Tản mạn cuối năm: Đinh La Thăng, U23 Việt Nam và Bi kịch dân tộc

Viet-Studies

Nguyễn Trọng Bình

1-2-2018

Ông Đinh La Thăng khi đang là Bí thư Thành uỷ TP HCM, dự khán một trận đấu của U23 VN. Ảnh: Báo NLĐ

1. Truyền thông và “nghệ thuật sắp đặt” hay là “ăn cơm Chúa, múa tối ngày”?

Có một sự trùng hợp (mà theo tôi là hoàn toàn không ngẫu nhiên) là sáng ngày 08/01 khi phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng được mở ra thì gần như trên các phương tiện truyền thông chính thống cũng đồng loạt đăng và dẫn lại (cùng nội dung khác tiêu đề) bài viết của ông Trương Tấn Sang – nguyên Chủ tịch nước bàn về sự thịnh suy của dân tộc và đất nước trong lịch sử đồng thời liên hệ với thực tiễn công cuộc chống tham nhũng của chính quyền hiện thời. Đọc kỹ bài viết này sẽ thấy có một bàn tay của ai đó đã “sắp đặt” và “đạo diễn” để nó xuất hiện cùng ngày, cùng thời điểm với phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm.

Việc tất cả các tờ báo lớn đều phải đăng hoặc dẫn lại bài viết trên chính là chỉ dấu thứ nhất. Chỉ dấu thứ hai là câu văn chuẩn bị cho đoạn kết trong bài viết của ông Tư Sang như sau:

“Hôm nay chúng ta bước sang một năm mới với một tâm trạng tươi tắn, niềm tin trong nhân dân đã trở lại, sức khỏe nền kinh tế có phần hồi phục, vị thế đất nước được lan tỏa rộng rãi”.

Chỉ dấu cuối cùng là nguyên văn câu kết: “Với niềm tin đó chúng ta cùng phấn khởi bước sang năm Mậu Tuất 2018” và lời ghi chú của tác giả sau bài viết: “Viết tại Thành phố Hồ Chí Minh, cuối năm 2017”  [1]

Những chỉ dấu trên cho phép chúng ta suy luận một cách có cơ sở rằng bài viết của ông Tư Sang vốn được “đặt hàng” và “thiết kế” nhằm chuẩn bị cho ngày đầu năm mới 2018 sẽ công bố với toàn thể quốc dân đồng bào. Tuy nhiên, ai đó đã nhanh trí xử lý để nó lùi lại chờ đến ngày 08/01/2018 cũng là “ngày phán xử” ông Đinh La Thăng và đồng bọn mới hiện diện trên khắp các mặt báo (cả báo giấy lẫn báo mạng). Sự “sắp đặt” này nhằm mục đích gì? Đương nhiên tất cả chỉ nhằm mục đích tuyên truyền cho Đảng và chính quyền Nhà nước. Đầu tiên là nhằm phân tán và đánh lạc hướng sự quan tâm thái quá của dư luận dành cho phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng. Quan trọng hơn là để qua đó nhấn mạnh sự “quyết tâm của Đảng ta” mà đứng đầu là ông Tổng Bí Thư trong công cuộc “nhóm lò đốt củi” nhằm “lấy lại niềm tin” của dân chúng đang ngày càng cạn kiệt.

Thôi thì, có lẽ cũng không nên trách hệ thống báo chí về những chuyện tương tự như thế này nữa. Vì dù sao đây cũng là nhiệm vụ chính yếu của họ. “Ăn cơm Chúa” nên phải “múa tối ngày” âu cũng là lẽ thường. Nhưng vấn đề là, qua toàn bộ nội dung bài báo của ông Trương Tấn Sang cùng cách thức tuyên truyền của các phương tiện truyền thông chính thống về bài viết này chỉ càng làm cho người ta thấy rõ hơn một sự thật khác. Đó là chính quyền hiện nay vẫn không từ bỏ thói quen mỵ dân bằng chiêu trò “vừa đấm vừa xoa” nhằm “đánh” vào sự “hồn nhiên”, “ngây thơ” và tinh thần “lạc quan tếu” của họ. Bởi nghiêm túc mà nói về mặt nội dung, bài viết của ông Trương Tấn Sang hoàn toàn không có gì mới vì trước đó đã có nhiều người nói rồi, viết rồi. Gần nhất là người đồng chí của ông Sang – ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương khi vừa về hưu cũng có hàng loạt bài viết tương tự. Thậm chí, những bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng về mặt tư duy còn sắc sảo, thấu đáo và dĩ nhiên cũng hay hơn bài của ông Tư Sang rất nhiều.

Tuy vậy, có lẽ trong cái rủi có cái may,  Đảng… tính vẫn không bằng Trời tính. Trong những ngày Tòa nghị án và “chuẩn bị” tất cả các khâu để tuyên án ông Đinh La Thăng cho “đúng quy trình” thì ở bên kia biên giới trên đất của “người đồng chí anh em”, thầy và trò ông Park Hang Seo đã bất ngờ làm nên những trận cầu đẹp mắt cùng những chiến thắng bất ngờ. Đây rõ ràng là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Và sự trùng hợp này đã vô tình cứu Đảng ta một bàn thua trông thấy. Người Việt 4000 năm qua tuy luôn bị đè đầu cưỡi cổ nhưng vẫn rất “ngây thơ,” “cả tin” và không “chịu trưởng thành”. Thế nên, riêng trong vụ xét xử Đinh La Thăng có vẻ như… ông Trời cũng “giúp” Đảng ta (vì không phải đau đầu chuẩn bị những “kịch bản” tuyên truyền “vừa đấm vừa xoa” nữa). Bản án 13 năm tù giam dành cho Đinh La Thăng và chung thân dành cho Trịnh Xuân Thanh giờ đây chẳng còn mấy người quan tâm theo dõi và bình luận. Tinh thần và men say chiến thắng của một đội bóng vốn trước đó bị đánh giá là “lót đường” đã cuốn phăng tất cả.

Nhưng nếu bình tâm ngẫm kỹ lại sẽ thấy đây là câu chuyện “rằng hay thì thật ra hay/ Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!” Cả một xã hội cho đến hôm nay vẫn chưa hết nhốn nháo, xô bồ trong cơn “lên đồng tập thể” mà không biết rằng đó thật ra còn là một biểu hiện khác của nỗi mặc cảm, tự ti của một dân tộc nghèo nàn và yếu đuối đã ăn sâu vào tận xương tủy. Cả hệ thống báo chí truyền thông giờ đây trông chẳng khác gì những con đỉa đói. Từ chỗ hân hoan vui mừng rất chừng mực và đáng yêu nhiều người bắt đầu chuyển sang lợi dụng “tinh thần” và “ý chí dân tộc” của đám đông mù quáng và cực đoan. Những bài viết thiên về bới móc đời tư, kể lể, tung hô tinh thần vượt khó của các cầu thủ rất nhảm nhí và rẻ tiền đua nhau trồi lên mặt báo chẳng khác gì một mớ tạp nham và hổ lốn. Nói bi kịch dân tộc cũng là vì vậy! Bi kịch vì mỗi cá nhân trong xã hội không có khả năng tự nhận thức được bản thân mình nên sinh ra sự ảo tưởng và lố bịch. Hay nói khác đi, đó là biểu hiện của sự dễ dãi và suồng sã của một dân tộc mang tâm lý lệ thuộc lúc nào cũng khao khát được “vươn lên” để “thể hiện” và “trình diễn” vừa đáng thương nhưng cũng thật đáng trách.

2. Lấy lại niềm tin hay “giải quyết hậu quả” do chính mình gây ra?

Nói cho cùng thì công cuộc chống tham nhũng đến thời điểm này do ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cầm đầu chẳng qua là sự “dọn dẹp” và “giải quyết hậu quả” mang tính “nội bộ” của các đồng chí Đảng viên ĐCS với nhau mà thôi. Đây cũng là cái hệ lụy tất yếu của cái thể chế chính trị hiện thời mà ra. Bởi lẽ, tham nhũng thì ở đâu cũng có nhưng tham nhũng từ trên xuống dưới đến độ “ăn không từ một thứ gì của dân” thì Việt Nam chưa bao giảm phong độ để góp mặt ở các vị trí dẫn đầu các quốc gia tham nhũng trên thế giới. Trong khi đó cái cơ chế để làm sao kiểm soát và hạn chế lòng tham của các quan chức ở mức thấp nhất thì ngược lại. Nghĩa là ở vị trí “đội sổ”.

Trong bài viết của mình, sau khi điểm qua lịch sử về sự hưng thịnh của dân tộc như lời cảnh báo, cảnh tỉnh nhằm “phê và tự phê bình”, ông Sang đã rất khéo léo mê hoặc người dân bằng những lời đường mật thường thấy. Một mặt ông kêu gọi “Ðảng và những người nắm giữ vai trò chèo lái đất nước phải kiên quyết hành động” nhưng mặt khác, cũng không quên chiêu dụ: “Nhân dân luôn đứng bên cạnh Ðảng, đồng lòng đi theo Ðảng bằng cả lý trí và trái tim để thực hiện đến cùng cuộc đấu tranh này”.

Những lời của ông nói nghe thật hay nhưng có khi nào vì cao hứng nên đã quên mất chính bản thân ông đã và đang là một phần của Đảng chứ còn ai vô đây.

Kinh nghiệm phòng chống tham nhũng thành công của các quốc gia phát triển trên thế giới cho thấy nếu không xây dựng một thể chế theo mô hình “tam quyền phân lập” thì không nên nói nhiều về chuyện này. Thế nhưng, mới đây các đồng chí đang tại vị của ông Tư Sang đã rất quyết liệt và kiên định đề ra quy chế cấm không cho đảng viên bàn đến cái mô hình “tam quyền phân lập” ấy. Đã vậy thì thử hỏi ông Tư Sang và các đồng chí của ông sẽ hành động như thế nào để lấy lại niềm tin của nhân dân đây? Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Xuân Anh, Vũ “Nhôm”… tất cả nói cho cùng đều là những “sản phẩm lỗi của một hệ thống”, một “bộ máy” già nua, cũ kỹ nhưng các ông đã kiên định không chịu sửa, không chịu thay đổi thì hô hào, kêu gọi làm gì?

Dĩ nhiên ở đây ông Tư Sang vẫn đáng được tôn trọng và ca ngợi nếu như bài viết kia thực sự do chính ông suy nghĩ và chấp bút. Nhưng cũng từ đây, một vấn đề khác không thể không đặt ra là, tại sao dạo gần đây những người như ông Sang, ông Hoàng và khá nhiều các đồng chí “lão thành cách mạng” khác “về vườn” rồi mới chịu “ra mặt”, mới dám nói, dám bàn và kêu gọi “Đảng ta phải kiên quyết hành động”? Phải chăng khi còn đương nhiệm những người như ông Sang, ông Hoàng hoặc là thiếu dũng khí, thiếu quyết tâm hoặc là hoàn toàn bất lực trước thảm trạng “lợi ích nhóm” và giặc “nội xâm” mà hơn ai hết các ông đã hiểu và nhìn thấy rõ nhất?

Hay chính điều ấy cũng ít nhiều cho chúng ta thấy rõ hơn lối tư duy nước đôi, tư duy kiểu ba phải của không ít “vị lão thành cách mạng” hiện nay? Nghĩa là lúc ông Đinh La Thăng vừa được đề bạt lên cao và sử dụng truyền thông báo chí chính thống tô vẽ cho mình thì các vị cũng chạy đến tranh phần: “tôi không lạ gì anh Đinh La Thăng” [2] hay “tôi biết anh Thăng từ thời còn làm cán bộ Đoàn”… Nhưng khi ông Thăng vừa “ngã ngựa” thì cũng chính các vị chứ không phải ai khác rất nhanh nhảu và hùng hồn lên mặt báo chí kêu gọi “cần phải xử lý nghiêm”, “không có vùng cấm”…?

Không ai phủ nhận nhận thức của con người là một quá trình và chắc chắn sẽ có những thay đổi, biến chuyển theo thời gian. Nhưng cái “quá trình” ấy nhất định phải có sự “cọ sát” và kiểm chứng bằng lý luận lẫn thực tiễn chứ không thể trong ngày một ngày hai được. Nhận thức để tuyên truyền kiểu này chỉ càng cho thấy rõ hơn sự ấu trĩ, a aua hay “giậu đỗ bìm leo” của những người từng một thời nắm giữ ngôi cao trong bộ máy chính quyền. Dân tộc và đất nước được dẫn dắt bởi những “bộ óc” như thế thì chuyện mấy chục năm qua không thể “cất cánh” âu cũng là vấn đề không quá khó để lý giải.

3. Thay lời kết

Không ai có thể tự nắm tóc mình để kéo lên khỏi mặt đất. Đó là điều chắc chắn. Thế nên, là người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu không ai là không vui mừng và xúc động trước thành quả ngoài mong đợi của các cầu thủ trẻ U23 khi viết nên “trang sử mới” cho bóng đá nước nhà. Thế nhưng “phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi”. Cuối năm nay đội tuyển bóng đá quốc gia sẽ trở về cái “ao làng” Đông Nam Á tranh giải AFF. Thiết nghĩ, khi đó nếu thắng được người Thái và vô địch thì hãy vỗ ngực “xưng vương” xứ Đông Nam Á cũng là chưa muộn! Vậy nên cả dân tộc có cần tự “vuốt ve” và “tự sướng” quá đà như những gì đã và đang diễn ra không?

Tương tự vậy, thời gian qua không ai phủ nhận tinh thần và quyết tâm bài trừ tham nhũng của người những người đứng đầu Đảng và chính quyền Nhà nước. Nhưng hãy nên nhớ tinh thần và quyết tâm là một chuyện còn cơ chế và thực tế chuyện bài trừ nham nhũng hiệu quả đến mức nào thì lại là chuyện khác. Chỉ mới xử lý một Đinh La Thăng thôi mà nhiều người đã và đang nghĩ rằng tất cả đã “không còn vùng cấm” và tương lai đất nước chẳng còn “giặc nội xâm” nữa thì quả là chẳng khác gì mấy anh hề Trấn Thành, Trường Giang, Xuân Bắc, Tự Long… diễn tuồng trên sân khấu để “mừng Đảng, mừng xuân”!?

Vậy nên, những ngày cuối năm Đinh Dậu nghe ông Tư Sang và không ít vị “lão thành cách mạng” lên báo đài “chém gió” rất hăng say về chuyện chống tham nhũng (nhất là qua vụ Đinh La Thăng) và nhìn hàng triệu người dân Việt đang trong cơn “lên đồng tập thể” trước thành công bước đầu của đội U23 Việt Nam không hiểu sao một lần nữa trong đầu tôi lại hiện về các câu thơ của cụ Tản Đà năm xưa. Những câu nói cũ nhưng thiết nghĩ vẫn còn nguyên giá trị và rất cần thiết đối với mỗi người Việt trong những ngày năm hết Tết đến này:

“Dân hai nhăm triệu ai người lớn

Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con?”

Và:

Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn

Cho nên quân nó dễ làm quan!”

———–

Nguồn tham khảo:

 [1]: “Ngay lúc này, Đảng phải kiên quyết hành động”. Xem tại: Ngay lúc này, Đảng phải kiên quyết hành động.

[2]: “Tôi không lạ gì anh Đinh La Thăng”. Xem tại: “Tôi không lạ gì anh Đinh La Thăng”.

[3]: “Điều chưa biết về tiền vệ Lương Xuân Trường”. Xem tại: Điều chưa biết về tiền vệ Xuân Trường.

Bình Luận từ Facebook