạc mừng năm mới của một thời, tràn ngập trên truyền hình, truyền thanh, nhưng nếu nhớ lại, chúng ta sẽ khám phá ra rằng cái Tết và mùa xuân mới đã thấm sâu vào cuộc đời của chúng ta, xã hội của chúng ta, cho nên đó là cảm hứng không thể thiếu nơi các nhac sĩ. Trong nhà trường, xí nghiệp, công sở, các đơn vị quân đội ngay ở các nơi trú đóng xa xăm, chợ búa, phố phường, gia đình, ai chẳng nô nức, mong đợi. Và thực sự trong những ngày vào xuân, những ngày Tết mà không nghe nhạc Tết, nhạc xuân, thì còn gì là xuân, là Tết. Với người bình thường, chúng ta còn có thể nhớ được ít nhất 10 bài hát về xuân, về Tết, trong khi nếu tìm hiểu thực sự thì ít nhất phải có 50 bài trong “hồ sơ”: Hoa xuân, Đón xuân, Bến Xuân, Gái xuân, Đêm xuân, Nụ tầm xuân, Mộng đêm xuân, Mộng chiều xuân, Phiên gác đêm xuân, Nhớ một chiều xuân, Đồn vắng chiều xuân, Anh cho em mùa xuân, Xuân và tuổi trẻ, Xuân tha hương, Xuân ca, Xuân thì, Câu chuyện đầu năm… Với những người Việt trong lứa tuổi baby-boom, họ hẳn phải biết ít nhất 15 trong 17 bài đã kể.

Khám phá như thế mới khiến chúng ta chợt hiểu ra rằng dưới chế độ cộng sản của Hà Nội, người ta không ăn Tết “tiểu tư sản”, không có nhạc xuân “phản động”, hoặc là vì các nhạc sĩ đã không có đủ cảm hứng, hoặc vì người dân không đủ hưng phấn cho một ngày lễ hội dân tộc, hay nói chung, là vì chế độ đặt nặng những giá trị “nhân bản vô sản” được gọi là tam vô, đối nghịch với tính cách tôn giáo, dân tộc, gia đình của ngày Tết. Và khi người ta đã hủy bỏ tất cả để dồn sức vào “sự nghiệp giải phóng”, thì cái Tết duy nhất mà người ta có thể cho người dân cả hai miền chung hưởng là Tết Mậu Thân. Đáng tiếc là cho đến nay, 50 năm sau của cuộc “tổng công kích, tổng khởi nghĩa” lợi dụng lúc chế độ Saigon ngây thơ cùng người dân ăn Tết, nhiều người vẫn chưa hiểu đủ cái “chân lý” đó. Ngay cả sau 1975, khi “hòa bình” đã bị lập lại, có nhạc sĩ nào đủ sức sáng tác một bài nhạc xuân “có định hướng chủ nghĩa xã hội” đâu. Trừ ra một bài ngập ngừng vì chỉ nói một nửa sự thật, là bài Mùa xuân đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao (Rồi dặt dìu, mùa xuân theo én về. Mùa bình thường mùa vui nay đã về. Mùa xuân mong ước ấy đang đến đầu tiên…). Điều khá đặc biệt là nhiều người biết bài này khi đang nằm gác tay lên trán trong một trại “cải tạo” nào đó!

Đầu mùa xuân năm 2016, Hà Nội cho hát bài Ly Rượu Mừng là bài hát phổ biến hàng đầu của Saigon trong những dịp năm hết Tết đến. Khó nhớ bắt đầu từ năm nào, nhưng Ly rượu mừng được hát nơi nơi. Thể hiện tất cả tâm tình của người dân Miền Nam, xã hội Miền Nam trong những ngày xuân về. Nay 40 năm sau năm 1975, Hà Nội cho hát bài này.  Đó là một quyết định “tuyệt vọng” ở chỗ người ta lèo lái lý do “châm chước nhân đạo” là bài hát này được làm ra năm 1952, trong thời kháng chiến chống Pháp – như thể Phạm Đình Chương làm ra bài này từ cảm hứng cuộc kháng chiến. Chúng ta chỉ cần nhớ rằng lúc đó ông đã “về thành” (vào Saigon) và đã có sự lựa chọn rõ rệt.

Sự thực thì bài Ly rượu mừng được xuất hiện trong năm 1955, bài hát được đăng trên một tạp chí xuất bản ở Saigon mà chủ nhiệm là chính khách lão thành Trần Văn Ân và Nguyễn Đức Quỳnh. Đó là số Tết Báo Đời Mới. Ngay cả trong trường hợp nhạc sĩ đặt bài này năm 1952, khi chúng ta cho rằng khung cảnh là vào một thời chiến tranh chưa dứt, nhưng bối cảnh đúng là xã hội miền nam (Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi; Người thương gia lợi tức; Người công nhân ấm no…).   Những bài hát sau đó của Phạm Đình Chương (Anh đi chiến dịch, Thư gởi người chiên sĩ…) còn cho thấy chỗ đứng dứt khoát của nhạc sĩ. Và sau năm 1975 đương nhiên khỏi phải nói về người nhạc sĩ “Khi tôi chết hãy mang tôi ra biển”. Vả lại, nếu trước năm 1975, bài Ly rượu mừng hát đơn ca hay đồng ca làm cho người ta gần lại với nhau hơn, bây giờ mà nghe bài hát này ở “TPHCM”, sự lạc lỏng, giả tạo là cảm giác không tránh khỏi, bởi vì khung cảnh và bối cảnh bài hát đều nghe xa lạ.

Một tác giả trong DongNhacXưa.com đã viết một bài rất công phu và nghiêm chỉnh về Ly Rượu Mừng, cần được trích ra đây: “Theo nhiều tài liệu trên internet thì ‘Ly rượu mừng’ được viết vào năm 1955 nhưng theo tờ nhạc mà chúng tôi sưu tầm được thì bản này được quán nhạc Minh Phát cho in vào năm 1966.  Cho dù viết vào năm nào thì chắc chắc nhạc phẩm này cũng ra đời trong thời đất nước bị chia cắt và người dân còn sống trong cảnh binh đao khói lửa. Đó cũng là lý do mà nhạc sỹ Phạm Đình Chương đã ưu ái dành nhiều đoạn cho ‘người binh sỹ’ và thiết tha mong một ngày đất nước thanh bình. Với thể điệu valse dìu dặt, cùng nét nhạc tài tình và ca từ đặc sắc, ‘Ly rượu mừng’ của Phạm Đình Chương xứng đáng được xưng tụng là bản nhạc xuân tuyệt vời nhất của dòng nhạc Việt”.

Thực ra, nếu chúng ta nghe “Lời ước thiêng liêng” (Bạn hỡi, vang lên Lời ước thiêng liêng. Chúc non sông hoà bình, hoà bình. Ngày máu xương thôi tuôn rơi. Ngày ấy quê hương yên vui. Đợi anh về trong chén tình đầy vơi), chúng ta cảm thấy tâm tình rất gần gũi với chúng ta trong những ngày phải đương đầu với cuộc nội chiến dấy lên từ miền bắc. Chúng ta không cần chiến thắng. Chúng ta chỉ cần ngưng tiếng súng, và người lính trở về an toàn. Lời bài hát không có tính sắt máu thường nghe từ những bài nhạc kháng chiến từ những nhạc sĩ văn công như Đỗ Nhuận, Phan Huỳnh Điểu. Nhất là khi chúng ta thấy lời chúc thanh bình ôn hòa trong đoạn kết: Nhấc cao ly này. Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do. Nước non thanh bình. Muôn người hạnh phúc chan hoà. Ước mơ hạnh phúc nơi nơi. Hương thanh bình dâng phơi phới.

Một bài nhạc xuân khác của Phạm Đình Chương nghe rất thấm trong những ngày này, Đó là Xuân Tha Hương. Bài ca chất chứa nỗi buồn sâu lắng, day dứt, khắc khoải có phần nào tuyệt vọng của một người mang những kỷ niệm ấm áp của một thời còn nhỏ không thể quên được: Ngày xưa xuân thắm quê tôi. Bao nhánh hoa đời đẹp tươi. Mẹ tôi sai uốn cây cành. Vun tưới hoa mùa xinh xinh. Thời gian nay quá xa xăm. Tôi đã xa nhà đầm ấm. Sống bao xuân lạnh lẽo âm thầm.

Đoạn tiếp theo cũng cần ghi lại đây để chúng ta soi chiếu lại tâm sự của mình:

Hoa xưa dần qua biết bao kỳ đâm bông
Riêng ai buồn thương hắt hiu còn trông mong
Và xuân thay áo mấy mùa đợi chờ
Mắt huyên lệ rưng rưng, sầu héo đến bao giờ
Chiều nay lê bước phiêu du
Thầm nhớ xuân về làng cũ
Tình quê chan chứa trong lòng
Chua xót thay sầu ly hương
Đường đi xa lắc lê thê
Thèm khát khao ngày về quê
Để sống vui quê mẹ lúc xuân về
Xuân tới, muôn cánh hoa nở bay khắp nơi
Hương khói lan dưới mưa nhẹ rơi phơi phới
Chiều dâng, sầu lâng, trên đường về mịt mùng
Mây Tần ơi cho nhắn bao niềm thương.

Trước năm 1960, những bài nhạc xuân đều đượm không khí thanh bình, vui tươi, êm ấm. Đón xuân (Phạm Đình Chương), Hoa xuân (Phạm Duy)… là những bài hát “kinh điển” làm chúng ta nhớ một thời êm ả trước chiến tranh, hy vọng lan khắp nơi trong không khí đầy “Khúc hát ân tình” (Tình Bắc, duyên Nam), Bắc Một Nhịp Cầu, và Mộng Lành. Thậm chí đó là thời chúng ta còn tìm thấy sự lãng mạn qua những bài Gái xuân (Em như cô gái hãy còn xuân, Trong trắng thân chưa lấm bụi trần, Xuân đến hoa mơ hoa mận nở. Gái Xuân, giũ lụa trên sông Vân), Đêm xuân (Đêm qua say tiếng đàn, Đôi chim uyên đến giường, Chim báo tin Xuân đã về trong giấc mộng…), Nụ tầm xuân (Trèo lên cây bưởi hái hoa, Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân…). Mộng chiều xuân (Gió chiều thầm vương bao nhớ nhung, Người yêu thoáng qua trong giấc mộng…). Nhưng sau đó, chiến tranh ngày càng ác liệt, người ta ngày càng mất niềm tin, tôn giáo không đủ mạnh để là chỗ dựa, mùa xuân đến soi rõ sự ly tan, xa cách, lo sợ, ưu phiền, tuyệt vọng. Tâm sự của người mẽ đêm đêm nghe tiếng súng thấp thỏm chờ con, hay của người con mong về với mẹ nhưng cũng không thể để đồng đội ở lại. Hay của người vợ chờ chồng, hay cô gái chờ người yêu trong quạnh quẽ, đơn chiêc chỉ mình hay. Hay những đứa con mong cha…

Chúng ta hãy nhắc đến vài bài quen thuộc nhất thời đó, và chịu bỏ sót không biết bao nhiêu bài khác:

Xuân này con không về: Con biết bây giờ mẹ chờ tin con, Khi thấy mai đào nở vàng bên nương.

Nếu xuân này vắng anh…Xuân đã về anh có hay. Hoa bướm vui mùa xum vầy. Nơi phương trời anh có nhớ. Một người luôn nhắc tên anh. Và mơ duyên lứa đôi.

Đồn vắng chiều xuân. Đầu xuân năm đó anh ra đi. Mùa xuân này đến anh chưa về. Những hôm vừa xong phiên gác chiều. Ven rừng kín hoa mai vàng. Chợt nhớ tới sắc áo năm nào em đến thăm gác nhỏ

Phiên gác đêm xuân: Đón Giao Thừa một phiên gác đêm. Chào xuân đến súng xa vang rền. Xác hoa tàn rơi trên báng súng.  Ngỡ rằng pháo tung bay, ngờ đâu hoa lá rơi…

Mộng đêm xuân: Chiều nay buồn tôi đi tìm ý. Dù cho đuờng xa xôi vạn lý.
Tôi vẫn đi dù mưa dù gió. Tôi vẫn mong tình thương còn đó…

Có một thời Tết đến với chúng ta qua bao bài nhạc Xuân vang vang khắp mọi nhà và gây bao xúc động cho con tim chúng ta. Đó đúng là nỗi tự hào vô song của chúng ta trong những cảm nhận về những mất mát không tìm lại được, khi người ta không có nỗi một bài ca để lại cho thấy mùa xuân đã như thế nào ở bên kia. Và nỗi tự hào đó vẫn tồn tại đến bây giờ, khi người ta vẫn không làm nổi mùa xuân và một cái tết chan chứa tình người và tình dân tộc như thế.

Làm sao những ca sĩ trong nước thời nay hát nổi bài Anh Cho Em Mùa Xuân, một trong những bài nhạc xuân gần nhất của chúng ta vẫn êm đềm đọng mãi trong trí nhớ. Anh Cho Em Mùa Xuân, nhạc Nguyễn Hiền, thơ Kim Tuấn, thể hiện tất cả sự tài hoa tuyệt vời của cả nhạc sĩ lẫn thi sĩ. Nguyễn Hiền là một tên tuổi quá lớn với bao nhiêu ca khúc quen thuộc, nằm lòng cho bao thế hệ trước năm 1975: Gửi một cánh chim, Mái tóc dạ hương, Đêm sơn cước, Hồ Than Thở, Người em nhỏ… . Kim Tuấn cũng là một thi sĩ quá lớn cho dù mệnh bạc (qua đời năm 63 tuổi). Chúng ta ít người không biết Những bước chân âm thầm, hay Khi tôi về. Anh cho em Mùa Xuân thể hiện tất cả “tình yêu non nước này”, và non nước là dân tộc, là con người, là xã hội, là thiên nhiên, là cuộc sống… Một bài hát rất nhẹ nhàng, đầy mơ mộng và tưởng tượng, nhưng rất sâu sắc, đi vào con tim, đi vào quá khứ, đi vào cuộc sống của các thế hệ, các lứa tuổi, đi vào niềm hy vọng, mong đợi một cuộc sống thanh bình nơi nơi khi người ta biết sống yêu thương.

Hãy nghe Kim Tuấn nói lên giấc mộng của mình:

Anh cho em mùa xuân
nụ hoa vàng mới nở
chiều đông nào nhung nhớ
Đường lao xao lá đầy,
chân bước mòn vĩa phố
mắt buồn vịn ngọn cây.
Anh cho em mùa xuân,
mùa xuân này tất cả,
lộc non vừa trẩy lá
Lời thơ thương cõi đời,
bầy chim lùa vạt nắng
trong khói chiều chơi vơi.
Đất mẹ đầy cỏ lúa,
đồng xanh xa mấy mùa
Ngoài đê diều căng gió,
thoảng câu hò đôi lứa
Trong xóm vắng chuông chùa,
trăng sáng soi liếp dừa
Con sông dài mấy nhánh,
cát trắng bờ quê xưa.
Anh cho em mùa xuân,
trẻ nô đùa khắp trời
Niềm yêu đời phơi phới
Bàn tay thơm sữa ngọt,
dải đất hiền chim hót,
mái nhà xinh kề nhau.
Anh cho em mùa xuân,
đường hoa vào phố nhỏ,
nhạc chan hòa đây đó
Tình yêu non nước này,
bài thơ còn xao xuyến
rung nắng vàng ban mai.
Anh cho em mùa xuân
Nhạc thơ tràn muôn lối.

Trong những bài thơ khác được phổ nhạc của ông (nhất là Khi Tôi Về qua tiếng hát Ngọc Minh), người ta đều có thể thấy những mơ mộng tuyệt vời đó, của một người đã đi rất sát với thực tế khốc liệt của cuộc chiến và đã tồn tại được vì mơ mộng sẽ có một thời nào đó tình thương sẽ ngự trị chúng ta!

Và đã hơn 40 năm qua, những bài nhạc xuân thế đó vẫn thầm thì mãi trong tâm tưởng thế hệ baby-doom của người Việt này!

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Xin cám ơn tác giả đã mang lại không khí Tết cho những người Việt tha hương nhân dịp xuân về.

Comments are closed.