Sự khác biệt giữa Tình Yêu và Lòng Thương Cảm

“Người khôn ngoan trong chính trị sẽ không khai thác sự thương cảm của người dân cho một hình tượng tranh đấu can đảm, kiên cường, bất khuất  mà sẽ tìm cách nhân rộng hình tượng đó đi sâu vào mọi tầng lớp dân chúng đang vốn dĩ rất thờ ơ, vô cảm”.

____

Thạch Đạt Lang

15-1-2018

Sáng chủ nhật, trời trong, ít mây, không lạnh lắm, tôi lấy xe đạp chạy dài theo bờ sông Main. Lúc trở về, gặp thầy Ng lửng thửng đi bộ trên phố, tôi mời thầy ghé vào tiệm bánh duy nhất mở cửa trên đường Kaiserstr, uống cà phê. Người Đức ít uống cà phê Espresso, do đó muốn uống Espresso thì chỉ có cách vào cà phê Starbucks hoặc vào tiệm ăn của người Ý.

Cà phê ở tiệm bánh rất thơm, nhưng cũng rất nhạt, không hợp khẩu vị của đa số người VN, ngược lại, bánh croissant rất ngon. Hai thầy trò nói chuyện lan man, chợt chuyển qua đề tài về Tình Yêu Và Lòng Thương Cảm, khi nhìn qua cửa kính, thấy một người phụ nữ ăn mặc nghèo nàn đang chìa tay xin tiền người đi bộ trên phố, người cho, người không, thầy Ng chợt hỏi:

– Nếu em đang đi, gặp người đàn bà đó, em có giúp đỡ họ không?

– Còn tùy thầy ạ!

Thầy Ng cười nhẹ:

– Tùy gì?

– Tùy lúc đó em có tiền lẻ không, tùy tâm trạng em ra sao, vội hay không vội…

Thầy Ng hỏi tiếp:

– Đặt giả sử, em cho, hành động giúp đỡ của em là vì tình yêu nhân loại hay sự thương cảm cho hoàn cảnh của họ?

Câu hỏi bất ngờ của thầy Ng khiến tôi băn khoăn, suy nghĩ. Thấy tôi yên lặng hơi lâu, thầy Ng mới nói:

Yêu thương và muốn được yêu thương là bản năng của con người. Chữ Love trong tiếng Anh bao quát, có rất nhiều nghĩa nhưng không phân biệt rõ ràng như tiếng Việt. Chúng ta cần phân biệt rõ khi hành động, biểu lộ một sự giúp đỡ, một lời nói an ủi…bởi nếu không khéo léo, cẩn trọng thì việc làm của chúng ta trở nên vô nghĩa, thậm chí lố bịch hoặc tệ hơn, có thể bị lợi dụng, xuyên tạc.

Cũng chỉ là một nghĩa cử khi cho người đàn bà đang xin giúp đỡ kia một vài euro, nếu em thực hành với một nụ cười, một sự cảm thông trong ánh mắt, sự giúp đỡ của em chắc chắn sẽ có ý nghĩa hơn, họ sẽ cảm thấy ấm lòng hơn là khi em vội vã đi qua, dúi vào tay họ, trao nhanh vài đồng bạc lẻ.

Chúng ta không thể biết được hoàn cảnh nào đã đưa đẩy bà ấy đến bước đường phải đi xin ăn. Có thể đó là một phụ nữ giỏi giang, tài ba, gặp một chuyện không may nào đó trong kinh doanh hay bất hạnh trong đời sống gia đình, trở nên mất trí…Biết đâu được, một sự giúp đỡ chân thành, cảm thông, thấu hiểu có thể giúp bà ấy xây dưng, làm lại cuộc đời.

Với tâm thức Việt Nam, nhiều người trong chúng ta lẫn lộn quan niệm tình yêu và sự thương cảm. Bình thường thì chẳng có gì đáng nói, nhưng trong các trường hợp đặc biệt, với những người tự trọng, dũng cảm như Mẹ Nấm – Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài, Phan Kim Khánh, Nguyễn Văn Oai…, trong sự yêu thương, họ luôn đòi hỏi một sự bình đẳng, họ chắc chắn không chờ đợi, mong muốn người khác thương cảm hay nói rõ hơn là thương hại họ.

Khi chọn lựa con đường mình đi, họ đã suy nghĩ, cân nhắc rất nhiều trong một thời gian dài, sẵn sàng đón nhận mọi hậu quả xẩy ra cho bản thân, gia đình. Họ ý thức được việc mình làm, hiểu rõ chuyện gì sẽ xẩy ra khi bị bắt, ở tù, nhưng họ chấp nhận hi sinh cho đất nước, dân tộc, chấp nhận cái giá phải trả không hề rẻ. Bày tỏ lòng thương cảm sẽ là một sự sỉ nhục nặng nề đối với họ. Họ cần tình yêu, sự hiểu biết, cảm thông, để từ tình yêu đó có thể thúc đẩy nhiều người khác dấn thân, tiếp nối con đường họ đi.

Do đó, một lời nói, cử chỉ biểu lộ tình cảm, một sự giúp đỡ về vật chất đối với họ cần được trân trọng, phải xuất phát từ con tim, lòng chân thành, cảm phục, tự nguyện…đúng lúc và đúng chỗ. Họ sẽ cảm thấy bị xúc phạm nếu hành động giúp đỡ, lời nói của chúng ta thiếu sự đồng cảm, hiểu biết hoặc tỏ ý thương cảm.

Tuy nhiên trong đời sống, dường như đa số chúng ta ít khi trao cho nhau tình yêu mà phần lớn chỉ là sự thương cảm.

Khi trao cho nhau tình yêu thương, chúng ta sẽ không thắc mắc, tìm hiểu tại sao người ta rơi vào hoàn cảnh hiện tại. Chúng ta sẽ không trách móc, chê bai, chỉ trích việc họ làm, không đặt câu hỏi về liên hệ gia đình hiện nay ra sao…mà chỉ giúp đỡ tận tình với khả năng của mình.

Còn nếu tò mò, tìm hiểu nguyên nhân nào đã gây ra hoàn cảnh hiện tại cho họ, hỏi han về gia đình, việc làm trong quá khứ… để nghe kể lể, than vãn thì chúng ta chỉ bày tỏ lòng thương cảm chứ không phải là tình yêu. Từ chỗ thương cảm đó, chúng ta lại sẽ sa lầy trong việc đi kêu gọi sự giúp đỡ của người khác cho họ.

Trước đây, một số người tranh đấu khi bị bắt ra tòa, lập tức có nhiều bài viết đưa tin về tình trạng sinh sống gia đình của họ, đại khái đang gặp khó khăn, cần sự giúp đỡ. Điều đó không có gì sai nhưng vô tình làm giảm tác động, ý nghĩa cao quý, ảnh hưởng đến mục tiêu của sự đấu tranh. Khi chọn lựa tranh đấu cho quyền lợi của dân tộc, đất nước, họ chấp nhận những thiệt hại, mất mát sẽ xẩy ra cho gia đình, người thân cho mục tiêu cao đẹp hơn.

Hơn nữa, nếu không may mắn, sự kêu gọi lòng thương sẽ dễ dàng bị lợi dụng, xuyên tạc, chỉ trích, trong quá khứ đã xẩy ra nhiều trường hợp. Chỉ vì những lời kêu gọi giúp đỡ tinh thần và vật chất mà không ít người hoạt động, tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền ít nhiều đã bị ô danh. Bài học đó đến bao giờ chúng ta mới thuộc?

Người khôn ngoan trong chính trị sẽ không khai thác sự thương cảm của người dân cho một hình tượng tranh đấu can đảm, kiên cường, bất khuất  mà sẽ tìm cách nhân rộng hình tượng đó đi sâu vào mọi tầng lớp dân chúng đang vốn dĩ rất thờ ơ, vô cảm.

Sự thương cảm thiếu hiểu biết, kém khôn ngoan sẽ dễ dàng bị lợi dụng, đồng thời vô tình gây ảnh hưởng tiêu cực cho mục tiêu, sự hi sinh cao cả của những người tranh đấu.

Mấy ngày vừa qua, cùng với diễn tiến phiên tòa xử Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh – hai con chuột cống to đùng – phá hại đất nước tàn tệ, đã có không ít những giọt nước mắt thương hại, những biểu lộ đồng cảm, những lời lẽ bênh vực cho hành động, chủ trương của chúng trong thời gian còn quyền lực, chứng tỏ sự nhẹ dạ của người dân về lòng thương cảm”.

Tôi yên lặng, chăm chú lắng nghe, không ngắt lời. Thầy Ng chấm dứt câu chuyện bằng cách quấn lại khăn quàng cổ. Tôi hiểu ý thầy, đứng lên, mặc lại áo jacket. Mặt trời đã lên cao, nắng rực rỡ, một ngày thật đẹp trong mùa đông u ám, lạnh lẽo. Khu phố dành riêng cho người đi bộ bắt đầu tấp nập.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Nhà văn Nguyễn Viện thân mến.
    Gần đây tôi cứ có cảm tưởng là mình sẽ bị bắt. Tôi muốn họ bắt tôi trong nhà, trước mắt đứa em tôi. Tôi không muốn họ bắt vào buổi trưa, vắng người. Khi đã bắt tôi , họ sẽ đánh tiếng đến ông, và sau này khi đã bị giam và qua đời, xin ông ghé qua hỏi chòm xóm tôi vài câu và viết cho đôi dòng, để tôi được ngẩng mặt .
    NGUYỄN VĂN PHONG ( Đường cát- Hà Ninh- Hà Trung- Thanh Hóa- tôi đã cố gắng xử dụng ymail mà không được)

Comments are closed.